Rượu càng “xịn” càng bị làm giả

Thứ Ba, 02/12/2008, 15:13
Theo nhận định của một cán bộ chống buôn lậu, thị trường rượu ngoại tại Việt Nam đang "có vấn đề" bởi lượng rượu ngoại nhập khẩu chính thức so với lượng rượu ngoại tiêu thụ thực tế trên thị trường chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, có tới 80% rượu ngoại được bán trong các cửa hàng, siêu thị là rượu nhập lậu. Trong số này, rượu ngoại giả chiếm khoảng 30%. Các loại rượu ngoại có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường là những loại bị làm giả nhiều nhất, tập trung chủ yếu vào các nhãn hiệu như Johnnie Walker, Chivas, Hennessy…

Ngày 29/11, PC15 Công an Hà Nội phá đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ rượu ngoại giả trên địa bàn Hà Nội, thu giữ hàng trăm chai rượu giả các loại đã được tung ra thị trường. Vụ án cho thấy hoạt động của tội phạm hàng giả đang "nóng" khi Tết Nguyên đán cận kề.

Lợi nhuận - đích của tội phạm sản xuất rượu ngoại giả

Có mặt tại nhà của Hoàng Tiến Dũng (35 tuổi), ở C3 tập thể Kim Liên, đối tượng chính trong đường dây sản xuất rượu ngoại giả khi cơ quan Công an thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp, chúng tôi cứ nghĩ Dũng làm nghề "ve chai" bởi trong nhà anh ta chất chứa rất nhiều thùng giấy đựng vỏ chai rượu ngoại các loại.

Tại cơ quan Công an, Hoàng Tiến Dũng khai nhận sản xuất rượu ngoại giả từ tháng 8/2008 với số lượng hàng chục chai mỗi ngày.

Dũng và vợ mua gom vỏ chai rượu ngoại từ các nhà hàng, quán bar hoặc của những người thu mua phế liệu về đóng "ruột" rượu giả và trực tiếp tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh rượu ngoại trên địa bàn Hà Nội.

Để các đại lý rượu tin tưởng lấy hàng thường xuyên, Dũng quảng cáo đó là rượu nhập lậu và bán với giá tương đương rượu thật. Sau khi quen khách, các đại lý cần hàng chỉ việc điện thoại cho Dũng.

Công nghệ pha chế rượu ngoại giả của Dũng khá đơn giản: Dùng rượu Vodka Hà Nội pha chế với nước hàng, phẩm màu và một tỷ lệ nhỏ rượu ngoại thật nhãn hiệu Johnnie Walker để lấy "mùi".

Khi Hoàng Tiến Dũng bị bắt giữ, nhiều đại lý lấy rượu của anh ta mới biết Dũng chỉ là thợ điện tự do. Lý giải duy nhất của Dũng tại cơ quan Công an về hành vi sản xuất rượu ngoại giả, đó là lợi nhuận quá lớn. Mỗi chai rượu ngoại, trừ tất cả chi phí, Dũng thu về hàng trăm nghìn đồng.

Những năm gần đây, khi đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì việc sử dụng rượu ngoại trong các bữa tiệc, sử dụng làm quà biếu dịp lễ, Tết… đã trở nên phổ biến. Do vậy, cuối năm bao giờ cũng là thời điểm hoạt động mạnh của các loại tội phạm sản xuất, buôn bán rượu ngoại giả.

Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi rượu ngoại được bày bán nhan nhản trên tất cả các đường phố thì tội phạm sản xuất rượu giả càng có nhiều cơ hội trà trộn. Với giá thành cao, sức tiêu thụ lớn, việc sản xuất, buôn bán rượu ngoại giả trở thành "nghề" hốt bạc mỗi khi Tết cận kề…

Chính vì vậy, những ngày tháng cuối năm cũng là lúc các trinh sát chống buôn lậu, buôn bán hàng giả bộn bề công việc nhất. Hoạt động của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả càng tinh vi, đòi hỏi trinh sát mất nhiều công sức, thời gian để nắm chắc phương thức thủ đoạn hoạt động của chúng, từ đó chủ động lập kế hoạch đấu tranh.

Xác định công tác chống hàng lậu, hàng giả trong thời điểm giáp Tết không chỉ góp phần bình ổn thị trường mà quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người dân nên các vụ việc phát hiện đều được lực lượng Công an tập trung đấu tranh, bóc gỡ những đối tượng có liên quan, triệt để thu giữ tang vật hàng giả đã được các đối tượng tung ra thị trường tiêu thụ.

