Sẽ thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực quan trọng

Thứ Ba, 08/12/2009, 10:59
Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ có định hướng và có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tỷ trọng xuất khẩu lớn, các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia…

Tính đến tháng 10/2009, Việt Nam đã thu hút được 10.805 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 174 tỷ USD. Riêng 10 tháng đầu năm 2009, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các quốc gia và vùng lãnh thổ tạm thời cắt giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch đầu tư ra nước ngoài nhưng Việt Nam vẫn thu hút được 658 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư trên 14 tỷ USD. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến Việt Nam...

Tại Hội thảo "Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) và đô thị" vừa mới tổ chức, ông Kitashima Satoshi - Giám đốc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM cho biết, sau thời gian đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sụt giảm đột biến thì khoảng từ tháng 7 đến nay, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đến văn phòng Jetro nhờ tư vấn về việc thành lập công ty bán lẻ chiếm số lượng lớn. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang rất chú trọng đến lĩnh vực bán lẻ.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao là xu hướng trong thời gian tới.  Ảnh: K.N..

Trong thời gian tới, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng. Theo ông Kitashima Satoshi thì những điều kiện tiên quyết để thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào KCN tại Việt Nam là phải hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Bảo toàn nhân sự và cung cấp nhân sự. Tuy nhiên, việc tắc đường trong vận chuyển ở TP HCM và ứ đọng hàng hoá ở các cảng cũng đã phần nào cản trở doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Ông Chun Sea-young - Tổng Giám đốc Công ty Human Technology E&C (100% vốn Hàn Quốc) cũng cho rằng, hiện nay thế giới trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng như: cầu cảng, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ… lực lượng lao động tương đối nhiều, chi phí nhân công thấp, nhưng công nhân còn thiếu  kỹ thuật để tham gia các dự án lớn.

Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, về thu hút đầu tư nước ngoài, tuy năm 2009 Việt Nam khó duy trì được tốc độ thu hút cao như năm 2007, năm 2008 nhưng không có nghĩa là môi trường đầu tư, kinh doanh kém hấp dẫn hơn.

Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ có định hướng và có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tỷ trọng xuất khẩu lớn, các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia…

Để thực hiện chiến lược đó, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực rà soát các quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh và các văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm xây dựng được một môi trường pháp lý thông thoáng, thống nhất đồng bộ.

Đồng thời công khai, minh bạch hoá các tiêu chuẩn, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện tiến hành sản xuất, kinh doanh cho các nhà đầu tư. Tập trung xử lý triệt để các yếu tố về điều kiện cơ sở hạ tầng liên quan tới hoạt động đầu tư như: hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển; sự ổn định về cung cấp năng lượng, công tác giải phóng mặt bằng, các khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án có quy mô lớn, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo…

K.Ngân
.
.
.