Quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng nhái bảo vệ người tiêu dùng

Thứ Sáu, 29/11/2013, 08:49
Hàng giả ở Việt Nam không chỉ có một nguồn sản xuất ở trong nước mà có tới 60 - 70% hàng nhái, hàng giả đưa từ nước ngoài vào. Mặc dù quyết liệt với nhiều giải pháp, song công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái ở nước ta vẫn còn còn ít so với tốc độ sản xuất và buôn bán hàng nhái, hàng giả.

Công khai kinh doanh giả mạo nhãn hiệu

Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam thì trên thị trường các mặt hàng bị làm giả, làm nhái xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, tân dược, đông dược, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật, đồ điện tử và điện dân dụng… Hàng nhái được chia nhiều cấp giả mạo, làm giống như thật, thị trường đa phần bán hàng cấp thấp giá rẻ, còn hàng cấp 1 hay cấp 2 với độ nhái gần như thật có giá tiền triệu trở lên.

Dạo quanh một vòng ở 4 tuyến phố thí điểm không kinh doanh, buôn bán hàng nhái, hàng giả của Hà Nội là Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy ở 4 tuyến phố này, hàng nhái thương hiệu vẫn bày bán công khai. Đây là 4 tuyến phố thí điểm, thường xuyên có sự kiểm tra, kiểm soát nhưng vẫn ngang nhiên buôn bán, vậy ở các tuyến phố khác thì sao?

Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì Hà Nội chịu tác động hàng hóa Trung Quốc vào và ra khá lớn, đây là nguồn chính của hàng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ đưa vào. Công tác xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang tồn tại việc bị động của các cơ quan chức năng, nên hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn bày bán công khai. Hà Nội thí điểm tuyến phố không kinh doanh hàng giả, khi liên hệ cũng chỉ có 43% chủ sở hữu quyền tham gia, nên nhiều nhãn hiệu biết hàng giả mạo nhãn hiệu nhưng không xử lý được mà xử lý hàng lậu rồi lại đem bán ra thị trường.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, vấn nạn hàng giả đang ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng tinh vi, giống y hệt hàng thật. Năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý 13.101 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ thì 8 tháng đầu năm 2013 đã xử lý 9.036 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Đối tượng sản xuất hàng giả ở đủ mọi thành phần kinh tế, thậm chí có nơi thành làng nghề sản xuất, tụ điểm buôn bán, đã xuất hiện những đường dây liên tỉnh, thậm chí ngoài nước và trong nước để sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả khép kín. Còn ông Nguyễn Thắng Lợi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh này thì cho biết: “Đối tượng kinh doanh hàng giả luôn lợi dụng triệt để các quy định chưa chặt chẽ, liên kết với các đối tác ở nước ngoài để sản xuất và đưa hàng vào trong nước”.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cửa hàng kinh doanh hàng giả thương hiệu ở phố Cầu Gỗ.

Đấu tranh còn gặp nhiều rào cản

Theo ông Vương Trí Dũng, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đấu tranh, phát hiện hàng giả, hàng nhái còn nhiều khó khăn là các mặt hàng này đã và đang lưu thông công khai tại Việt Nam, nhưng các phát hiện và đề nghị xử lý xâm hại đều do chủ sở hữu, rất ít từ người tiêu dùng. Ông Dũng cũng đưa ra vướng mắc lớn nhất về vấn đề chống hàng giả, hàng kém chất lượng còn thiếu đồng nhất cả về nhận thức và phương pháp thực thi giữa các cơ quan và trong cùng một lực lượng. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ thực thi còn hạn chế, khi có tranh tụng có yếu tố quốc tế thì còn rất ít kinh nghiệm xử lý…

Mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, song công tác đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Theo ông Nguyễn Thắng Lợi đưa ra giải pháp là phải tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh nhằm phòng ngừa việc lợi dụng lơi lỏng quản lý và những cơ chế chính sách thiếu chặt chẽ để thực hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Đồng thời có những khuyến cáo về đặc điểm nhận biết hàng thật với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức, thể loại và lồng ghép khác nhau đảm bảo sao cho các đối tượng tuyên truyền dễ tiếp cận, dễ hiểu và cần phải đưa vào chương trình giáo dục trong các nhà trườg.

Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng rượu ngoại. Ảnh: Lê Lan.

Hàng giả, hàng nhái đang gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế cũng như sức khỏe, tính mạng của con người. Theo ông Vương Trí Dũng, chúng ta đang thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể theo từng địa bàn quản lý, nên tình trạng vi phạm và tái vi phạm về kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu là khá phổ biến mà không ai phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, hiện nay không có đầu mối tổng hợp, thống kê các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả mạo về sở hữu công nghiệp đã bị xử lý mang tính toàn quốc để tập hợp được danh tính, mặt hàng và phương thức vi phạm trên các tuyến, các địa bàn để giúp công tác đấu tranh, khám phá thuận lợi hơn.

Tới đây Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu, hóa chất có vi phạm bởi đây là nguồn cung cấp bán sảm phẩm làm hàng giả ít bị “động” tới nhất. Đồng thời cũng kiến nghị TP Hà Nội nên xây dựng một trung tâm trưng bầy hàng chính hiệu và hàng giả, giúp người tiêu dùng, học sinh, sinh viên học tập và răn đe đối tượng vi phạm

Trần Hằng
.
.
.