Sản xuất ‘trà sen’ bằng hóa chất hương liệu

Thứ Ba, 12/05/2015, 19:12
Trà thô đưa vào máy sấy trong 20 phút cho nóng lên, rồi trộn hóa chất hương liệu (cứ 3 kg trà, 1 g bột hóa chất hương liệu sen), tiếp tục đưa vào lò sấy trong 25 phút rồi đóng gói.

Sau một thời gian nắm tình hình, trưa ngày 12/5, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49B - Bộ Công an) cùng lực lượng QLTT quận Bình Thạnh, Cảnh sát khu vực... phối hợp đã kiểm tra tại cơ sở trà Đông Phương (218/13/26, phường 1, quận Bình Thạnh) do bà Trần Thị Kỳ làm chủ.

Ghi nhận, tại hiện trường, khối lượng trà thành phẩm và trà nguyên liệu là : 12.709 kg, không dán nhãn hàng hóa và không có niêm yết giá. Toàn bộ việc kinh doanh, sản xuất được đặt trong khuôn viên rộng khoảng 200 mét vuông, chia thành 2 nơi, tại 2 địa chỉ cũng là 2 nhà sát nhau: địa chỉ 218/13/26, phường 1, quận Bình Thạnh là nơi để hàng thành phẩm, giao dịch bán hàng; địa chỉ:  54/29 Yên Đỗ, cũng thuộc phường 1, Bình Thạnh là nơi sơ chế, chế biến với hệ thống 3 máy sấy, ủ trà, nơi chứa hương liệu, hóa chất và nguyên liệu trà thô.

Chủ cơ sở nghe đoàn kiểm tra đọc biên bản ghi nhận sự việc trưa ngày 12/5/2015.

Chủ cơ sở không xuất trình được các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới việc mua, nhập nguyên liệu cũng như hồ sơ chứng minh sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Bà Kỳ cho biết, nguyên liệu trà thô được thu mua tại tỉnh Lâm Đồng, từ một người phụ nữ tên Kim Anh, giá từ 100.000đ tới 120.000 đ/kg; một phần nguyên liệu trà thô khác mua từ một nhà máy sản xuất trà tại Hà Nội (nhưng thông qua một người đàn ông làm trung gian tên là Bộ?) với giá rất rẻ: chỉ 15.000, 16.000 đ/kg trà thô.

Khu vực ủ, sấy trà thô với hóa chất, hương liệu của trà Đông Phương.

Liên quan tới các loại phụ gia, hương liệu (hương Lài, Sen) được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm trà Lài, trà Sen tại Đông Phương, chủ cơ sở chỉ khai nhận thường xuyên đặt lấy hàng qua một người đàn ông tên Hiền. Mọi giao dịch lấy hàng, trả tiền là qua điện thoại.

Trong đó, loại bột hóa chất hương liệu mà chủ cơ sở cho biết là hương Sen, nhìn bề ngoài không khác gì bột ngọt, với giá 680.000 đ/ kg. Ngoài ra, cơ sở cũng dùng một loại hương liệu hương Sen khác bằng nước.

Bột hóa chất hương liệu sản xuất trà Sen không rõ nguồn gốc tại cơ sở Đông Phương.

Ghi nhận tại hiện trường, có 4 kg loại bột hóa chất, 1 bình nhựa nhỏ chứa 350 ml hương liệu cho sản xuất trà Sen, đều không rõ xuất xứ, nguồn gốc.

Cơ sở cho biết qui trình sản xuất các loại trà như sau: Với trà Lài: trà thô ướp hoa Lài tươi trong 12 giờ đưa vào lò sấy 45 phút, đưa ra máy cắt nhỏ, lượm cọng trà ra khỏi sản phẩm, rồi đưa ra sàng, sẩy cho sạch và đưa vào đóng gói thành loại: 100 gr, 0,5 kg, 1 kg, 2 kg tới 5 kg/bao.

Với Trà Sen: Trà thô đưa vào máy sấy trong 20 phút cho nóng lên, rồi trộn hóa chất hương liệu (cứ 3 kg trà, 1 g bột hóa chất hương liệu), tiếp tục đưa vào lò sấy trong 25 phút, đưa ra cắt nhỏ, lượm cọng trà bỏ riêng... rồi đóng gói từng loại cũng như trà Lài.

Tùy theo loại mà các sản phẩm tại đây có giá bán từ 100.000 tới 120.000 đ/kg, loại cao nhất: 200.000 đ/kg.

Bà Kỳ giải thích, sở dĩ phải dùng hương liệu phụ gia vì không phải lúc nào cũng có hoa Lài và tâm Sen tươi. Hoặc có thu mua cũng không đủ để sản xuất.

Các loại trà thành phẩm của cơ sở đều không nhãn mác, không niêm yết giá.

Trước mắt, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở trà Đông Phương ngưng hoạt động, thực hiện niêm phong số hóa chất hương liệu tại cơ sở, lấy mẫu các loại trà thành phẩm để kiểm nghiệm, cũng như có thư mời chủ cơ sở lên làm việc, cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan, và đề nghị cơ quan ban ngành địa phương cùng phối hợp giám sát.

Huyền Nga
.
.
.