Sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp

Thứ Sáu, 14/03/2014, 09:13
Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý triệt để loại tội phạm này dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực ngăn chặn.

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Chứng minh cho nhận định trên, ông Tín cho biết, các hoạt động vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán thành phẩm) ở một nơi, sau đó, tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn đặt hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.

Quản lý thị trường tổ chức tiêu hủy phụ tùng xe máy của một số hãng nổi tiếng bị làm giả. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu giả mạo xuất xứ tinh vi hơn. Các đối tượng nhập khẩu hàng Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên sản phẩm không có xuất xứ hàng hóa. Sau khi vào nội địa mới gắn xuất xứ để “qua mặt” cơ quan chức năng. Không những thế, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, trà trộn với các khu dân cư, các làng nghề, vùng nông thôn, xuất hiện ngay cả tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã;… Ngoài ra còn có tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua internet... nên rất khó phát hiện. “Hiện đã xuất hiện việc móc nối giữa trong nước với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT đưa vào Việt Nam” - ông Tín nhận định.

Trước thực này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn nạn hàng giả, tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các hiệp hội, DN trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc vi phạm về lĩnh vực này, đã đạt được những kết quả khả quan, tác động tích cực đối với thị trường. Theo số liệu của Cục QLTT, từ 2010 đến 2012, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 36.483 vụ hàng giả, kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT, xử phạt vi phạm hành chính 134,1 tỷ đồng. Riêng năm 2013, đã phát hiện và xử lý 13.037 vụ, thu phạt 57,2 tỷ đồng.

Quản lý thị trường kiểm tra một lô hàng nghi là giả.

Rất nhiều giải pháp đã được Cục QLTT triển khai, song tại sao đến nay hàng giả vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng? Theo ông Nguyễn Trọng Tín, có rất nhiều lý do: Hiện nay thực thi hành chính về hàng giả mạo quyền SHTT rất nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt nhưng lại không có cơ quan thực thi nào chịu trách nhiệm chính, cơ chế phối hợp lỏng lẻo, mang tính hình thức, không hiệu quả.. Thứ hai, mặt bằng thu nhập người dân còn thấp, nhu cầu hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp nên hàng giả có điều kiện phát triển. Thứ ba, nhận thức của nhiều người dân còn rất hạn chế, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong khi nhiều DN không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ thương hiệu của mình. Và cuối cùng, trong khi hàng giả có quy mô ngày càng lớn thì lực lượng QLTT lại quá mỏng, phương tiện thực thi vừa lạc hậu vừa thiếu thốn, kinh phí hạn chế khiến lực lượng gặp nhiều khó khăn.

Để xử lý triệt để tình trạng hàng giả, ông Tín kiến nghị, Chính phủ cần xem xét bổ sung nguồn lực, phương tiện, đặc biệt là thiết bị chuyên dụng, bảo quản, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, cũng như kinh phí hoạt động bắt giữ, tiêu hủy cho lực lượng QLTT. Đồng thời, sớm rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh chính sách, pháp luật cũng như cơ chế thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi ngành, lực lượng. Tập trung vào một đầu mối thực thi trong mỗi lĩnh vực để tập trung nguồn lực và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thực thi ở tất cả các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Công tác phối hợp phải có trọng tâm, trọng điểm, có chương trình, phương án cụ thể để nhằm tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường

Hoàng Châu
.
.
.