Phải xử lý được xỉ than mới cho đầu tư nhiệt điện

Thứ Tư, 12/08/2015, 09:20
Sự việc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải tro xỉ ra môi trường tràn ra quốc lộ I vào tháng 4, nhưng sau đó lại tiếp tục xảy ra sự cố vào tháng 7 đặt ra yêu cầu bức thiết về việc xử lý chất thải của các nhà máy này, đặc biệt khi trong tương lai vài năm tới, Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện chạy than.

Trước tình hình này, ngày 10/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi làm việc về các giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ và giảm tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường từ chất thải của các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc.

Theo số liệu được đưa ra tại cuộc họp, hiện nay cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang vận hành với tổng công suất phát điện 14.480 MW và thải ra khoảng 15 triệu tấn tro, xỉ hàng năm. Trong đó, lượng tro bay chiếm khoảng 75%, còn lại là xỉ. Dự kiến sau năm 2020, lượng xỉ thải xả ra sẽ cao gấp đôi lên đến hơn 30 triệu tấn/năm khi con số các nhà máy nhiệt điện sẽ lên tới 43 nhà máy với tổng công suất 39.020 MW, chiếm hơn 50% sản lượng điện của toàn quốc.

Theo quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt từ 2011, tương lai năng lượng của Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than, do thuỷ điện đã khai thác gần hết (khoảng 85% tiềm năng và hầu như đã hết các dự án có công suất lớn trên 100 MW), và các nguồn năng lượng khác như điện tái tạo, điện hạt nhân hoặc giá, kỹ thuật quá cao.

Tuy nhiên, nhiệt điện than lại gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác mỏ và hoạt động của các nhà máy điện. Đặc biệt với vụ việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây bức xúc lớn cho người dân Bình Thuận thời gian vừa qua, càng đặt ra yêu cầu bức thiết về việc phải xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện tốt hơn để đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết: Thực tế hiện nay, lượng xỉ đáy lò được tái sử dụng khá triệt để trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng lượng tro bay vốn chiếm phần lớn chất thải mới chỉ được sử dụng làm phụ gia cho xi măng, bê tông đầm lăn, gạch không nung với khối lượng không lớn, khoảng 0,5-1 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 5, 6% tổng lượng tro bay thải ra).

Chính phủ yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đang trong quá trình đầu tư sẽ chỉ được triển khai khi có phương án xử lý tro xỉ.

Nguyên nhân của việc tro bay chưa được tái sử dụng rộng rãi phần lớn do công nghệ của các nhà máy nhiệt điện lạc hậu, đặc tính kỹ thuật không phù hợp, độ ẩm và lượng than chưa cháy hết còn cao, chi phí vận chuyển dẫn tới giá thành lớn. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, nếu được xử lý đạt yêu cầu chất lượng thì tiềm năng sử dụng tro xỉ cho sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây là khá lớn. Theo tính toán, các nhà máy xi măng có thể tiêu thụ khoảng 2-3 triệu tấn tro bay/năm, các công trình bê tông đầm lăn có thể sử dụng 1 triệu tấn tro bay/năm.

Vật liệu không nung cũng có thể sử dụng 1 triệu tấn và cùng các nhu cầu khác sẽ đảm bảo tiêu thụ 6/8 triệu tấn trong số 11 triệu tấn tro bay mỗi năm hiện nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số trên lý thuyết, “nếu” được xử lý đạt yêu cầu. Còn thực tế, các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu nên chưa thể xử lý chất thải thành những sản phẩm đủ chất lượng.

Tại cuộc làm việc của Chính phủ, một lần nữa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu đôn đốc quyết liệt hơn nữa các giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ nhằm đảm bảo vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, đảm bảo môi trường.

Việc thứ nhất là tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, đặc biệt các dự án nhiệt điện cấp thiết về vấn đề này như Vĩnh Tân, An Khánh, Sông Hậu, Vũng Áng… để tính toán các điều kiện, phương án cụ thể và mức độ tiêu thụ lượng tro xỉ, các phương pháp xử lý môi trường.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nhà máy khác đang trong quá trình đầu tư, xây dựng sẽ chỉ được triển khai khi có phương án rõ ràng về xử lý tro xỉ, hoặc có hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu.

V. Hân
.
.
.