Quyết liệt giải phóng hàng hóa ứ đọng tại cảng Hải Phòng

Thứ Năm, 17/07/2014, 09:06
Thời gian qua, liên tiếp có nhiều giải pháp được Bộ GTVT, TP Hải Phòng triển khai về tổ chức trạm cân lưu động để kiểm tra tải trọng (KTTT), chống quá tải đe dọa các công trình cầu đường. Tiếp đó, Bộ GTVT cũng đã chỉ thị phải kiểm soát tải trọng ngay từ đầu nguồn như cảng, bến xếp tải cho phương tiện vận chuyển đường bộ.

Đến nay cái được là bằng trực quan cũng đã nhìn thấy loại xe chở quá tải đã bớt xuất hiện trên các trục đường chính như QL5, QL10, song, "phản ứng phụ" của quy định này là hàng loạt cảng biển thuộc khu vực Hải Phòng phải hứng chịu sự quá tải về tồn đọng hàng hoá rất trầm trọng và kéo  dài.

Trong báo cáo mới nhất của Cảng Hải Phòng gửi Bộ GTVT cho thấy, khu vực cảng Hải Phòng là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, hàng hóa xếp trong cảng tăng lên đến 40%, trong đó chủ yếu là các mặt hàng sắt, thép, tôn. Cụ thể, cảng Hoàng Diệu đang tồn đọng gần 120.000 tấn hàng, trong khi lượng tồn đọng trước ngày 1/4 chỉ là 45.700 tấn. Tại Xí nghiệp Tân Cảng, trong hai tháng 4 và 5, lượng hàng container tồn đọng luôn ở mức 12.000 - 14.000 TEU, trong khi sức chứa của xí nghiệp chỉ từ 8.000 - 9.000 TEU...

Cục Hải quan Hải Phòng cũng cho hay, ứ đọng hàng hoá từ cảng cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nghiệp vụ hải quan. Tính đến nay, khu vực Hải Phòng còn tồn đọng khoảng 8.000 container hàng hóa các loại chưa thể hoàn thành thủ tục hải quan. Nguyên nhân chính là hàng hoá không thể tự di chuyển từ điểm này sang điểm khác theo yêu cầu, chỉ vì sợ KTTT.

Hàng hoá ách tắc tại cảng đang là một thách thức lớn đối với Hải Phòng.

Tại cảng Đình Vũ, Ban lãnh đạo cảng này cho PV Báo CAND biết, do việc tồn đọng hàng hoá liên tục trong 3 tháng liền đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tàu mới. Đặc biệt là từ khi triển khai quy định mới về việc KSTT xe ngay tại đầu cảng biển khiến quy trình sản xuất buộc phải thêm các bước thủ tục nữa nên thời gian giải tỏa hàng hoá đã chậm nay lại càng chậm hơn. Mỗi xe vào phải trình giấy tờ tại cổng bảo vệ để ghi phiếu tải trọng được phép chở. Nhân viên phụ trách kho bãi tiếp tục kiểm tra tải trọng ghi trên hàng hóa, cho công nhân bốc xếp cân lại hàng theo đúng tải trọng ghi trên giấy phép lái xe rồi mới cho hàng đi. Đáng nói là quy định này gặp khá nhiều rắc rối với loại hàng hoá vận chuyển theo phương thức có điều kiện như nhập khẩu chuyển tiếp, hàng gửi kho ngoại quan, hàng tạm nhập tái xuất... (phải giữ nguyên niêm phong, kẹp chì container), gặp phải container nào quá tải là không thể mở ra hạ tải mà phải để lại cảng.

Ngoài ra, đối với hàng hoá nhập khẩu là cấu kiện nguyên khối, hàng đóng gói siêu trọng trên mỗi đơn vị tính hiện cũng đang là mối lo của cảng lẫn chủ hàng, chủ xe. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Nhật Minh nhập 300 cuộn thép từ tháng 5 nhưng hơn hai tháng nay, dù dốc sức làm ngày làm đêm vẫn chỉ vận chuyển được một nửa. Nguyên nhân là mỗi cuộn thép nặng 28 tấn, vì vậy chỉ có thể thuê loại xe nhỏ để chở từng cuộn một. Nhưng xe nhỏ thì trọng tải tối đa là 27 tấn. Chính vì vậy doanh nghiệp không còn cách nào để giảm mỗi cuộn 1 tấn thép trừ việc chấp nhận chở quá tải và chịu phạt.

Xác định cảng biển chính trái tim của nền kinh tế Hải Phòng, việc quá tải, tồn đọng hàng hoá kéo dài ở cảng cũng đã gây rất nhiều khó khăn trong nhiệm vụ KTXH của toàn thành phố, chính vì vậy, từ tháng 7/2014, UBND TP Hải Phòng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo riêng về chống ách tắc hàng hoá tại cảng. Trước mắt, thành phố có văn bản yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng phải khẩn trương thực hiện và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 15/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan tới các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, đại lý hãng tàu, giao nhận… trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, kho bãi, đại lý hãng tàu, giao nhận… phải chủ động, phối hợp chặt chẽ và kịp thời cung cấp thông tin về hàng tồn đọng cho cơ quan hải quan để xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Điều này có nghĩa là cả hải quan lẫn doanh nghiệp cần chủ động tích cực tìm biện pháp tháo gỡ, giải toả và thông quan hàng hoá. Bản thân doanh nghiệp cần chủ động tính đến phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thuỷ để vận chuyển hàng hoá. Không thể lấy lý do cấm xe quá tải, thiếu phương tiện để gây quá tải cho cảng.

Trong buổi kiểm tra thực tế tại cảng Hải Phòng mới đây, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết Tổ công tác của thành phố sẽ thường xuyên theo dõi chặt chẽ hiện tượng quá tải ở cảng. Qua đó sẽ kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng, lập phương án và đề xuất xử lý giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên cơ sở tuân thủ các quy định Nhà nước về KTTT

Lê Minh Triết
.
.
.