Phải xử phạt nặng hàng giả, hàng nhái từ bình dân đến cao cấp
Trong những ngày đầu năm mới, vấn nạn hàng giả, hàng nhái lại trở nên nóng và bức xúc đối với người tiêu dùng. Đơn cử như ngày 25/2, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý các cơ sở buôn bán mũ bảo hiểm trên địa bàn.
Qua kiểm tra tại 6 quận, huyện ở TP Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện các cửa hàng kinh doanh đều bày bán mũ bảo hiểm kém chất lượng. Các loại mũ này được làm bằng nhựa dẻo, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không dán tem hợp chuẩn… Thậm chí tạị một cửa hàng trên phố Chùa Bộc - quận Đống Đa có tới gần 90% mũ bảo hiểm được bày bán là mũ thời trang, chỉ cần một va đập nhỏ đã có thể vỡ… Con số gần 1.000 mũ bảo hiểm kém chất lượng bị lực lượng này thu giữ và xử lý trong ngày ra quân trên thực tế chưa thấm vào đâu so với sự tràn ngập hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng của mặt hàng này trên các đường phố Hà Nội.
Mũ bảo hiểm rởm, nhái bán tràn lan trên phố Hà Nội. |
Cục Quản lý thị trường cho biết, trong tháng 3/2013, lực lượng liên ngành sẽ tiến hành thanh tra việc sản xuất, mua bán mũ bảo hiểm trên địa bàn 63 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, khi Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy và xe đạp máy (gọi tắt là xe máy) có hiệu lực việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực này sẽ được thực hiện một cách đồng bộ. Đưa ra quyết tâm rất cao, nhưng hiệu quả của đợt tổng kiểm tra, xử lý vấn nạn này vẫn còn là dấu hỏi. Khi trên thực tế thì tình trạng vi phạm lĩnh vực này đã được nói quá nhiều. Các lực lượng chức năng cũng nhiều lần ra quân xử phạt cả các cửa hàng bán mũ đến người sử dụng mũ dỏm. Kết quả cũng chỉ như đá ném ao bèo. Nguyên nhân được chỉ ra là do chế tài xử phạt nhẹ, thiếu sức răn đe, cách làm thiếu quyết liệt, nặng về hô hào.
Cách đây ít lâu, Hà Nội đã đưa ra quyết tâm xây dựng 3 tuyến phố “nói không” với hàng giả, hàng nhái đó là Hàng Bông, Hàng Ngang và Hàng Đào.
Được biết, hiện có tới 5 cơ quan hành chính xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, do sự phối hợp thiếu đồng bộ, mạnh ai nấy làm nên rất khó xử lý. Trở lại câu chuyện về Nghị định xử phạt vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sắp có hiệu lực với mức phạt cũng được nâng lên tối đa 100 triệu đồng. Thậm chí các trường hợp có dấu hiệu tội phạm sẽ được chuyển cơ quan điều tra xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt cao hơn, tuy nhiên việc triển khai thực hiện để tạo ra sự chuyển biến vẫn là vấn đề mang tính quyết định.
Nhiều ý kiến cho rằng: thay vì xử lý tràn lan, dàn trải, các cơ quan chức năng cần chọn một vài lĩnh vực đang nóng và bức xúc nhất tập trung xử lý mạnh, liên tục. Thậm chí điều tra, đưa ra xử lý trước pháp luật một số trường hợp vi phạm. Có như vậy mới hy vọng lập lại được trật tự trong lĩnh vực này