Chủ động và quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này nên những năm gần đây, vào thời gian trước Tết Nguyên đán từ 1-2 tháng, lực lượng chống buôn lậu, buôn bán hàng giả của Công an Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh rượu giả với quy mô lớn. Chỉ tính riêng 2 năm qua, đã phát hiện bắt giữ 8 vụ sản xuất rượu ngoại giả, thu giữ hàng chục nghìn chai rượu các loại.

Điển hình như ngày 16/1/2007, PC15 Hà Nội phối hợp C15 - Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất rượu ngoại giả liên tỉnh do Trần Thị Bạch Linh ở TP Vinh, Nghệ An cầm đầu, thu giữ trên 6.000 chai rượu ngoại giả tại nhiều địa điểm thuộc 4 tỉnh, thành phía Bắc.

Việc sản xuất rượu ngoại giả đã mang lại cho Trần Thị Bạch Linh một khoản lợi nhuận lớn và mở rộng việc kinh doanh với việc thành lập một siêu thị rượu ngoại lớn nhất miền Bắc để tuồn rượu ngoại giả vào tiêu thụ và phân phối rượu giả cho các đại lý lớn tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội. Sau khi vụ án được khám phá đã có tác động tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn nên một số đối tượng vẫn lén lút hoạt động sản xuất rượu ngoại giả với mức độ nhỏ lẻ.

Rượu giả - hại thật

Theo nhận định của một cán bộ chống buôn lậu, thị trường rượu ngoại tại Việt Nam đang "có vấn đề" bởi qua công tác nắm tình hình cho thấy, lượng rượu ngoại nhập khẩu chính thức so với lượng rượu ngoại tiêu thụ thực tế trên thị trường chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, có tới 80% rượu ngoại được bán trong các cửa hàng, siêu thị là rượu nhập lậu. Trong số này, rượu ngoại giả chiếm khoảng 30%.

Qua các vụ sản xuất rượu giả đã bị phát hiện cho thấy, các đối tượng đều sử dụng công thức chung: Cồn + hương liệu + phẩm màu + rượu sản xuất trong nước = rượu ngoại. Các mẫu rượu thật đều được đối tượng nghiên cứu rất kỹ để pha chế sao cho màu sắc y chang. Với công nghệ in hiện nay thì để có nhãn mác, vỏ hộp giống như vỏ rượu thật không khó. Thậm chí, các đối tượng tận dụng tối đa việc sử dụng lại vỏ chai và vỏ hộp rượu thật hoặc nhập nút chai và sử dụng công nghệ dập nút chai từ Trung Quốc, dùng tem nhập khẩu quay vòng hoặc tem nhập khẩu giả có phản quang dưới đèn tử ngoại nên khi cầm chai rượu giả trên tay, chỉ có chuyên gia về rượu ngoại hoặc đại diện của các hãng mới có thể phân biệt được bằng mắt thường thông qua một số dấu hiệu đặc biệt trên vỏ chai.

Còn đối với người tiêu dùng thì chỉ bằng cách giám định mới biết đâu là thật, đâu là giả. Với mức độ làm giả ngày càng tinh vi, ngay cả các đại lý rượu ngoại lâu năm cũng bị các đối tượng sản xuất, tiêu thụ rượu ngoại giả qua mặt bằng cách quảng cáo và bán với giá tương đương với rượu ngoại nhập lậu. Các loại rượu ngoại có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường là những loại bị làm giả nhiều nhất, tập trung chủ yếu vào các nhãn hiệu như Johnnie Walker, Chivas, Hennessy…

Đại diện một hãng rượu ngoại cho biết, do thói quen của người Việt Nam là "tiện đâu mua đấy" và ham rẻ nên mua phải rượu ngoại giả. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng phải công nhận do rượu giả được làm quá tinh vi nên nếu chỉ bằng mắt thường thì khó nhận biết được, nhất là khi điều kiện kinh tế của nhiều người chưa cho phép sử dụng rượu ngoại thường xuyên mà chỉ dùng làm quà biếu.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, để tăng nồng độ rượu, các đối tượng sản xuất rượu giả thường pha thêm cồn công nghiệp và hương liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, cộng thêm phẩm màu công nghiệp đã tạo thành độc tố gây hại cho sức khỏe người uống như suy gan, suy thận… Nhiều trường hợp sau khi qua khỏi ngộ độc cấp tính còn để lại những di chứng nặng nề như chảy máu đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, huyết áp cao, ứ đọng mỡ ở gan gây viêm gan…

Hương Vũ
.
.
.