Phú Thọ: Kết luận vụ “mua hoá đơn khống rút tiền tỷ” tại Công ty Gốm sứ Thanh Hà

Thứ Tư, 22/11/2006, 08:13

Năm 2003, số tiền bị rút khống tại Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà là 463 triệu đồng và năm 2004, số tiền bị rút khống là 506 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều dùng để chi tiêu và không mua bất cứ một loại nguyên liệu gì.

Ngày 4/11, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà.

CQĐT đã ra quyết định khởi tố 9 bị can, trong đó có 7 bị can đều là cán bộ của Công ty  Gốm sứ  Thanh Hà về tội danh cố ý làm trái, 2 bị can còn lại bị khởi tố về hành vi làm, vận chuyển, tàng trữ và lưu hành các giấy tờ có giá giả.

Giám đốc và nhân viên thông đồng lập chứng từ khống

7 cán bộ của Công ty cổ phần Gốm sứ  Thanh Hà (Công ty Gốm sứ Thanh Hà) bị truy tố lần này gồm: Chu Văn Hân, nguyên là Giám đốc Công ty; Lê Như  Ninh, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh; Nguyễn Mạnh Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư kỹ thuật; Nguyễn Mạnh Hà, 35 tuổi, nguyên Phó phòng Vật tư kỹ thuật; Vũ Văn Quyết, 40 tuổi; công nhân công ty; Phạm Thị Ngọc, kế toán trưởng và Nguyễn Việt Khoa, 33 tuổi, nguyên là Phó Giám đốc Công ty... Ngoài ra, CQĐT cũng đề nghị khởi tố 2 bị can khác là Lê Thị Kim Thoa, 44 tuổi và Vũ Thị Bình, 35 tuổi, đều trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ về hành vi làm, vận chuyển, tàng trữ  và lưu hành các giấy tờ có giá giả.

Công ty Gốm sứ Thanh Hà được thành lập trên cơ sở của Xí nghiệp Gốm sứ Thanh Hà, đơn vị được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Trước đây, đơn vị này là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Sở Công nghiệp tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2004, theo chủ trương chung, Công ty trở thành doanh nghiệp cổ phần 100% vốn của người lao động, có chức năng sản xuất gạch ốp lát,  trụ sở đóng tại phố Phú Hà, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ.

Qua công tác quản lý địa bàn và các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện ra những sai phạm của một số cán bộ Công ty Gốm sứ Thanh Hà trong việc lập các chứng từ khống, chiếm đoạt tiền của Công ty.

Hành vi sai phạm này bắt đầu từ  năm 2002 và có sự  tham gia của nhiều thành phần cốt cán trong Công ty. Người "bật đèn xanh" cho các phi vụ lập chứng từ khống này là ông Chu Văn Hân, nguyên Giám đốc Công ty, đồng thời cũng là chủ tài khoản.

Trong năm 2002, ông Hân đã ký duyệt tạm ứng 447 triệu đồng cho ông Lê Như Ninh, lúc đó nguyên là Trưởng phòng hành chính trên cơ sở là để tiếp khách và mua vật tư cho Công ty, mặc dù lúc này ông ta không làm việc tại phòng hành chính. Được sự "hậu thuẫn" của giám đốc và để hợp thức hoá khoản tiền trên lấy tiền chi tiêu, ông Ninh đã mua 11 tờ báo giá vật tư khống và 12 hoá đơn vật tư khống của Công ty TNHH Đông Đô, tỉnh Hải Dương; 4 hộ kinh doanh ở TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây để làm thủ tục quyết toán...

Sau khi đã hoàn tất hồ sơ, ông Ninh lập 11 biên bản kiểm nghiệm vật tư  và xin chữ  ký, xác nhận khống của ông Vũ Văn Quyết, thủ kho vật tư, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng vật tư kỹ thuật; ông Nguyễn Mạnh Hà là phó trưởng phòng vật tư xin chữ ký đồng thời xác nhận của ông Nguyễn Văn Thức, là nhân viên bảo vệ.

Do 7 “thày trò” này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau khiến trong một thời gian dài, hành vi rút tiền trên đã không bị phát hiện. Toàn bộ số giấy tờ, biên bản kiểm nghiệm vật tư khống trên đều được giao cho bà Ngọc, kế toán vật tư để làm phiếu nhập kho. Sự dễ dãi thể hiện ở chỗ, có 4 biên bản kiểm nghiệm vật tư không có đủ thành phần tham gia kiểm nghiệm theo quy định nhưng biên bản vẫn được lập và thông qua.

Để hợp thức hoá việc nhập vật tư khống trên, ông Vũ Văn Quyết đã lập 11 phiếu theo dõi nhập vật tư để Trưởng phòng kỹ thuật Thắng lập hồ sơ, ghi danh mục khống 8/31 danh mục vật tư khống. Lần này, người ký xác nhận các phiếu xuất kho khống là ông Nguyễn Việt Khoa. Cuối năm, ông Hân đã ký duyệt cho Ninh với tổng số tiền là 447 triệu đồng.

Năm 2003, số tiền bị rút khống là 463 triệu đồng và năm 2004, số tiền bị rút khống là 506 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều dùng để chi tiêu và không mua bất cứ một loại nguyên liệu gì.

Thấy gì qua những tờ hoá đơn bán trôi nổi?

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: 44 hoá đơn khống và 43 tờ giấy báo giá vật tư khống được sử dụng trong vụ án này đều được mua trôi nổi trên thị trường nên gây khó khăn cho các trinh sát trong việc xác minh.

Bởi lẽ, có nhiều công ty đã bị giải thể, hoặc chỉ tìm thấy được đối tượng trung gian. Trong vụ án này, CQĐT xác định Thoa đã mua bán 42 hoá đơn bán hàng, 42 giấy báo giá và 9 phiếu thu với doanh số khống là 1 tỷ đồng; Vũ Thị Ninh đã có hành vi mua bán 40 hoá đơn bán hàng, 40 báo giá và 9 phiếu thu của bà Thoa, có doanh số khống là hơn 1 tỷ đồng. Như  vậy, trong 3 năm bằng các hoá đơn và giấy báo giá khống trên, dưới sự chỉ đạo của giám đốc, các thành viên trong công ty đã quyết toán khống gây thiệt hại cho Công ty Gốm sứ Thanh Hà gần 1,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 300 triệu để chi tiếp khách, số còn lại quyết toán với nội dung mua vật tư cho Công ty Gốm sứ Thanh Hà.

Nhưng trên thực tế, ông Ninh không mua bất cứ một loại hàng hoá nào. Để hợp thức hoá việc mua bán, ông Ninh đã thông qua Lê Thị Kim Thoa và bà Vũ Thị Bình để mua 15 tờ giấy báo giá vật tư khống. Toàn bộ số giấy tờ này đã được ông Chu Văn Hân, Giám đốc Công ty duyệt ký đồng ý. Trong phi vụ này, ông Hân đã ẵm trọn hơn 1 tỷ đồng, phần còn lại thì để trả tiền mua hoá đơn và sử dụng cho các chi phí khác

Xuân Mai
.
.
.