Sau 22 năm, hơn 2 nghìn ha rừng biến mất

Thứ Bảy, 24/11/2007, 09:16
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai), trong đó sai phạm nổi cộm là việc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Miền Đông Nam Bộ được UBND huyện Thống Nhất (cũ) giao cho quản lý 2.415ha đất rừng nhưng 22 năm sau số rừng này gần như đã biến mất.

Buông lỏng quản lý

Ngày 27/12/1985, UBND huyện Thống Nhất ra Quyết định số 176/QĐ-UBH giao cho Trạm trồng rừng Thống Nhất diện tích đất rừng 2.415ha được xác định tứ cận không rõ ràng là phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu, phía Tây giáp TP Biên Hòa, phía Đông giáp hồ Sông Mây và phía Nam giáp quốc lộ 1A.

Tại điều 2 của quyết định nêu rõ, UBND huyện giao tổ quản lý ruộng đất, tổ quy hoạch, Phòng Lâm nghiệp cùng UBND hai xã Bắc Sơn, Hố Nai 3 lập biên bản bàn giao đất tổng thể cho Trạm trồng rừng.

Sau đó, Trạm trồng rừng phải có luận chứng quy hoạch thiết kế rừng và có kế hoạch trồng rừng hàng năm để kết hợp với quản lý ruộng đất chung của huyện… Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, UBND huyện đã quên hẳn việc thực hiện theo quyết định này. Cộng với việc thay đổi cơ quan chủ quản, không cụ thể hóa việc bàn giao, kiểm tra dẫn đến 2.415 ha đất rừng gần như mất sạch.

Vào thời điểm nhận đất để trồng rừng, đơn vị chủ quản của Trạm trồng rừng thống nhất là UBND huyện Thống Nhất. Nhưng đến năm 1993, đơn vị này lại thuộc về Sở Lâm nghiệp và đến tháng 9/1996 thì thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam.

Đơn vị này giao cho Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Miền Đông Nam Bộ (XNNLGMĐNB) trực tiếp quản lý từ đó cho đến thời điểm thanh tra. Qua quá trình thanh tra số liệu của Hạt Kiểm lâm cho thấy, vào thời điểm năm 1999, XNNLGMĐNB quản lý gần 900ha đất có rừng nhưng đến năm 2007 số rừng đã mất đi là hơn 820ha.

Còn tính từ năm 1985 đến nay, qua các thời kỳ thay đổi đơn vị chủ quản, mỗi năm đơn vị trực tiếp quản lý, trồng rừng đã để người dân bao chiếm hàng chục ha dẫn đến mất trắng hàng ngàn ha rừng (vì trên thực tế đất rừng bị mất còn lớn hơn diện tích 2.415ha mà UBND huyện Thống Nhất giao cho Trạm trồng rừng Thống Nhất).

Tự do "xẻ thịt" đất rừng

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trảng Bom vào đầu năm 2005 thì tình trạng mua bán đất rừng sang tay ở xã Hố Nai 3 xảy ra 70 trường hợp với diện tích lên đến gần 530 ngàn m2; còn tại xã Bắc Sơn thì rất nhiều nhưng chưa có con số thống kê chính xác.

Đáng nói hơn là tất cả những phi vụ mua bán đất rừng này đều được các nguyên Chủ tịch xã Bắc Sơn lúc bấy giờ là ông Quách Kim Tính và Văn Công Tạo ký xác nhận. Còn ông Phạm Tiến Ngọc, Phó Giám đốc XNNLGMĐNB thì tiếp tay bằng cách xác nhận: "… diện tích đất xí nghiệp không quản lý".

Điển hình trong số này như hộ Đỗ Việt Hương 10ha, Nguyễn Thị Vân Anh 1ha, Lê Tất Tuyến 2,4ha, Nguyễn Thanh Liêm 14ha, Trịnh Văn Sáu 2,5ha…

Trên địa bàn huyện Trảng Bom có hai khu công nghiệp (KCN) là KCN Hố Nai, diện tích 479ha và KCN Sông Mây, diện tích 227ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát việc đền bù thực hiện dự án KCN Sông Mây, cơ quan thanh tra phát hiện có 151ha đất thuộc phạm vi đất rừng theo Quyết định 176 nằm trong quy hoạch nhưng được đền bù 100% giá trị đất với tổng số tiền bồi thường là gần 27,3 tỷ đồng cho 252 hộ dân.

Tương tự là ở KCN Song Mây có diện tích đất rừng là trên 78ha được bồi hoàn gần 21 tỷ đồng cho 148 hộ dân. Thanh tra Chính phủ còn chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra làm rõ và xử lý những cá nhân có dấu hiệu tiêu cực

M.T.P.
.
.
.