Phòng ngừa tôm xuất khẩu có độc tố

Thứ Năm, 04/11/2010, 17:21
Vasep khuyến cáo các doanh nghiệp nên chủ động phân lập và tự tiến hành kiểm tra khả năng nhiễm Trifluralin của các lô hàng đã sản xuất tại nhà máy, kiểm soát kỹ khâu tiếp nhận nguyên liệu để có thể kịp thời xử lý…

Sau khi phía Nhật Bản phát hiện các lô hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam bị nhiễm chất Trifluralin cao hơn mức giới hạn cho phép (đây được xem là loại độc tố nguy hiểm gây ảnh hưởng tới sức khoẻ NTD), ngày  3/11, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) tổ chức ngay buổi tọa đàm với sự tham gia của 20 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản bàn về vụ việc này…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 9 vừa qua, lô tôm đầu tiên của Việt Nam bị cảnh báo có chứa chất Trifluralin với mức 0,030 ppm (cao hơn quy định của Nhật Bản là 0,001 ppm). Đó là lô tôm của Công ty CP chăn nuôi Việt Nam.

Đến cuối tháng 10/2010 đã có thêm 2 lô tôm xuất khẩu của Việt Nam bị hệ thống cảnh báo nhập khẩu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phát hiện có chứa dư lượng Trifluralin cao hơn mức giới hạn cho phép theo quy định của thị trường này. Sau khi Nhật Bản phát hiện các lô hàng bị nhiễm Trifluralin, phía Nhật đã tăng cường kiểm soát 100% với tất cả các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản. Điều này đã dẫn đến không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, muốn làm được việc này, trước hết cần động thái tích cực, triệt để của Bộ NN&PTNT trong việc loại bỏ hoàn toàn chất Trifluralin trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, vận động người nuôi không nên sử dụng chất này. Tuy nhiên, cần phải tìm một loại hoá chất khác an toàn và thích hợp hơn cho người nuôi sử dụng để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm cho chế biến và xuất khẩu. Về lâu dài, cần tiếp tục rà soát lại 120 chất độc hại mà Nhật và các thị trường khác đề ra để ngành Thuỷ sản phát triển bền vững.

Vasep cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên chủ động phân lập và tự tiến hành kiểm tra khả năng nhiễm Trifluralin của các lô hàng đã sản xuất tại nhà máy, kiểm soát kỹ khâu tiếp nhận nguyên liệu để có thể kịp thời xử lý đối với trường hợp bị nhiễm, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang Nhật.

Qua đó, Vasep cũng cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc việc rà soát và thu hồi các sản phẩm có chứa Trifluralin đang lưu thông trên thị trường, nâng cao nhận thức cho người nuôi, theo dõi tình hình kiểm soát Trifluralin của doanh nghiệp thì trong vòng 3 tháng tới sẽ hạn chế và kiểm soát được tối đa dư lượng Trifluralin trong kinh doanh và nuôi trồng thuỷ sản

K.Ngân
.
.
.