Rà soát lại việc tăng giá của các hãng sữa

Thứ Bảy, 10/12/2011, 18:10
Trước thông tin về việc 4 hãng sữa đăng ký tăng giá bán kể từ đầu tháng 12, Báo CAND đã trao đổi với đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), và được biết Cục này đang tiến hành thẩm định mức độ hợp lý của việc tăng giá. Trong khi đó, dựa trên những diễn biến của thị trường, ngoài việc giá nguyên liệu đầu vào đúng là có biến động tăng nhẹ, thì câu chuyện cũ về tỷ giá biến động, lãi suất cao được DN đưa ra biện minh cho việc tăng giá xem ra rất vô lý.
>>Sữa lại bất ngờ tăng giá

Lại viện lý do tăng vì lãi suất và tỷ giá

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 9/12, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết đã tiếp nhận được hồ sơ đăng ký tăng giá của 4 doanh nghiệp, với mức tăng khác nhau từ 2 - 18%. Ngoài mức giá đề xuất tăng khác nhau, số mặt hàng cũng không thống nhất. Đơn cử Mead Johnson chỉ đăng ký tăng 3 trong số 37 dòng sản phẩm của mình (nhưng đề xuất mức tăng rất cao 18 - 19%), còn Abbott đăng ký tăng đến 31/33 sản phẩm (với mức thấp hơn xung quanh 2% đến 10%).

Phản ánh đến Báo CAND, một số người tiêu dùng cho biết họ mua sản phẩm của Abbott như sữa bột PediaSure từ đầu tháng, và được đại lý cho biết giá đã tăng. Được biết, đây là đợt tăng giá chính thức thứ 2 kể từ thời điểm tháng 3 - khi một loạt các hãng sữa đều điều chỉnh giá sau khi giá điện, xăng dầu và tỷ giá có biến động. Dù vậy, rải rác trong năm cũng vẫn có những hãng sữa khác tăng như Priesland Capina, Vinamilk...

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Các DN lý giải nguyên nhân tăng giá bao gồm chi phí lương tăng, tác động tỉ giá, nguyên liệu đầu vào, lãi suất và việc Hải quan vừa sắp xếp lại mã số thuế đối với một số nguyên liệu nhập khẩu (có mặt hàng thuế suất đang từ 3% tăng lên 20% và có loại đang từ 5% tăng lên 10%). Trả lời về tính hợp lý của các nguyên do này, ông Tuấn cho biết lý do tăng là có. Nhận định bước đầu, đúng là giá nguyên liệu sữa ở thị trường thế giới có tăng nhẹ. Mức tăng cụ thể và giá nhập đầu vào của từng DN không được tiết lộ, với lý do "lộ bí mật kinh doanh".

Ông Tuấn cho biết chỉ khi phát hiện DN sai phạm mới có thể công bố cụ thể những con số này. Việc sắp xếp lại mã số thuế cũng có, và đang được Bộ Tài chính xem xét. Tuy vậy, sự hợp lý của mức tăng mới là điều cần phải làm rõ. Trong các lý do được DN đưa ra, chỉ cần nhìn qua nhiều người tiêu dùng thông thường cũng thấy lý do về tỷ giá và lãi suất là không hợp lý. Cả 2 yếu tố này đều giữ không biến động, hoặc nếu có đều là biến động giảm chứ không tăng trong suốt vài tháng qua. Để có câu trả lời cho điều này, ông Tuấn cho biết cần có thời gian bởi cấu thành giá đầu vào rất phức tạp, và mức độ phân bổ chi phí của mỗi DN lại khác nhau. Ông Tuấn khẳng định nếu phát hiện sai phạm sẽ lập tức công bố cho người tiêu dùng được biết.

Giá sữa lại “rập rình” tăng. (Ảnh minh họa).

