Quảng Trị: Làng chài khó khăn nhất thị xã đã thoát nghèo
Làng chài Tân Lập có 41 hộ dân, với 183 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Những năm trước, cứ tới mùa mưa, lũ rừng đổ về kéo theo lượng gỗ lớn bị khai thác trái phép, rồi hàng trăm người kéo tới trục vớt gỗ, khuấy động một vùng sông nước, khiến cá, tôm hoảng sợ bỏ đi. Đặc biệt, người dân nơi khác còn đến đây đánh bắt cá, tôm theo kiểu tận diệt, như sử dụng xung điện, thuốc nổ… Từ đó, cuộc sống của bà con ngư dân làng chài Tân Lập ngày càng khó khăn, khi con cá, con tôm dần cạn kiệt.
Thấy rõ nguy cơ đói nghèo của dân làng, ông Trần Loát (trước làm Ban đại diện của làng, nay làm Trưởng Ban công tác Mặt trận làng chài Tân Lập) đã chủ động đề xuất, xây dựng và trực tiếp cùng với các lực lượng chức năng địa phương thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, ngăn chặn nạn “lâm tặc” vớt gỗ ở thượng nguồn sông Thạch Hãn; đồng thời bắt và xử lý những đối tượng đánh bắt cá, tôm bằng xung điện, chất nổ...
Quang cảnh bình yên ở bến sông Thạch Hãn. |
Nhờ vào những nỗ lực của ông Loát, sự đồng thuận của bà con làng Tân Lập cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, trong 3 năm qua, nạn “lâm tặc” và đánh bắt cá trái phép ở khu vực thượng nguồn sông Thạch Hãn đã được hạn chế tới mức tối đa. Môi trường sống được đảm bảo nên cá, tôm dần sinh sôi, dồi dào trở lại. Dẫn tôi ra bến sông, nơi mỗi buổi chiều bà con Tân Lập đem về những sản phẩm là cá, tôm do mình đánh bắt được để cho những phụ nữ trong thôn đi bán, ông Loát khoe: “Thủy sản ở đây con nào cũng vâm váp, vảy lấp lánh, mắt xanh biếc, ra chợ nhìn biết ngay. Nhiều con cá trắm nặng gần 20kg, cua cũng lớn bằng đĩa sứ”.
Ông cho biết thêm: “Nhằm tạo thêm công ăn việc làm, người dân lập ngay một tổ buôn bán giống như mậu dịch thời tem phiếu. Tổ buôn bán này là những người phụ nữ của làng được phép lấy hàng tươi ngay tại bến. Sau đó mang ra chợ bán mua bất cứ thứ gì mà người dân trong làng dặn dò, phần tiền thừa trả lại, nếu thiếu trừ vào mớ cá lần sau”. Nghe ông Loát bảo, tôi bỗng nhớ hôm cùng với người bạn đi chợ thị xã Quảng Trị. Chúng tôi thấy mấy chị bán cá hiền từ ngồi nép một góc chợ. Họ không ồn ào mời chào, nhưng khách xúm xít. Tiếng ai đó giục: “Tôm, cá làng Tân Lập đó, tươi ngon lắm, mua ngay đi kẻo hết!”…
Tôi hỏi ông Loát: “Nếu nguồn cá, tôm cạn kiệt dần theo thời gian thì sao?”. Ông trả lời: “Không bao giờ, vì chúng tôi tránh tận diệt tôm, cá. Ngư dân làng này ý thức tốt chuyện bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn thủy sản. Khai thác chỉ được bắt bằng lưới tay ba trở lên. Tại vì lưới này cá nhỏ không mắc vào, nếu mắc phải cũng không bị chết, có thể thả trở lại. Con nào nhỏ, con nào ôm trứng sắp nở ngư dân đều tự giác thả về tự nhiên, cấm rà bắt cá bằng điện”. Ông Loát khẳng định: “Nhờ cách làm ăn này, hiện tại thu nhập trung bình người dân trong làng hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình thu nhập khá giả hơn thế nhiều. Những gia đình như anh Phan Đăng Thuyền, Trần Tình, Trần Bá Huy còn nuôi thêm nhiều bè cá chình, cá trắm… cho thu nhập rất cao. Người dân ở đây chí thú làm ăn nâng cao đời sống, quyết không để gia đình nào rơi vào hoàn cảnh nghèo”.
Nếu ai đó là tôi từng đến Tân Lập 3 năm về trước thì cũng sẽ rất ngạc nhiên khi nghe ông Loát khoe: “Làng Tân Lập hiện có hộ nghèo thấp nhất xã Hải Lệ. Làng đạt 100% phổ cập giáo dục, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Ba năm nay có rất nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cả nước. Làng đạt 100% phương tiện nghe nhìn, đi lại. Làng có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp nhất xã...”. Khi nghe tôi xác minh lại những điều này, ông Nguyễn Cường, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ vui vẻ xác nhận, đồng thời khẳng định Tân Lập sẽ còn giàu hơn nữa trong nay mai!