QLTT hàng hóa giáp Tết: Ra quân quyết liệt, vi phạm vẫn phức tạp

Thứ Năm, 06/12/2012, 08:57
Dù tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu giảm so với trước đó, tuy nhiên trong nội địa, tình hình kinh doanh, tàng trữ hàng nhập lậu, trong đó nổi lên hoạt động kinh doanh hàng “xách tay” có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình trạng kinh doanh hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam diễn ra với các hành vi nghiêm trọng...

Càng giáp Tết, tình hình buôn lậu thực phẩm diễn biến càng phức tạp khi nhu cầu thị trường tăng cao, đặc biệt là hiện tượng buôn bán gia cầm lậu. Sau khi cơ quan chức năng ra quân truy quét quyết liệt tại tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hà Nội, đội quân buôn lậu đã lập tức thiết lập tuyến vận chuyển gà thải loại mới từ Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội. Lực lượng QLTT Hà Nội đã phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ hơn 4 tấn gia cầm thải loại đi theo tuyến này vào nội địa.

Thủ đoạn mới để nhập lậu gà

Theo Cục Quản lý thị trường, sau một thời gian các lực lượng chức năng ra quân dẹp gà lậu, chợ kinh doanh gia cầm Hà Vỹ trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm mạnh hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu so với thời gian trước.

Rất nhiều vụ vận chuyển gà lậu đã bị phát hiện như: Ngày 20/11, Đoàn liên ngành gồm Đội QLTT số 11 phối hợp với PC46, PC67, Cục Hải quan Hà Nội và Công an quận Thanh Xuân kiểm tra xe ôtô BKS 29C-01654, phát hiện 3,5 tấn gia cầm không có hóa đơn, chứng từ, không giấy chứng nhận kiểm dịch, trị giá 175 triệu đồng. Toàn bộ số gia cầm trên đã bị tịch thu và tiêu hủy theo quy định. Đáng chú ý, sau khi bị dư luận lên án kịch liệt việc dùng hóa chất kích thích giá đỗ, hoạt động này vẫn tiếp tục lén lút diễn ra.

Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ một số quần áo giả gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng.

Ngày 5/11, Đội Quản lý thị trường số 2 (Nghệ An) đã phối hợp với cơ quan Cảnh sát kiểm tra xe ôtô BKS 79C-00035, phát hiện và thu giữ 80.000 lọ thuốc kích thích giá đỗ và 2 tấn đậu trắng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đội đã lập biên bản tịch thu và xử phạt lái xe kiêm chủ hàng 8 triệu đồng.

Tại Hà Nội, ngày 19/11, Đội QLTT số 11 phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra Công ty XNK Đại Lợi tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên (Kho nhà máy xe lửa Gia Lâm), phát hiện, xử lý tiêu hủy lô hàng thực phẩm quá hạn sử dụng gồm váng sữa, nước cam, táo và fomat, trị giá hơn 240 triệu đồng.

Dù nhận định vi phạm có giảm, nhưng tình trạng buôn lậu gia cầm đã xuất hiện những thủ đoạn mới như đổi tuyến hoạt động, đổi giờ và phương thức vận chuyển. Thay vì đưa về chợ đầu mối, gà thải loại đã được chia nhỏ để đưa đến các địa điểm tập kết nhỏ, khó phát hiện và bán cho thương lái. Minh chứng cho điều này, tại các chợ vẫn tiếp tục có mặt hàng “gà đẻ”, “gà mía” - mà thực chất là gà thải Trung Quốc, bày bán.

Bức xúc hàng chất lượng kém “đội lốt” hàng Việt

Cục Quản lý thị trường nhận định: Dù tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu giảm so với trước đó, tuy nhiên trong nội địa, tình hình kinh doanh, tàng trữ hàng nhập lậu, trong đó nổi lên hoạt động kinh doanh hàng “xách tay” có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình trạng kinh doanh hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam diễn ra với các hành vi nghiêm trọng tại một số tỉnh, thành phố. Các hàng hóa này chủ yếu là hàng tiêu dùng, nhiều loại có chất lượng thấp, giả các thương hiệu uy tín trong nội địa. Không chỉ tiêu thụ tại các chợ truyền thống, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, những mặt hàng này còn được phân phối, tiêu thụ với số lượng lớn tại các hội chợ thương mại, triển lãm...

Đáng chú ý, trong tháng 11, QLTT TP Hồ Chí Minh đã phát hiện vụ tàng trữ 50.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, trong đó gần 21.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu; 4kg bao bì nhãn tiếng Việt dùng dán lên sản phẩm nhập từ Trung Quốc để lừa dối người tiêu dùng. Vụ việc đang được xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhìn chung cả nước hàng nhập lậu giảm nhưng hàng nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan gia tăng tại tuyến miền Trung, biên giới Tây Nam và qua đường hàng không.

Bên cạnh đó, hàng hóa chất lượng kém và tồn dư hóa chất độc hại của Trung Quốc vẫn còn lưu thông trên thị trường, gây bức xúc và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện khẩn số 1126/CĐ-TTg (ngày 3/8/2012) về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; được biết từ nay đến Tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục ra quân đồng loạt để đảm bảo cho thị trường hoạt động lành mạnh, cung ứng hàng hóa chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng đón Tết.

Theo báo cáo nhanh của 50/63 Chi cục QLTT, trong tháng 11, lực lượng QLTT đã kiểm tra 9.302 vụ, xử lý 4.691 vụ vi phạm, thu 9.68 tỷ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 7,49 tỷ; trị giá hàng tịch thu là 2,16 tỷ và truy thu thuế là 20,36 triệu đồng). Một số hàng hóa số lượng lớn đã bị thu giữ: 80 tấn phân bón nhập lậu; 38.000 gói thuốc lá nhập lậu, 5.899 hộp mỹ phẩm nhập lậu; 36.285 gói dầu gội đầu giả nhãn hiệu; 1,5 tấn mỳ chính nhập lậu, giả nhãn hiệu các loại; 8kg và 652 chai, hộp tân dược quá hạn sử dụng...

Để đảm bảo an toàn vệ sinh cho thực phẩm tiêu dùng Tết của người dân, được biết gần đây công tác phòng, chống dịch đã được tích cực triển khai. Bộ Công Thương cho biết, các Chi cục QLTT các địa phương đã cử cán bộ chốt 24/24h; đã tiến hành tiêu độc khử trùng hơn 45.136 lượt ôtô, xe máy với tổng số gia cầm hơn 8 triệu con, số gia súc hơn 330.000 con, hơn 150.000 con gia súc giống; đóng dấu kiểm dịch 790 tấn gia cầm giết mổ; 1.024 tấn gia súc giết mổ; hơn 250 tấn nội tạng và hơn 12 triệu quả trứng gia cầm.

Vũ Hân
.
.
.