Tỷ giá USD giảm về mức thấp nhất trong tháng:

Phản ánh đúng cung cầu ngoại tệ

Thứ Tư, 27/04/2011, 10:47
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng ngày 26-4 giảm thêm 5 đồng, xuống còn 20.703 đồng/USD. Như vậy so với mức kỷ lục, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm 30 đồng, chính thức đưa tỷ giá về mức thấp nhất trong tháng 4 năm 2011. Theo các chuyên gia tài chính-tiền tệ, việc "mất giá" của đồng USD đã cho thấy tác động của Nghị quyết 11 của Chính phủ, rằng các biện pháp thắt chặt ngoại tệ của Việt Nam đã đi đúng hướng.

Gửi tiền Việt có lợi hơn gửi tiền USD

Sau khi siết chặt hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường USD "chợ đen", NHNN tiếp tục có các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ như áp dụng lãi suất huy động USD đối với cá nhân tối đa là 3%/năm, các tổng công ty, tập đoàn bán USD cho ngân hàng… đã tạo chuyển biến tích cực cho thị trường.

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã mua được ngoại tệ. Giá USD trong và ngoài NH ngang bằng nhau đã tạo điều kiện cho NH mua ngoại tệ từ người dân; các "chợ đen" mua bán ngoại tệ tự do gần như bị xóa sổ. Cùng với đó, đối với khách hàng cá nhân, xu hướng chuyển dịch từ gửi tiết kiệm USD sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn đã và đang diễn ra nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á cho biết: Hiện nay nếu DN găm giữ ngoại tệ sẽ bị lỗ vì lãi suất tiền gửi USD thấp trong khi tỷ giá đã ổn định trở lại. Nhiều DN đã chấp nhận bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Nhiều người có nhu cầu gửi tiết kiệm cũng đang tính toán thay vì gửi tiết kiệm USD sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND. Bởi theo tính toán, nếu số tiền gửi tiết kiệm là 10.000 USD, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 0,25%/tháng (3%/năm) sẽ sinh lời 25 USD (tương đương 525.000 đồng).

Trong khi đó, nếu chuyển 10.000 USD (1 USD = 21.000 đồng) thành 210 triệu đồng rồi gửi tiết kiệm với lãi suất 1,16%/tháng (14%/năm) thì sinh lời hơn 2,4 triệu đồng, gấp gần 5 lần so với gửi tiết kiệm bằng USD.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày gần đây, tại các NH trên địa bàn Hà Nội, số người chuyển từ việc gửi tiết kiệm bằng USD sang VND ngày càng nhiều. Chị Lê Phương Thảo (Hà Đông-Hà Nội) cho biết: Chồng chị ở nước ngoài tháng nào cũng gửi USD về nên chị có một lượng USD nhất định. Nếu tiếp tục gửi tiết kiệm bằng USD như hiện nay thì trung bình mỗi tháng chị sẽ bị mất khoảng 100 triệu đồng. Vì thế chị đã bán toàn bộ số USD đang có cho NH rồi chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Đức, giám đốc một công ty thương mại ở Hà Nội cũng cho hay: Với lãi suất USD thấp, DN găm giữ ngoại tệ sẽ rất dễ bị lỗ. Vì thế anh đang cân nhắc để có thể sẽ bán lại lượng ngoại tệ đang nắm giữ cho NH. Tuy nhiên, hiện cũng vẫn còn một số cá nhân và DN đang lưỡng lự chưa đưa ra quyết định vì họ chưa thật sự hoàn toàn yên tâm về tính ổn định của tỷ giá.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Anh, nguyên giám đốc Trung tâm Giao dịch ngoại hối và hàng hóa của NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhận định: Thời điểm này, người dân gửi tiết kiệm bằng VNĐ là hợp lý bởi lãi suất VNĐ và USD chênh nhau quá lớn, trong khi khả năng tỉ giá khó có thể tăng cao.

Nhiều người dân đã chuyển từ việc gửi tiết kiệm bằng USD sang VND. Ảnh: Ngọc Thúy.

Tỷ giá sẽ biến động không đáng kể

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Việc tỷ giá đồng USD liên tục giảm là kết quả tất yếu của một loạt các biện pháp xử lý về ngoại tệ của Chính phủ và NHNN. Đây là biểu hiện bước đầu và nó phù hợp với xu thế chung.Trên thế giới, đồng bạc xanh liên tục mất giá so với tất cả các đồng tiền khác, chỉ duy nhất tại Việt Nam thì có xu hướng ngược lại, đồng USD lại được đẩy lên cao so với đồng tiền bản địa. Bởi vậy, việc tỷ giá đồng USD hạ xuống đã phản ánh đúng cung cầu ngoại tệ. Và điều rất quan trọng đó là việc mất giá của đồng USD đã cho thấy tác động của Nghị quyết 11 của Chính phủ, rằng các biện pháp thắt chặt ngoại tệ của Việt Nam đã đi đúng hướng. Hiện nay, tỷ giá USD giữa liên ngân hàng và thị trường tự do đã về sát nhau là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế. Nếu giữ điều này ổn định, thị trường USD "chợ đen" sẽ mất cơ hội tái phát, và dần dần sẽ biết mất", ông Kiêm nhận định.

Đề cập đến diễn biến và xu hướng của tỷ giá trong thời gian tới, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Cơ quan này dự báo tỷ giá trong năm 2011 sẽ biến động không đáng kể.

Ông Nghĩa cũng cho hay: Chính phủ đã đưa ra quy chế xây dựng thị trường ngoại hối chính thức, và sắp có lộ trình chống đô la hóa thực hiện từ năm 2011 đến cuối năm 2013, trong đó có đề xuất cho phép các NHTM được mua bán ngoại tệ theo giá thỏa thuận trên cơ sở tỷ giá bình quân liên ngân hàng, và sẽ có khung phí mua bán ngoại tệ, nhằm tiến tới ngừng hẳn việc cho vay và huy động đô la Mỹ, chỉ còn hình thức mua và bán. 

Tỷ giá tại các NHTM được niêm yết thấp hơn so với giá trần

Với mức tỷ giá mà NHNN đã công bố, tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ là 20.910 đồng. Tuy nhiên, tại các NHTM, tỷ giá được niêm yết thấp hơn nhiều so với giá trần. Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), nơi vẫn thường áp tỷ giá cao nhất trong số các NHTM, giá USD ngày 26/4 mua vào - bán ra ở 20.670 - 20.740 đồng, thấp hơn 10 đồng so với ngày 25/4.

Trong khi đó, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đồng bạc xanh được mua vào với giá 20.690 đồng, bán ra với giá 20.760 đồng, tại NH Xuất nhập khẩu Eximbank, đồng USD có giá mua là 20.670 - 20.690 đồng/USD, giá bán là 20.740 đồng/USD, tại Sacombank, giá USD mua vào là 20.650 - 20.670 đồng, bán ra là 20.750 đồng…

L.Thúy-H.Thanh
.
.
.