Sẽ đưa thêm hành vi chây ì nộp thuế vào quy chế phối hợp để xử lý
PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Ninh bên lề hội thảo.
P.V: Ông có nhận xét như thế nào về kết quả phối hợp liên ngành giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Thuế?
Ông Nguyễn Văn Ninh: Tôi cho rằng nhờ sự phối hợp, tình trạng chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) căn bản được đẩy lùi. Từ năm 2002, tội phạm về chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT diễn biến phức tạp, đây là vấn đề bức xúc đối với xã hội làm thiệt hại lớn đến ngân sách của Nhà nước. Hai lực lượng đã phối hợp rất chặt chẽ, cung cấp thông tin cho nhau và tăng cường lực lượng hỗ trợ, cùng phối hợp điều tra phát hiện. Sau mấy năm triển khai phối hợp, cùng với kiến nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, cùng với tăng cường quản lý thuế GTGT, đã phát hiện và ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng các doanh nghiệp lập hồ sơ khai khống hàng xuất khẩu, khai khống thuế GTGT để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Loại tội phạm thứ hai là các doanh nghiệp thường thành lập ra không phải để kinh doanh mà để mua những hoá đơn của Nhà nước và bán những hoá đơn này cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào việc khấu trừ khống thuế, phục vụ vào việc hợp thức hoá những hành vi gian lận, sử dụng vào việc rút ruột tiền chi của ngân sách Nhà nước và các công trình xây dựng cơ bản ở các đơn vị hành chính sự nghiệp. Chúng tôi đã truy thu cho Nhà nước khoảng trên 100 tỷ đồng. Số thu này không phải là lớn, nhưng nó góp phần rất lớn vào việc ngăn chặn, đẩy lùi, kìm chế tình trạng thành lập doanh nghiệp ma để buôn bán hoá đơn bất hợp pháp.
Như vậy, qua sự phối hợp này, thứ nhất là Luật Thuế GTGT được thi hành nghiêm túc hơn, thứ hai là truy thu được một phần thuế thất thoát cho Nhà nước và thứ 3 là góp phần bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, của những người nộp thuế.
P.V: Theo ông, cần những sửa đổi gì về cách thức phối hợp khi mà doanh nghiệp vi phạm thuế càng ngày càng tinh vi?
Ông Nguyễn Văn Ninh: Trong thời gian tới, về phạm vi phối hợp, chúng tôi sẽ mở rộng hơn. Ngoài những tội phạm trốn thuế, chiếm đoạt thuế, buôn bán hoá đơn bất hợp pháp, sắp tới đây, chúng tôi sẽ bổ sung việc đấu tranh với hành vi chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế vào quy chế phối hợp.
Hiện nay, hành vi tội phạm của một số tổ chức, cá nhân ngày càng phức tạp và tinh vi. Có những vụ án, toàn bộ băng tội phạm không bao giờ lộ diện mà đứng sau đạo diễn người làm thuê để đứng ra quan hệ với Nhà nước, khi đụng chạm thì chúng biến ngay. Chúng có một mạng lưới kết nối với hàng ngàn doanh nghiệp trong cả nước. Với mức độ tinh vi và phức tạp thế này, đòi hỏi sự phối hợp giữa cơ quan Thuế, cơ quan Cảnh sát và các cơ quan khác phải chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn và liên tục hơn. Cho nên quy chế sắp tới, chúng tôi sẽ sửa đổi theo hướng là tăng cường sự phối hợp thường xuyên chứ không phải chỉ cung cấp thông tin mà cung cấp tài liệu cho nhau, hỗ trợ cho nhau cả về nhân lực, cả về kinh phí cũng như nghiệp vụ điều tra để làm sao cho cơ quan Thuế, Công an xử lý kịp thời các hành vi vi phạm
P.V: Ngành Thuế sẽ xử lý như thế nào với 1.500 tỷ đồng nợ đọng?
Ông Nguyễn Văn Ninh: Số tiền nợ đọng thuế do tổ chức, cá nhân chây ì vào khoảng 1.500 tỷ đồng là kể từ năm 1990. Trước đây, do nhiều khó khăn, chế tài chưa đủ, bây giờ có thuận lợi hơn vì có luật quản lý thuế, coi đó là tội phạm về thuế, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thi hành các quyết định để thu thuế, ví dụ như phong tỏa tài sản, thu hồi giấy phép kinh doanh, giữ phương tiện tài sản, kê biên tài sản bán đấu giá để thu thuế... Đấy là những biện pháp rất cụ thể mà chúng ta có thẩm quyền làm để buộc doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện nộp đầy đủ thuế cho Nhà nước.
Nếu như áp dụng đầy đủ các biện pháp, những chế tài như vậy mà đối tượng nộp thuế, người nộp thuế vẫn không thực hiện thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế. Về lực lượng, trước đây chúng ta phối hợp các ngành chưa tốt, chủ yếu tập trung vào hành vi gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế... chứ chưa đi sâu vào hành vi chây ì nợ thuế. Lần này, trong Luật Quản lý thuế cũng như quy chế phối hợp sẽ cụ thể hơn.
Nhưng muốn làm việc này phải có sự phối hợp của với các cơ quan, chính quyền địa phương cưỡng chế như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản. Việc đó đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa nhiều ngành dưới sự chỉ đạo của UBND địa phương. Vấn đề này chúng tôi đang xây dựng chế tài và quy trình để cưỡng chế, tôi tin rằng, nợ đọng thuế sẽ được giải quyết
P.V: Kiểm toán có báo cáo phát hiện ra con số nằm ngoài hàng nghìn tỷ đồng. Ông giải thích thế nào?
Ông Nguyễn Văn Ninh: Chúng tôi chưa được cung cấp tài liệu này nên sẽ cho kiểm tra lại, sẽ thông báo sau. Chúng tôi cho rằng có những việc cụ thể của kiểm toán, chúng tôi chưa trả lời được. Hiện nay, nợ tiền sử dụng đất rất phức tạp, những dự án tổ chức bán đấu giá vẫn chưa triển khai được cho nên người ta không thể nộp tiền sử dụng đất được. Ví như dự án Công ty Thăng Long của Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh giá trị 1.000 tỷ đồng, được triển khai trên quy định giá đất cũ. Khi họ đang triển khai, đùng một cái, do thay đổi quy định về giá đất và giá đất mới tăng lên rất nhiều lần so với giá đất cũ nên họ rơi vào tình trạng rất khó khăn, không thể triển khai dự án được. Cần Thơ, Quảng Ninh... cũng có tình trạng như vậy, cho nên mình phải xác định bản chất người ta nợ đấy là như thế nào, trong khi người ta chưa triển khai được dự án, thì mình cũng chưa xác định được đấy là khoản nợ đọng thuế.
P.V: Xin cảm ơn ông!