Quảng Ninh: Cần có chiến lược để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh
Xét về tiềm năng, vị trí, Quảng Ninh có khá nhiều lợi thế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Không cần PCI đánh giá, xếp hạng thì Quảng Ninh vẫn tự cho mình là tỉnh "lớn", tỉnh "giàu" cũng không ngoa.
Thực ra không cần PCI thì bức tranh sinh động của kinh tế thị trường cũng đã chứng minh được rằng, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết lao động là rất lớn.
Vì vậy, trong điều hành vĩ mô, các chính sách, chủ trương Nhà nước cũng đã hướng tới việc tạo điều kiện để khu vực kinh tế này ngày càng lớn mạnh, phát triển trong thế ổn định, đúng hướng. Nhưng giữa lý thuyết và thực tế là khoảng cách khá xa vời, các doanh nghiệp diện này vẫn luôn cho rằng địa phương, đặc biệt là các ngành liên quan chưa có những chuyển biến cần thiết, nhất là trong các thủ tục hành chính.
PCI - cách để biết mình là ai
PCI xuất hiện, chỉ số PCI 2005 được công bố, nhiều tỉnh đã mời các chuyên gia về thực hiện phân tích, chẩn đoán năng lực cạnh tranh trực tiếp cho địa phương. Lãnh đạo tỉnh và giám đốc các sở, ban, ngành của các tỉnh này đã tích cực tham gia các hội thảo phân tích và thảo luận các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay, đã có 12 tỉnh thực hiện những hội thảo nhằm phân tích, chẩn đoán và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện vị trí xếp hạng PCI trong kỳ sau, bao gồm: An Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Hải Dương, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Nam, Tiền Giang, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc. Trong đó, nhiều tỉnh không hề tự ái vì bị xếp hạng thấp mà đã tập trung nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, yếu kém để tìm giải pháp khắc phục.
Quảng Nam, Bình Định còn giao nhiệm vụ cho các ngành thường xuyên quan hệ với doanh nghiệp phải công khai, minh bạch, đơn giản về thủ tục, có mặt cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ, giải quyết khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng như trong sản xuất, kinh doanh của họ. Chính quyền rất coi trọng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia về kinh tế trong xây dựng các quyết sách, chiến lược phát triển của địa phương. Chính vì vậy, vị trí xếp hạng theo thang điểm PCI năm 2006 của các tỉnh này đã ở "top" trên.
Cánh cửa thông tin vẫn đóng?
Xét về tiềm năng, vị trí, Quảng Ninh có khá nhiều lợi thế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Không cần PCI đánh giá, xếp hạng thì Quảng Ninh vẫn tự cho mình là tỉnh "lớn", tỉnh "giàu" cũng không ngoa. Các nhà đầu tư từ khắp nơi với đủ các quy mô, ngành nghề tự đến, tự tìm kiếm cơ hội khai thác các lợi thế tự nhiên sẵn có. Thậm chí có một số mặt về dịch vụ XNK, cảng biển tỏ ra thông thoáng, hấp dẫn hơn với các địa phương lân cận có cùng lợi thế.
Có thời kỳ, các doanh nghiệp XNK, vận tải đã chấp nhận bỏ địa bàn truyền thống để hội tụ về vùng mỏ để làm ăn "dễ chịu" hơn. Trong thực tế, trong cùng một số lĩnh vực, về cơ chế chính sách thì Quảng Ninh cũng được tiếng là vận dụng "thoáng" hơn. Và thực tế chứng minh, quá nửa giá trị kinh tế, chỉ số GDP tại đây là do doanh nghiệp đóng góp để hình thành. Điều đó giống như Quảng Ninh tay đang cầm vàng.
Nhưng qua tiếp xúc với giới kinh doanh tại Quảng Ninh, hầu hết đều cho rằng, có rất ít sự thân thiện trong mối quan hệ với chính quyền tỉnh. Mối quan hệ càng mờ nhạt ở các ngành tham mưu trên các lĩnh vực tài chính, thuế, đất đai. Doanh nghiệp phải chi trả nhiều loại chi phí không thể hạch toán được để giải quyết những nhu cầu cần thiết trong chuỗi thao tác sản xuất, kinh doanh được gọi dân dã là "chi phí bôi trơn".
Theo các doanh nghiệp, thông tin là lĩnh vực hàng đầu cần phải tiếp cận. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, công việc này rất khó khăn. Để nắm được thông tin về chính sách của địa phương, không còn cách nào khác là phải quan hệ trực tiếp với nguồn - cơ quan ban hành văn bản pháp quy địa phương. Điều đáng buồn là cho đến nay, thời đại bùng phát về công nghệ thông tin, nhưng Quảng Ninh chưa có website riêng của chính quyền cấp tỉnh, chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển hạ tầng thông tin.
Cần minh bạch hơn nữa
Trong các chỉ số thành phần của Quảng Ninh bị sụt giảm so với năm ngoái, chỉ số về tính minh bạch của Quảng Ninh là bị giảm sút nghiêm trọng nhất (từ 17,2% của năm 2005 xuống còn 4,77% cho năm 2006, đứng thứ 47 trong năm 2006 riêng về chỉ số này trong cả nước).
Nhìn vào chỉ số cạnh tranh của Quảng Ninh và Bình Dương, có thể thấy rằng trừ hai chỉ số thành phần là tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức là Quảng Ninh làm tốt không thua kém Bình Dương. Trong 8 chỉ số còn lại, Quảng Ninh đều có thể học tập được rất nhiều điều từ Bình Dương.
Quảng Ninh cần ưu tiên tiến hành các biện pháp cải tiến về tính minh bạch, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường, đào tạo lao động. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những chỉ số thành phần có trọng số cao như tính minh bạch, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đào tạo lao động và tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh.
Cần phải thấy rằng, xếp hạng cạnh tranh bằng chỉ số PCI là cơ hội để Quảng Ninh bừng tỉnh, chợt nhận ra trên tay đang có vàng ròng, đừng đánh rơi