Rượu “cuốc lủi” nấu bằng… phân đạm

Thứ Bảy, 23/05/2009, 14:30
Rượu "cuốc lủi" đóng chai, nút bằng lá chuối (còn gọi rượu ngang) được nấu từ gạo quê, men ta nay thành phần của rượu đã được một số cơ sở sản xuất bổ sung, ngoài gạo và men Trung Quốc, còn có cả phân đạm u-rê và chất tẩy clo làm trắng gạo.

Dư luận Hải Phòng hiện đang xôn xao và lo ngại về việc cơ quan chức năng thành phố vừa kiểm tra, phát hiện 1 loại rượu vốn được coi là dân dã, tinh khiết và an toàn nhất, được nấu từ gạo quê, men ta, gọi là "cuốc lủi" đóng chai, nút bằng lá chuối (còn gọi rượu ngang). Nhưng nay, thành phần của rượu đã được một số cơ sở sản xuất bổ sung, ngoài gạo và men Trung Quốc, còn có cả phân đạm u-rê và chất tẩy clo làm trắng gạo.

Cơ sở sản xuất loại rượu này mang tên "Tâm Lan", đặt tại số 74, khu 10 Hạ Lũng, phường Đông Hải, quận Hải An (Hải Phòng). Chủ cơ sở là ông Lê Hữu Tâm cùng vợ là bà Nguyễn Thị Lan. Đây là cơ sở sản xuất rượu quy mô lớn, ở cách trung tâm hành chính quận Hải An không xa.

Mặc dù hoạt động đã nhiều năm nay, người mua đến từ khắp nơi, cả ở tỉnh ngoài, rất tấp nập, nhưng để bắt quả tang việc sản xuất rượu chui ở đây quả là không dễ. Ngày 21/5, Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện việc sản xuất rượu chui tại đây, với nhiều vi phạm nghiêm trọng về VSATTP.

Cụ thể, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 14 bao men rượu Trung Quốc không rõ nguồn gốc; 2 can (mỗi can 30 lít) chất tẩy clo; 5 bao phân đạm u-rê; 6 phuy cồn thực phẩm; 2 phuy cồn đã pha chế; 180 bao men rượu thành phẩm; 1 máy lọc nước (loại thô sơ)…

Tại khu vực sản xuất, từ bao bì, xô chậu đựng, đến các kho, bể chứa…, tất cả đều rất lộn xộn, mốc meo, nhem nhuốc. Chỉ bằng cảm quan cũng thấy mất vệ sinh. Đáng nói, giấy tờ mà bà Lan (chủ cơ sở) xuất trình, không có giấy phép kinh doanh sản xuất rượu đã đành, giấy phép đăng ký kinh doanh làm men rượu, trong đó thành phần men rượu ghi trong giấy phép chỉ bao gồm: gạo (90%), men giống và một số vị thuốc bắc.

Nhưng thực tế kiểm tra, ngoài những thành phần đó ra, còn có cả những hoá chất có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng, như: Phân đạm u-rê, cồn, clo. Đặc biệt, loại men sử dụng để nấu rượu là men Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận đảm bảo VSATTP.

Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận, đã dùng nước máy để hạ độ cồn, sử dụng chất clo để tẩy trắng gạo, đồng thời sử dụng phân đạm u-rê để tăng lượng và chất cho rượu(!?). Được biết, đầu tháng 5 mới đây, quận Hải An cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của quận thực hiện việc kiểm tra VSATTP tại cơ sở này, nhưng không hiểu sao đã không phát hiện ra những sai phạm nêu trên để xử lý(!?).

Cũng xin được nói thêm rằng, tại Hải Phòng vừa qua, hàng loạt những vụ việc vi phạm VSATTP đã bị cơ quan chức năng các địa phương kiểm tra, phát hiện, như vụ: Chế biến bì lợn thối rữa với khối lượng lớn tại cơ sở chế biến bì lợn ở số 12/342 đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân; vụ giết mổ lợn dịch, lợn chết để đưa đến các lò quay ở số 45/89, phố Trần Nguyên Hãn, phường Cát Dài, quận Lê Chân; hay vụ nhà hàng Tre Việt ở đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, sử dụng nhiều loại thực phẩm, chất phụ gia không rõ nguồn gốc…

Hậu quả nhãn tiền cũng đã thấy, đó là 57 trường hợp phải cấp cứu do tiêu chảy cấp (tính đến ngày 20/5/2009), song dường như, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở Hải Phòng vẫn làm ngơ.

Đề nghị các cơ quan chức năng TP Hải Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt những vụ việc phát hiện phải kiên quyết xử lý nghiêm minh

Lệ Thu
.
.
.