Quản lý chất lượng xăng dầu: Lỗ hổng lớn chưa được xử lý

Thứ Năm, 23/02/2012, 13:42
“Khẳng định là có gian lận, cả về chất lượng và số lượng” – đại diện một doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối nhận định - “10 ngàn đại lý xăng dầu tư nhân liên tục kêu tôi lỗ lắm, nhưng có ai xin rút đâu? Làm sao để họ sống được? Tôi khẳng định là có gian lận, nhưng không biết ở mức độ nào”.
>> Cháy xe hàng loạt: Sự bất thường của chất lượng xăng dầu?

Rõ ràng, không có lý nào đại lý lỗ mà vẫn ôm khư khư cục lỗ, họ sẽ phải tìm cách để bù lại các chi phí.

Khẳng định có gian lận bằng nhiều cách

Theo ước tính, hiện nay trên cả nước có khoảng 13.000 đại lý xăng dầu. Trong số đó, khoảng 3.000 cửa hàng là trực thuộc các đầu mối. 10.000 đại lý còn lại, chiếm đến 75% là mạng lưới các DN tư nhân. Pháp luật quy định, đại lý thuộc hệ thống của đầu mối nào, đầu mối đó phải có trách nhiệm giám sát.

Tuy nhiên trên thực tế, với lý do “không có cơ chế”, các đầu mối hầu như buông lơi việc này. Đối với các đại lý, lợi nhuận chỉ trông vào chiết khấu từ tổng đại lý. Tại thời điểm này, theo thông tin chúng tôi được biết, mức chiết khấu chỉ ở khoảng 300 – 400 đồng/lít, giảm gần 1 nửa so với mức 600 đồng của thời điểm kinh doanh có lãi. Cụ thể, mức chiết khấu của Saigon Petro là 350 đồng - theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc công ty. Với chi phí này, đại lý dù co kéo đến đâu cũng khó có thể bù nổi các chi phí: lương công nhân, tiền điện, tiền vận chuyển…

Chính lãnh đạo một đầu mối xăng dầu lớn cũng cho biết: “Phải nhìn nhận khách quan hiện nay các đại lý không có nhiều lợi nhuận lắm, họ phải tìm cách gian lận. Cái này phải thẳng thắn thừa nhận. Đây là một trong những nguyên nhân”. Từ năm ngoái đến nay, không ít lần các đại lý rơi vào tình cảnh này do kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn.

Vậy họ gian lận bằng cách nào? Không thể đổ nước vào được như một số người nghi ngờ, nhưng họ sẽ dùng những mặt hàng cùng tính chất, nhưng rẻ tiền hơn. Theo chúng tôi được biết, một đầu mối xăng dầu đã từng thống kê ở Hưng Yên – một tỉnh đang công nghiệp hóa, nhưng lại bán dầu hỏa rất tốt, mặc dù loại dầu này chỉ dùng để đốt đèn và đun bếp dầu. Sau khi nâng giá dầu hỏa lên bằng giá xăng, và cao hơn giá xăng, hiện tượng này liền chấm dứt.

Đây là  một tín hiệu đáng để nghi ngờ. Một “mánh” thứ 2 có thể dùng được là pha những thứ có thể hòa tan trong xăng như metanol, etanol, acetone. Một số đại lý sẽ dùng chiêu pha trộn để “nâng cấp” xăng, ví dụ từ A83 lên A92. Thêm vào đó là gian lận về số lượng cũng đã nhiều lần bị phát hiện. Một nguồn tin khẳng định đây là những kết luận từ “thâm nhập thực tế” chứ không phải “tự luận”.

Hơn 10 nghìn đại lý xăng dầu tư nhân chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Viện cớ “không có cơ chế”, doanh nghiệp đầu mối buông lơi quản lý

Trong cuộc họp mới đây Bộ Công Thương triệu tập 13 đầu mối để bàn về việc quản lý chất lượng, tất cả đều khẳng định rằng đại lý tư  nhân là mối lo chính. Quản lý chất lượng xăng dầu gồm 3 khâu: từ nguồn (gồm có xăng dầu nhập khẩu và mua từ Dung Quất), vận chuyển - lưu kho và tại các đại lý. Trong đó, nguồn nhập khẩu hầu như đáng tin cậy.

Theo nguồn tin từ Vụ Thị trường trong nước, qua thực tế kiểm tra chỉ có chưa đến 1% lô hàng có vấn đề về chất lượng. Khâu lưu kho của DN đầu mối cũng có thể tin tưởng, bởi đã có quy trình quản lý, lấy mẫu, quy trách nhiệm chặt chẽ. Tuy nhiên về đến kho của đại lý, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Ngay như Petrolimex, đơn vị được xem là có hệ thống quản lý chất lượng liên hoàn chặt chẽ nhất cũng chỉ khẳng định “2.113 cửa hàng của chúng tôi đảm bảo 100%. Với hơn 4.000 đại lý tư nhân, chúng tôi đảm bảo 100% hàng đưa đến tận cửa hàng của họ vẫn tốt”. “Còn hôm nay họ nhận hàng của tôi, mai pha cái khác vào”, thì Petrolimex thừa nhận không thể quản lý được. 12 đầu mối còn lại cũng thừa nhận tình trạng quản lý tương tự.

