Phát hiện nhiều mẫu rau, quả có độc

Thứ Ba, 13/12/2011, 11:41
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP Hồ Chí Minh kiểm tra hơn 6.000 mẫu rau củ quả (RCQ) các loại, phát hiện 18 mẫu có dư lượng thuốc BVTV và trong đó có 2 mẫu vượt mức cho phép.

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 750.000 tấn RCQ thì việc lấy mẫu kiểm tra như vậy là còn quá khiêm tốn. Hơn nữa, việc lấy mẫu kiểm tra của cơ quan chức năng phần lớn chưa truy được tận gốc nên việc quản lý dư lượng thuốc BVTV trên RCQ chưa được kiểm soát…

Hàng nội, ngoại ùn ùn "đổ" về chợ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng RCQ tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh phần lớn có xuất xứ từ các tỉnh: Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai… RCQ khi đến TP Hồ Chí Minh "tập kết" chính ở ba chợ đầu mối gồm: Tam Bình (Thủ Đức), Tân Xuân (Hóc Môn), Bình Điền (quận 8) và từ đây nguồn hàng được phân phối đến các chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và đưa đi các tỉnh. 

Có mặt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tam Bình, chợ đầu mối RCQ lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy, bắt đầu từ khoảng 19h, xe tải chở trái cây từ các tỉnh miền Tây ùn ùn "đổ" về chợ và khoảng 22h là đến lượt rau, củ, từ Đà Lạt chuyển về. Kẻ mua người bán tấp nập đến 3 giờ sáng là hết giờ cao điểm. Trước chợ, gần 20 container vận chuyển trái cây đang đỗ (khoảng 20 tấn/container) để bán cho tiểu thương ở chợ.

Chị Chi - chủ vựa trái cây Chi (E6Ô1) cho chúng tôi biết, đó là xe đông lạnh chở trái cây Trung Quốc được vận chuyển từ Bắc vào. Khoảng hai tháng nay, trái cây Trung Quốc vào mùa, giá rẻ, bảo quản được lâu, trong khi trái cây Việt Nam chỉ bán được trong ngày nên phần lớn phải bán đổ bán tháo để lấy lại vốn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ đầu mối nông sản này, thị phần hàng ngoại chiếm khoảng 30%. Trong đó, một số ít trái cây có xuất xứ từ: Mỹ, Australia, Thái Lan, Naw Zea Land… thì phần lớn còn lại là hàng Trung Quốc như: cam, quýt, hồng, lựu, bơm, lê… và khoai tây, cà rốt, hành tây, bắp cải, tỏi, hành khô, gừng. Tổng lượng hàng về chợ mỗi đêm khoảng 3.200 - 3.500 tấn các loại.

Các tiểu thương khẩn trương đóng hàng ở chợ đầu mối để đưa đi tiêu thụ.

Kiểm tra dư lượng thuốc BVTV như "muối bỏ bể"

Chị Nguyễn Thị Nam Phương - Tổ trưởng Tổ kiểm tra dư lượng thuốc BVTV chợ Tam Bình cho chúng tôi biết: "Mỗi đêm, nhân viên của chợ lấy từ 5 - 20 mẫu RCQ để kiểm tra định tính. Nếu phát hiện mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép sẽ gửi kết quả về Chi cục BVTV để kiểm tra định lượng. Song song đó, Ban quản lý chợ (BQL) cũng làm thông báo gửi đến thương nhân kinh doanh hàng có dư lượng thuốc BVTV (theo kết quả kiểm tra định tính), để họ thông báo về nhà vườn, nơi cung cấp nguồn hàng để được chấn chỉnh kịp thời. BQL chợ chỉ nhắc nhở chứ không có thẩm quyền để xử phạt".

Với cách kiểm tra như trên, từ đầu năm đến nay, chợ Tam Bình kiểm tra hơn 2.500 mẫu. Trong đó, phát hiện 5 mẫu có dư lượng thuốc BVTV ở 2 nhóm lân hữu cơ và cacbamate vượt mức cho phép, gồm: ớt, hành lá, cần tây (Đà Lạt); hành lá (An Giang); rau răm (Tiền Giang). (năm 2010, kiểm tra định tính tại chợ có 18/2.804 mẫu vượt mức lân hữu cơ và cacbamate); Với mặt hàng trái cây ngoại nhập, nhất là trái cây Trung Quốc, từ trước giờ nhiều người lo ngại về chất lượng và chất bảo quản để giữ trái cây được tươi lâu.

Trên thực tế, với phương pháp kiểm tra định tính tại chợ Tam Bình thì chỉ có thể phát hiện được hai nhóm: lân hữu cơ và cacbamate. Trong khi các loại thuốc dùng để phun, xịt cho RCQ còn có nhiều chất độc hại khác nữa. Ngoài ra, cũng theo ghi nhận của chúng tôi, việc kiểm tra dư lượng thuốc BVTV tại chợ cũng chỉ mới kiểm tra phần ngọn và chưa có mức xử phạt để răn đe. Bởi vì, khi lấy mẫu kiểm tra và cho ra kết quả có dư lượng thuốc BVTV vượt mức quy định, trong thời gian đó thì thương nhân cũng đã tiêu thụ hết hàng.

Thực tế cho thấy, nhiều chất cấm được tẩm, xịt trên RCQ có khả năng không kiểm soát được là vì chất chuẩn hiện dùng để đối chiếu rất ít (do chi phí cao). Như trước đây, Chi cục BVTV đã từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm tra xem loại trái cây này sử dụng chất gì mà vẫn tươi trong nhiều tháng liền. Tuy nhiên, vì không có đủ chất chuẩn để phân tích nên kết quả kiểm tra không ra. Đối với RCQ trồng từ các tỉnh, cơ quan quản lý cũng không nắm được cụ thể nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nên khó kiểm soát.

Được biết, hiện Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ RCQ an toàn giữa hai địa phương và sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với các tỉnh có sản lượng lớn RCQ đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đây là động thái dần tiến tới kiểm soát từ gốc đối với RCQ sản xuất trong nước trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, còn với RCQ ngoại nhập, việc kiểm soát chất lượng cũng là vấn đề mà hiện NTD rất quan tâm

Thúy Hà
.
.
.