Phát hành chứng chỉ để huy động nguồn vàng trong dân
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, chủ trương thực hiện quản lý vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP để chống “vàng hóa” (nhất là coi vàng như công cụ thanh toán) là đúng và cần thiết, bảo đảm hiệu quả của chính sách tiền tệ quốc gia có mục tiêu; song không vì thế mà ngộ nhận hoặc lạm dụng trong quản lý và kinh doanh vàng miếng, biến vàng miếng thành “đồng tiền quốc gia thứ hai”.
Hơn nữa, cần tránh ngộ nhận và đồng nhất việc độc quyền nhập khẩu và dập vàng thương hiệu quốc gia giống như độc quyền sản xuất tiền của Chính phủ, càng không thể quản lý vàng theo thương hiệu quốc gia như một dạng tiền tệ chính thức quốc gia. Nói cách khác, không thể dùng quyền độc quyền vàng như một loại máy in tiền; không thể biến việc chống “vàng hóa” thành việc “tiền tệ hóa” vàng, nếu không muốn biến một quốc gia từ chỉ có một đồng tiền duy nhất thành có 2 đồng tiền cùng lưu hành chính thức và độc quyền như nhau. Đồng thời, cần thực hiện quản lý vàng thương hiệu quốc gia trên cơ sở pháp lý đầy đủ, minh bạch, với giá được tính theo hàm lượng vàng, được chuẩn hóa và bảo đảm bởi yêu cầu mang tính pháp định cao.
Cùng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, chủ trương chống “vàng hóa” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ, và chuyển vàng dự trữ trong dân thành VND để phát triển kinh tế là đúng, song việc tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cho thị trường lại càng tiếp tay cho “vàng hóa”, khi đưa một khối lượng lớn vàng vật chất vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân. Bởi vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị cần sớm triển khai các biện pháp huy động vàng trong dân, biến nó thành tiền để phục vụ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước nên phát hành chứng chỉ vàng cho người dân, thay vì giữ vàng vật chất. |
“Muốn huy động được vàng trong dân, trước hết cần phải đảm bảo được các yếu tố ổn định về chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của cả tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như của người gửi vàng. Các yếu tố kinh tế vĩ mô phải ổn định, trong đó thước đo quan trọng nhất là lạm phát phải được kiểm soát. Duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định theo tín hiệu của thị trường để tránh tác động tới giá vàng. Chính sách quản lý thị trường vàng phải tuân thủ theo quy luật của thị trường và thông lệ quốc tế. Khung pháp lý phải rõ ràng, nhất quán, không có rào cản cho việc chuyển đổi chứng chỉ vàng lấy vàng miếng và ngược lại. Mọi thông tin cần được minh bạch, giúp cho người gửi vàng yên tâm, cảm thấy an toàn, tính toán hợp lý đảm bảo lãi suất có lợi cho người gửi vàng”, ông Long đề xuất.
Về điều kiện thực thi, việc phát hành chứng chỉ vàng cần đảm bảo tính thanh khoản tốt cho chứng chỉ huy động vàng và hệ thống NH luôn sẵn sàng có nguồn vàng đáp ứng nhu cầu rút vàng của dân khi đến, hay trong những trường hợp biến động bất thường. Quy trình, thủ tục phải khoa học, chặt chẽ, đơn giản, thuận tiện. Chứng chỉ vàng có thể cầm cố, thế chấp, cho vay, chuyển nhượng,... và có thể lâu dài chứng khoán hóa, đuợc phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp.
Về cách thức huy động, theo ông Long, sau khi ổn định trạng thái vàng của các NHTM, NHNN cần thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. NHNN sẽ là người phát hành chứng chỉ vàng, có các loại mệnh giá như: 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ; 1 lượng, 2 lượng, 5 lượng, 10 lượng... Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển.
“Xuất phát từ đặc điểm, tập quán về thói quen và truyền thống tích trữ vàng trong dân của nước ta, việc cấp chứng chỉ vàng có thể nói là phương thức huy động vàng trong dân hữu hiệu nhất. Cách làm này sẽ loại bỏ được tâm lý, truyền thống đã ăn sâu hàng thế kỷ nay của người dân, đó là giữ vàng nằm im một chỗ, mà không phát huy được tác dụng gì. Việc phát hành chứng chỉ vàng sẽ hạn chế mua bán vàng miếng, đây cũng là một trong những giải pháp ổn định thị trường vàng. Muốn thực hiện được phương thức huy động này, NHNN cần có những chuyên gia giỏi phân tích và đưa ra dự báo về giá vàng trong thời gian tới, và cần sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng thế giới. Đây là điều cần thiết phải có và phải thực hiện đối với NHNN. Nếu không chúng ta sẽ phải trả giá cho những sai lầm tính toán của các chuyên gia”, ông Long khuyến cáo