Sau một năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO
Khi trở thành thành viên WTO, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế và đối xử bình đẳng hơn trên thị trường thế giới đã khiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tăng mạnh, đạt 20 tỷ USD; dòng vốn từ nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng tăng lên nhanh chóng, đạt 7,6 tỷ USD đã góp phần nâng tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán đạt mức 50% GDP, về đích sớm hơn so với mục tiêu đặt ra 3 năm.
Trong năm, nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng đạt khoảng 20 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng thêm 9 tỷ USD, bằng 15 năm cộng lại… Điều đó đã khẳng định: vị thế của nước ta tiếp tục được cũng cố và không ngừng nâng nên trên trường quốc tế sau một năm chính thức là thành viên WTO.
Năm nay, trong nhóm hơn 10 loại sản phẩm có tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, các mặt hàng như dệt may, điện tử và máy tính, đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao, khoảng 20%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 lại thấp hơn so với mức 26% của năm 2006 và nhập siêu trong năm này đã lên đến 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Do ảnh hưởng của giá dầu mỏ thế giới liên tục tăng và hàng loạt những nguyên nhân khác đã khiến lạm phát trong nước lên đến 2 con số, ở mức 12,63%. Điều này cũng đồng nghĩa với chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, chất lượng cuộc sống của người dân so với mặt bằng thu nhập đã giảm sút đáng kể...
Trong năm, đầu tư trong nước cũng tăng mạnh, đã có thêm hơn 43.000 doanh nghiệp ra đời và đi vào hoạt động với số vốn đăng ký là 343.000 tỷ đồng. Đầu tư từ khu vực kinh tế dân doanh tăng 28%, chiếm 17% GDP. Tuy nhiên, việc Chính phủ phải thực hiện ngay việc cắt giảm 1.800 dòng thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO là một sức ép rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo nhận định trong tham luận của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh tại hội thảo "Doanh nghiệp Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO" được tổ chức vào những ngày cuối năm tại TP Hồ Chí Minh thì "giá bất động sản, nhà đất ở đô thị tăng vọt đã làm tăng chi phí kinh doanh, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Hơn thế nữa, giá bất động sản tăng mạnh đã hút nguồn vốn rất lớn đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi đầu tư vào công nghệ bị sao nhãng là điều rất đáng tiếc".
Sau một quá trình đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn dân doanh trong nước và vốn FDI, hạ tầng đã bắt đầu quá tải hoặc khai thác đến mức giới hạn an toàn cho phép.
Còn theo nhận xét của Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thiên, cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, cũng tại cuộc hội thảo nói trên thì "Kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản thực hiện quá chậm, chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Giải ngân vốn chậm đồng nghĩa với tốc độ giải tỏa các nút thắt tăng trưởng giao thông, cảng biển, năng lượng… chậm theo. Đường sá tại những đô thị lớn còn tiếp tục ách tắc, giải tỏa hàng ở nhiều bến cảng còn tiếp tục chậm, nguồn điện sẽ vẫn thiếu hụt… hậu quả là thu hẹp khả năng tận dụng các cơ hội bứt phá và chuyển dịch cơ cấu, giảm sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài".
Mặt khác, khi lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết tiếp tục được thực hiện, rào cản thuế quan được dỡ bỏ, lập tức rào cản kỹ thuật là các tiêu chuẩn "sản xuất sạch, sản phẩm sạch…" sẽ được nhiều nước dựng lên đối với hàng hóa xuất khẩu.
Như vậy, sau một năm chính thức hội nhập, đã có hàng loạt những vấn đề phát sinh cần giải quyết, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Làm sao để tận dụng và phát huy tối đa nguồn vốn đầu tư trong nước, vốn FDI đã có cũng như nguồn vốn đầu tư thời gian tới trong việc phát triển kinh tế - xã hội đang là một thách thức lớn; một yêu cầu cấp bách cần đặt ra ngay trong năm 2008 này