Phấn đấu xuất khẩu tôm năm 2020 đạt 3,5 tỉ USD
Ngày 8/5, tại Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020”.
- Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng ổn định
- Xây dựng chuỗi giá trị để đẩy mạnh xuất khẩu tôm
- Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ tăng tháng thứ 2 liên tiếp
- Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị; tham dự còn có trên 200 đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh; Sở NN-PTNT các tỉnh có vùng nuôi tôm nước lợ; các Hiệp hội, Hội và các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành tôm.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm còn có một số diễn biến bất lợi, như: giá cả hàng hóa trên thế giới diễn biến phức tạp đầu năm 2019; cạnh tranh thương mại gia tăng; giá nguyên liệu thủy sản giảm sát, giá nhiên liệu tăng...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2019, tổng diện tích thả nuôi đạt 705.545ha, bằng 97,9% so cùng kỳ năm 2018 (tôm sú 603.855ha, tôm thẻ chân trắng 97.865ha); sản lượng thu hoạch đạt 823.851 tấn, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm đạt 3,36 tỉ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.
Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020…
Định hướng năm nay, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,5 tỉ USD.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp nước ta đạt trên 41 tỷ USD; trong đó lĩnh vực thủy sản đóng góp 25% trong tổng giá trị xuất khẩu với gần 10 tỷ USD. Đây là con số đóng góp rất lớn vào chuỗi giá trị và kết quả thành công của nền nông nghiệp Việt Nam.
Trong thủy sản, cá tra và tôm là hai đối tượng nuôi chính cho giá trị rất cao. Riêng nuôi tôm, qua nhiều năm tập trung phát triển, tôi khẳng định đến nay chúng ta đã hình thành vùng nuôi ổn định, quy mô trên 700.000 ha, sản lượng khoảng gần 800.000 tấn, đáp ứng cho giá trị rất cao.
Nuôi tôm công nghệ cao ở Cà Mau. |
“Cuối năm 2019 đầu năm 2020 chúng ta đối mặt với hạn mặn lịch sử diễn ra ở ĐBSCL. Đến đầu tháng 4, qua vài trận mưa có phần làm giảm bớt nồng độ mặn. Do vậy, hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều tình tiết rất đặc biệt cả thách thức và cơ hội. Đặc biệt từ trước đến nay thách thức lớn nhất là loài người chưa bao giờ gặp đại dịch lớn như COVID-19, không chỉ đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhân dân trên toàn thế giới mà còn làm đứt gãy toàn bộ chuỗi kinh tế của toàn cầu”, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau. |
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, hiện nay ngành chăn nuôi nước ta trên diện rộng có rất nhiều hộ dân tham gia nhưng kèm theo đó là nguy cơ rủi ro cao. Thách thức lớn trong năm nay được xác định từ trước là rất nhiều, đồng thời trước cơ hội thực thi hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, trong đó con tôm vô cùng thuận lợi trong việc xuất khẩu mở rộng thị trường xuất khẩu rất tiềm năng sang Châu Âu.
Mặt khác, tuy hiện có rất nhiều nước cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam nhưng chưa làm được điều này. Đó là cơ hội lớn căn bản cho chúng ta, trong bối cảnh chúng ta đã khống chế thành công dịch bệnh COVID-19, rõ ràng đây là cơ hội triển vọng.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm nước lợ 57.000 ha, chiếm 74% diện tích. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác tôm nước lợ 150.000 tấn/năm, chiếm hơn 71%. Xuất khẩu thủy sản đạt 630 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Trước đó, chiều 7/5, tại An Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2019 và đưa ra một số định hướng, giải pháp phát triển cá tra trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh ngành hàng cá ta bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Doanh nghiệp ở Cà Mau thu mua tôm để chế biến xuất khẩu. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, để đưa ngành hàng cá tra phát triển bền vững đúng với tên tuổi, thương hiệu cá tra Việt Nam đã xây dựng, vai trò của các hiệp, hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước là rất quan trọng.
“Thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường xuất khẩu. Hiệp hội cá tra Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng với Bộ NN&PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là vấn đề nguồn vốn; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường như: Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, ASEAN…”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.