Sai phạm nhan nhản nhưng “ngại” xử lý

Thứ Sáu, 15/11/2013, 10:34
Qua kiểm tra của ngành Nông nghiệp, lượng thuốc BVTV kém chất lượng chiếm khoảng 10%. Đáng chú ý, trong số này, thuốc giả, ngoài danh mục vẫn “trà trộn”. Biết thế nhưng đây lại là mặt hàng mà lực lượng chức năng “ngại” bắt nhất. Một phần vì độc hại cho người tham gia, song nguyên nhân lớn nhất vẫn là “tắc” tại khâu lưu giữ, bảo quản hàng.

“Nhất nước, nhì phân…”. Hẳn cha ông ta đã có chủ ý khi coi trọng phân bón nói riêng, hay vật tư nông nghiệp nói chung. Đây là yếu tố quan trọng góp phần vào những mùa vàng bội thu của ngành nông nghiệp. Nhưng chính ngành Nông nghiệp cũng đang “bó tay” khi kiểm tra nhiều, nhưng những vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phân phối vật tư nông nghiệp vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ và có nguy cơ “nhờn thuốc”.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có 97 cơ sở sản xuất và 29.000 cửa hàng, đại lý được đăng ký, cấp chứng chỉ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong số đó có một lượng không nhỏ hộ buôn bán nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Theo tính toán của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 tấn thuốc BVTV “qua tay” những nhà buôn bán này, để đến với người sử dụng. Qua kiểm tra của ngành Nông nghiệp, lượng thuốc BVTV kém chất lượng chiếm khoảng 10%. Đáng chú ý, trong số này, thuốc giả, ngoài danh mục vẫn “trà trộn”. Biết thế nhưng đây lại là mặt hàng mà lực lượng chức năng “ngại” bắt nhất. Một phần vì độc hại cho người tham gia, song nguyên nhân lớn nhất vẫn là “tắc”  tại khâu lưu giữ, bảo quản hàng. Bắt được thuốc BVTV giả, nhưng chứa ở đâu vẫn là câu hỏi lớn vì nhiều tỉnh, thành hiện không có nơi chứa, kinh phí để tiêu hủy loại sản phẩm độc hại này.

Sờ đâu vi phạm đó.

Thuốc trừ sâu đã vậy còn lĩnh vực phân bón cũng phức tạp không kém. Cả nước có trên 7.000 cơ sở sản xuất với khoảng 60.000 đại lý, cung cấp hơn 10,5 triệu tấn phân bón mỗi năm. Nhiều cơ sở sản xuất, nhiều đại lý đến mức chính nhà quản lý cũng đau đầu. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định cũng phải đặt câu hỏi “Cấp phép nhiều khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Bản thân người đi kiểm tra cũng không nắm được hết các loại trong danh mục, thì biết kiểm tra như thế nào?”. Cơ quan quản lý còn lúng túng đến vậy thì nông dân, người  sử dụng trực tiếp cũng … bó tay về các loại thuốc BVTV, cũng như phân bón đang được lưu thông trên thị trường hiện nay.

Trong khi vi phạm tràn lan, “mắt thường” cũng  thấy, thì chính người trong cuộc cũng phải ngao ngán vì công tác thanh kiểm tra hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Có địa phương kiểm tra, lấy mẫu phân tích phải mất 10 ngày mới có kết quả. Khi xác định rõ vi phạm, quay trở lại thì người dân hoặc cơ sở vi phạm đã bán, hoặc tẩu tán hết số hàng hóa vi phạm. Nhưng ngược lại, nếu thu giữ ngay cũng ít cơ quan nào dám, do lo ngại “nhỡ” là “đồ thật” mà bảo quản không đến nơi đến chốn dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa thì “ra tòa là cái chắc”.

Thêm nữa như nhận xét của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu “chúng ta có cả “rừng” văn bản pháp luật, nhưng không áp dụng được nhiều”. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cũng nhận định, vào cao điểm thanh tra thì các cơ sở vi phạm hoạt động cầm chừng, hoặc rút vào hoạt động “bí mật”, thậm chí nằm im chờ qua “chiến dịch” lại làm tiếp. Do vậy, hiệu quả thanh tra chưa cao. Bằng chứng là, hằng tháng, từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương cũng tổ chức thanh, kiểm tra xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng số cơ sở yếu kém, không đạt vẫn chiếm quá nửa.

Do đó, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, hiệu quả của công tác này không cao, cần phải xem lại cách làm, nếu không vừa tốn tiền, vừa mất thời gian. Để hạn chế chồng chéo, cũng như giải quyết tận gốc vấn đề thanh tra theo cách “cưỡi ngựa xem hoa”, Thanh tra Bộ cũng như các cấp Cục, vụ nên phân cấp và cấp kinh phí cho các địa phương chịu trách nhiệm chính trong thanh, kiểm tra tại cơ sở. Cấp Bộ chỉ tập trung vào hậu kiểm. Có như vậy, công tác thanh tra mới có thể “chỉ mặt đặt tên” cơ sở vi phạm, giải quyết triệt để vi phạm, tạo môi trường trong sạch cho nền nông nghiệp Việt Nam

Chi Linh
.
.
.