Cái lý của các DN đầu mối là họ không có cơ chế cũng như quyền hạn. “Chúng tôi là DN, họ cũng là DN. Chúng tôi lấy tư cách gì để kiểm tra họ? Thêm nữa, quan hệ giữa 2 bên là quan hệ hợp đồng kinh tế. Họ có vi phạm, hình thức xử lý cao nhất đầu mối có thể làm là cắt hợp đồng, thì đại lý cũng không sợ, bởi họ sẵn sàng ký với một đầu mối khác”.

Một thực tế đang tồn tại là phổ biến hiện tượng các đại lý, tổng đại lý vi phạm quy định chỉ được ký hợp đồng mua bán với một đầu mối của Nghị định 84. Do mức chiết khấu của các đầu mối sẽ khác nhau tùy theo thời điểm, nên để có lợi, các đại lý đều ký sẵn với vài đầu  mối, để chỗ nào chiết khấu nhiều thì nhập hàng nhiều.

Theo các đầu mối, tình trạng này đang ở mức “thực sự không thể kiểm soát được”. Họ có nhiều cách lách luật, như một ông chủ có thể lập nhiều công ty và mỗi công ty ký với một đầu mối. Hay thậm chí đại lý vẫn đảm bảo ký với một đầu mối, nhưng chỉ lấy một lượng hàng nhất định, mặt khác nhập nguồn hàng không hóa đơn.

Tình trạng này được cho biết là phổ biến khắp Bắc – Trung – Nam, bởi các xe máy có thói quen đổ xăng không lấy hóa đơn, khiến việc mua bán hóa đơn trở nên rất dễ dàng. Thực tế này dẫn đến xăng dầu trong kho của đại lý không thể xác định được là của đầu mối nào. Nếu có phát hiện vi phạm, theo quy định đầu mối cũng chịu trách nhiệm liên đới, nhưng với tình trạng mập mờ hiện tại, khó có thể xử lý.

Kiến nghị thực hiện  nghiêm túc mỗi đại lý chỉ ký hợp đồng với một đầu mối và xóa bỏ hoàn toàn các điểm bán xăng lẻ

Do thực  hiện không  nghiêm túc quy định, mỗi đại lý đều có một giải pháp “phòng hờ”, bị đầu mối này cắt hợp đồng vẫn còn đầu mối khác, dẫn đến hỗn loạn trong quản lý, các doanh nghiệp đầu mối kiến nghị Bộ Công Thương xiết chặt xử phạt vi phạm, buộc các đại lý tuân thủ quy định.

Các doanh nghiệp đầu mối cũng cho rằng một nguồn xăng dầu khác có thể không an toàn, chính là từ các cây xăng mini và các điểm bán xăng lẻ dọc đường. Nguồn này hiện đang không bị ai kiểm soát, phát triển rất tự phát. Các đầu mối kiến nghị cần phải xóa bỏ hoàn toàn hình thức buôn bán trên.

Xác định 1 trường hợp ôtô cháy do rò rỉ khí gas máy lạnh

Ông Vũ Đình Khu, giám định viên Công ty cổ phần Bảo hiểm PJICO chi nhánh Quảng Ninh cho biết, trung bình mỗi năm ở Quảng Ninh có khoảng 10 vụ cháy xe ôtô xảy ra, chưa có vụ nào được xác định nguyên nhân cháy là do xăng dầu. Phần lớn nguyên nhân đều do chập điện hoặc bục tuy ô xăng dầu khi xe đang chạy hoặc đang lên dốc, đổ tải.

Tuy nhiên, gần đây cũng đã xuất hiện trường hợp xe tự cháy do rò rỉ khí ga như trường hợp xe ôtô Inova BKS 30F-6279 của anh Bùi Thế Đạt trú tại tổ 10, khu 1, phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Có nhiều loại gas lạnh đang được sử dụng trong sản xuất cũng như  phục vụ  đời sống hàng ngày.

Thông thường loại ga tiêu chuẩn được dùng cho máy lạnh là loại R12 và R22; với các ôtô đời mới hiện nay thường dùng loại ga 134a, đây là những loại ga an toàn. Tuy nhiên thực tế trên thị trường  hiện có nhiều loại ga trôi nổi, không rõ nguồn gốc; không rõ xưởng ôtô trên đã nạp cho xe 30F-6279 loại ga nào. Đây là điều các lái xe lưu ý cần tìm hiểu kỹ khi sửa chữa, nạp ga cho xe ôtô để để phòng cháy nổ. (Vũ Ninh)

Nhóm PVKT
.
.
.