Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo đảm an ninh quốc gia

Thứ Sáu, 13/02/2015, 09:35
Trước thềm năm mới Ất Mùi 2015, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã dành cho phóng viên Báo Công an nhân dân cuộc trao đổi cởi mở về triển vọng và thách thức của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vấn đề kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Báo CAND: Xin đồng chí đánh giá khái quát về kinh tế đất nước trong năm 2014?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Qua theo dõi, chúng tôi thấy, tình hình kinh tế đất nước ta năm 2014 sáng lên nhiều so với thời điểm cách đây 1 năm.

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn, thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn. Đặc biệt là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Chúng ta đã đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn ngoài ngành chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 về thực hiện nguyên tắc thoái vốn theo giá thị trường.

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Tái cơ cấu ngân hàng, chúng ta cũng đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định được thanh khoản, tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả bước đầu.

Tái cơ cấu đầu tư công, chúng ta đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Hiệu quả sử dụng vốn tăng lên.

Đó là những điểm sáng cơ bản của bức tranh kinh tế - xã hội nước ta năm 2014. Các hãng đánh giá tín nhiệm trong năm vừa rồi có nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam: Moodys nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức B2 lên B1 cùng với đánh giá triển vọng và ổn định. Fitch Ratings đã nâng tín nhiệm nợ, nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và kèm theo triển vọng tích cực.

Tuy nhiên, theo tôi, những khó khăn thách thức đối với kinh tế của 2014 sẽ còn diễn ra trong 2015. Qua tổng hợp chúng tôi thấy có một số vấn đề sau: một là, một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Thứ ba, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thách thức nữa là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; nợ xấu còn cao và xử lý nợ xấu còn chậm.

Diễn biến giá dầu thế giới giảm sâu hơn so với dự báo cuối năm 2014, bên cạnh việc tạo hiệu ứng lan tỏa kinh tế khi giá dầu giảm cần phải tính toán chi tiết cấp độ ảnh hưởng để có phương án bù đắp nguồn thu đi đôi với rà soát, kiểm soát chi tiêu. Đây là điểm mà chúng ta phải thận trọng, không thể chủ quan.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Báo CAND: Trong năm vừa qua, Bộ Công an và Ban Kinh tế Trung ương đã ký Quy chế phối hợp công tác để cùng nhau bảo đảm an toàn cho nền kinh tế, xin đồng chí cho biết những định hướng quan trọng của việc hợp tác này? 

Đồng chí Vương Đình Huệ: Phải nhấn mạnh rằng, Ban Kinh tế Trung ương đạt được thành tích trong thời gian vừa qua luôn có sự quan tâm phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương trong đó có sự quan tâm phối hợp đầy trách nhiệm và hiệu quả của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang, lãnh đạo Bộ Công an.

Để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng về các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, trong năm 2014, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan.

Việc ký và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công an sẽ giúp cho mỗi cơ quan hoàn thành tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nội dung phối hợp bao gồm: Hai bên phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng những chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, trật tự và công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp thẩm định các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự và các đề án, dự án bảo đảm an ninh, trật tự có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh, trật tự; trao đổi thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; phối hợp, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính sách nội bộ, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước; phối hợp xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp an ninh phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự...

Báo CAND: Đồng chí có nhận định gì về tình hình và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015 và những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Kinh tế Trung ương trong năm tới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Chúng tôi nhận định, năm 2015, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục sẽ diễn ra, tuy một số nước gặp khó khăn tạm thời. Năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị có nỗ lực về đích với mục tiêu đạt kết quả khả quan nhất; là năm sẽ triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại.

Các sự kiện về hội nhập quốc tế sẽ tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Năm 2015 là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Đầu tư và Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nhiều bộ luật khác để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có hiệu lực.

Đồng thời, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN-6.

Tôi nghĩ rằng, tất cả những điều này sẽ tạo ra  sức sống mới cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại là cần quyết liệt việc tổ chức thực hiện với kế hoạch, chương trình hành động cụ thể gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để tạo sức chuyển biến tích cực, rõ rệt trong năm 2015.

Trong năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương có hai việc phải tiếp tục triển khai: Một là tiếp tục công việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để tiếp tục hoàn thiện các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, tập trung vào các vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ thứ hai, Ban Kinh tế Trung ương phải dành quỹ thời gian và nhân lực thích hợp để tham gia góp ý, thẩm định các báo cáo chính trị của Đại hội Đảng các tỉnh ủy, thành ủy theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, Ban sẽ tập trung nghiên cứu một số vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ban sẽ tập trung nghiên cứu các thể chế, các chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp từ FDI cho đến doanh nghiệp Nhà nước; nghiên cứu mô hình tổ chức cơ quan quản lý chuyên trách đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước; nghiên cứu các thể chế các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp khởi nghiệp… với mục đích làm sôi động và năng động hơn nền kinh tế.

Ban cũng nghiên cứu những vấn đề định hướng chính sách cho những doanh nghiệp xã hội, xây dựng những thể chế phù hợp cho doanh nghiệp xã hội vừa được quy định trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đối với những đơn vị sự nghiệp công, trọng tâm là nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giá, phí, vấn đề chuyển từ phí thành giá; đổi mới cơ chế tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công. Một nội dung nữa Ban Kinh tế Trung ương cũng hết sức quan tâm, là nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, nhất là trong nông nghiệp.

Ban Kinh tế Trung ương cũng đang tập trung nghiên cứu vấn đề phân công, phân cấp, phân quyền Trung ương, địa phương; các nguyên tắc căn bản để định hướng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Trung ương, địa phương; các nguyên tắc, các quan điểm định hướng và giải pháp cho việc phát triển kinh tế vùng, tăng cường liên kết vùng; những định hướng chính sách chiến lược cho vấn đề thu hút, quản lý, sử dụng ODA trong giai đoạn mới; nghiên cứu về chính sách công nghiệp quốc gia và thương hiệu công nghiệp quốc gia; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh tuyến biên giới và cơ chế, chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Báo CAND: Trân trọng cảm ơn đồng chí Trưởng ban!

PV
.
.
.