Quản lý thuê bao di động trả trước: Còn nhiều nan giải

Thứ Hai, 31/05/2010, 14:23
Ngày 30/5, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi đối thoại trực tuyến với độc giả cả nước về việc quản lý TBTT, một chủ đề được xem là "nóng" nhất của ngành Viễn thông trong suốt thời gian qua.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến quý I năm 2010, Việt Nam có tổng số 124 triệu thuê bao di động, trong đó trên 95% là thuê bao trả trước. Mặc dù đề án quản lý thuê bao trả trước (TBTT) đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT triển khai gần 2 năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, quá trình thực hiện trên thực tế còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở góc độ quản lý.

Ngày 30/5, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi đối thoại trực tuyến với độc giả cả nước về việc quản lý TBTT, một chủ đề được xem là "nóng" nhất của ngành Viễn thông trong suốt thời gian qua.

Mặc dù Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 22 quy định về việc quản lý TBTT. Thế nhưng, do muốn thu hút thêm nhiều người sử dụng để tăng lợi nhuận, nhiều cửa hàng, đại lý đã thực hiện việc khai báo thông tin hộ khách hàng. Thậm chí, còn hỗ trợ khách hàng hoàn tất thủ tục mà không cần bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.

Thế mới có chuyện, nhiều người dùng TBTT chưa một lần đăng ký thông tin hoặc đã khai báo thông tin không chính xác (sai số CMND) nhưng trên thực tế vẫn không bị cắt số như trong quy định tại Thông tư 22. Liên quan đến vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến, độc giả Trịnh Ngọc Hiếu, ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM hỏi: "Tôi đã dùng thuê bao trả trước gần 3 năm nay, chưa đi đăng ký khai báo thông tin đầy đủ theo yêu cầu của các nhà mạng, nhưng thuê bao của tôi vẫn hoạt động bình thường".

Về vấn đề này, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Trong trường hợp trên, nhiều khả năng là thông tin cá nhân của khách hàng đã được doanh nghiệp hoặc đại lý đăng ký hộ nên số thuê bao đó vẫn nằm trong hệ thống. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng kiến nghị các TBTT dù đã đăng ký thông tin nhưng không biết đã đăng ký thông tin chính xác hay chưa thì nên kiểm tra lại. Vì về lâu dài số thuê bao di động cũng như là tài sản cá nhân của mình...

Để khắc phục tình trạng này, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư quản lý khuyến mãi trong lĩnh vực di động, Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2010, đưa hoạt động khuyến mãi trong thông tin di động đi đúng quy định, chứ không phải cấm khuyến mãi. Hi vọng đây sẽ là giải pháp để hạn chế khuyến mãi tràn lan.

Nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc hiện nay, chuyện mua bán, đăng ký, sử dụng thuê bao trả trước đang được thắt chặt nhưng xem ra cũng chưa triệt để. Đơn cử như đi du lịch ở nước ngoài, không dễ gì để mua được một cái simcard để hòa mạng và sử dụng. Trong khi đó, thì ở Việt Nam lại hoàn toàn khác.

Tại sao chúng ta không học tập kinh nghiệm quản lý thuê bao trả trước ở các quốc gia này? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng: Ở một số quốc gia phát triển như Pháp, Thụy Điển thì đúng là việc quản lý TBTT rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, nhất là trong khu vực châu Á như Indonesia, Philipines… thì việc quản lý TBTT cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự như ở Việt Nam. Chúng ta biết rằng, thông tin của TBTT không chỉ mang tính bảo mật cá nhân mà còn là tài nguyên thông tin quốc gia.

Ở các nước tiên tiến thì gần như toàn bộ 100% người dân đã sử dụng di động vì vậy việc quản lý các thuê bao di động là một phần rất nhỏ, ít ảnh hưởng đến việc phổ cập chung. Còn tại các nước đang phát triển như Việt Nam thì quản lý TBTT phải có cách làm chặt chẽ song thắt chặt không ảnh hưởng đến việc phổ cập chung. Chúng ta cũng không thể mang nguyên xi cách làm của các nước trên thế giới áp dụng với Việt Nam vì sự khác nhau về điều kiện kĩ thuật, đó là chưa nói đến chuyện nhận thức người dân ở các nước cũng có sự khác biệt

Huyền Thanh
.
.
.