Quyết liệt ép giảm giá cước vận tải

Thứ Sáu, 30/01/2015, 11:20
Xăng liên tục giảm giá, nhưng cước vận tải vẫn chỉ giảm nhỏ giọt. Thậm chí, một số doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn cố tình chây ì không giảm giá, còn kiếm cớ để đòi phụ thu tăng giá vé.
>> Thủ tướng yêu cầu các bộ phải có giải pháp mạnh giảm giá cước vận tải

Không giảm giá còn tăng giá mạnh

Theo kết quả kiểm tra công tác quản lý giá cả của Bộ Tài chính trên địa bàn Hà Nội, tại bến xe phía Nam Hà Nội, lãnh đạo bến xe này vừa nhận được hai bộ hồ sơ tăng giá vé của DN vận tải. Đó là Công ty TNHH Hiền Phước, trong bảng kê khai mức giá gần đây đã tăng giá cước tuyến Bắc Nam, với mức dao động từ 20-60% tùy thời điểm. Lý giải về việc đề xuất tăng giá này, đại diện DN cho rằng, trước Tết, lượng khách đi lại chiều vào TP Hồ Chí Minh giảm nhiều, doanh thu không thể bù đắp được chi phí.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đơn vị đã đầu tư lô xe mới, dẫn đến chi phí khấu hao và các chi phí cố định khác cũng tăng theo. Còn sau Tết, DN này cũng đưa ra lý do doanh thu không đủ bù đắp nổi chi phí chiều ngược lại. Phương án tăng giá sẽ có hiệu lực từ ngày 30/1. Tương tự, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và Thương mại Hùng Thắng, chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, trong mẫu phương án giá gửi cơ quan chức năng cũng tăng 40% giá vé. Và lý do DN này đưa ra cũng tương tự như Công ty Hiền Phước.

Giá cước taxi Hà Nội đã giảm 1.500 đồng/km.

Tại một nơi khác là bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai - Hà Nội), phương án tăng giá vé cũng được một số DN đưa ra. Đáng chú ý trong đó có DN chưa thấy trong danh sách giảm giá vé đăng ký tại Bến xe Nước Ngầm.

Với riêng lĩnh vực vận tải xe taxi, trao đổi với Báo CAND, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết từ 22/4/2014, khi giá xăng còn ở mức 24.900 đồng/lít đến thời điểm 20/1/2015, giá xăng đã giảm 9.230 đồng/lít, còn 15.670 đồng/lít, các DN vận tải taxi Hà Nội cũng đã giảm 3 lần, tổng là 1.500 đồng/km. Việc giảm giá cước này hoàn toàn đem lại lợi ích cho khách hàng, trong khi mức giảm này đã khiến các DN thiệt hại 6.000 đồng cho 100km lưu hành.

Đấy là chưa kể, để giảm giá cước, các hãng taxi phải gửi đăng ký đến các cơ quan chức năng, nếu được chấp thuận, sẽ phải cho xe tạm dừng, cài đặt đồng hồ, kiểm định đồng hồ, in lại bảng giá, thông báo với khách hàng, chi phí khoảng 500 nghìn đồng/xe. Đối với một đơn vị có 200 đầu xe, chi phí cho 3 lần điều chỉnh giá cước sẽ mất khoảng 300 triệu đồng. Đây là một khoản chi phí phát sinh rất lớn mà các hãng taxi phải chịu. 

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp chây ỳ

Tất nhiên, khi xin tăng giá hay chưa giảm giá, các DN luôn dẫn những lý do nghe thì rất hợp lý. Chính ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng giá của Sở Tài chính Hà Nội cũng thông tin Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ chiều xe chạy rỗng cho tuyến từ 150-300km ở mức 30%, tuyến trên 300km với mức 40% giá vé hiện hành.

Theo ông Minh, vẫn có những tuyến cần hỗ trợ chiều về hoặc có cơ chế bù giá, đặc biệt đối với những xe tham gia tăng cường dịp Tết, tuy nhiên, “có cho phép DN phụ thu hay không, mức phụ thu là bao nhiêu cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện của DN sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc, tính toán kỹ trước các đề xuất của DN. Quan điểm của Sở là làm sao bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện nhất, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới”, ông Minh nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, DN đề xuất phụ thu cũng phù hợp với thực tế vì trong dịp Tết chắc chắn sẽ có một chiều rất ít khách. Tuy nhiên nếu DN đề xuất phụ thu ở mức khoảng 40% là hợp lý, nhưng đến 60% là không thể chấp nhận được.

Từ phía Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn kiểm tra ở 3 miền gồm: miền Bắc (Hà Nội); miền Trung (Đà Nẵng); miền Nam (gồm: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Đây là các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ôtô rất lớn nên Bộ Tài chính chọn lựa để kiểm tra với mục đích nhằm xác định tính đúng đắn, hợp lý, hợp lệ trong cơ cấu giá thành của các đơn vị, trên cơ sở đó xác định các DN kinh doanh vận tải bằng ôtô định giá cước đã hợp lý hay chưa, từ đó yêu cầu các hãng taxi và DN kinh doanh vận tải định giá cước cho phù hợp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có thư gửi các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện ngay việc quản lý giá cước vận tải bằng ôtô. “Với những DN nào cố tình chây ì không kê khai hạ giá, thì cơ quan chức năng địa phương kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời công bố danh sách các DN cố tình không giảm giá cước vận tải bằng ôtô nhằm hướng dẫn người dân sử dụng phương tiện vận tải bằng ôtô của các DN làm ăn chân chính, quan tâm tới quyền lợi khách hàng”, ông Tuyến cho biết.

Lệ Thúy
.
.
.