Chưa thể đặt lòng tin vào sự hợp lý của giá sữa

Dù khẳng định sẽ lập tức công bố sai phạm, nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn cũng tỏ ra ngần ngại khi đánh giá về mức độ tin cậy trong sự thẩm định của cơ quan chức năng. "Hiện nay chúng ta làm chủ yếu dựa trên tờ khai Hải quan. Việc kiểm tra chỉ là sơ bộ, dựa trên những chứng từ, sổ sách mà họ cung cấp để xem xét. Cũng giống như con cái chúng ta về khoe điểm 9, điểm 10, nhìn vào vở nó đúng là có. Nhưng điểm đó có phải do quay cóp không thì không biết được" - ông Tuấn thừa nhận.

Thực chất sự phức tạp của giá sữa đã được đề cập đến nhiều lần, trong đó kiểm soát giá đầu vào là một bài toán thực sự thách thức và chưa có lời giải. Đặc biệt là việc "chuyển giá", "làm giá" ở ngoài biên giới. Một công bố của EuroCham gần đây cho biết, giá sữa của Việt Nam tuy không đắt nhất, nhưng cũng đứng thứ 3 trong khu vực. "Với thu nhập trung bình của người dân, đây là một mức giá đắt" - ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Được biết, ngày 20/9, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 84 về xử phạt vi phạm hành chính, với chế tài có thể coi là mạnh. Ngoài việc phạt vi phạm hành chính, các DN còn phải chấp hành các hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như thu hồi chênh lệch do giá bán cao hơn qui định, rút giấy phép kinh doanh 12 tháng, thậm chí vĩnh viễn... Tuy nhiên, qui định này hiện chưa thể áp dụng do đang trong thời gian "chuyển tiếp".

Quản lý đối với DN mới dừng lại ở mức "giáo dục, răn đe". Bởi vậy, ông Tuấn cũng thừa nhận việc dư luận phản ứng trước việc sữa tăng giá là "hiểu được". "Người tiêu dùng phải có sự lựa chọn. Không bắt buộc phải dùng sản phẩm ấy, nếu nó tăng giá quá cao thì lựa chọn sản phẩm khác" - ông Tuấn cho biết. Trên thực tế, sức ép của dư luận lên DN là rất lớn. Được biết, vào tháng 4, khi có thông tin Cục Quản lý giá kiểm tra 2 DN, doanh số bán hàng của họ sụt hẳn, cho đến khi công bố kết quả không có sai phạm mới tăng trở lại. Trong khi chưa tìm được phương cách nào tin cậy và hữu hiệu để kiểm soát giá, thì người tiêu dùng đành phải phát huy sức mạnh. Bởi thực ra sự kiểm soát mạnh nhất đối với DN là sự cạnh tranh lẫn nhau chứ không phải các biện pháp hành chính.

Các công ty tăng giá sữa đợt này

Công ty TNHH Dược phẩm 3A (phân phối các sản phẩm của Abbott) đăng ký tăng giá bán từ ngày 5/12, mức tăng giá từ 2-10%  đối với 31 mặt hàng. Công ty Mead Johnson đăng ký tăng giá bán từ ngày 1/12 với 3/37 mặt hàng là Anfalac loại 400 gam, Lactofree powder 400 gam, Prgestimil lipid powder 400 gam với mức tăng cao nhất lên đến 18-19%.

Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng đăng ký tăng giá bán từ ngày 20/12, mức tăng giá từ 3-15%. Trên đây chỉ là số DN đã gửi hồ sơ đăng ký lên Cục Quản lý giá, còn các DN khác đăng ký với Sở Tài chính các địa phương đến cuối tháng mới có báo cáo cụ thể.

Giá nguyên liệu thế giới chỉ biến động rất nhẹ

Theo số liệu từ Tổ điều hành thị trường trong nước, so với tháng 10, giá sữa nguyên kem tại thị trường Tây Âu tăng từ 1,19-2,63%. Theo chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương thế giới, chỉ số sữa 10 tháng năm 2011 là 203,5 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2010.

Vũ Hân
.
.
.