Xử lý hàng nghìn tỷ đồng sai thuế xăng dầu: Phải truy thu và sung quỹ bình ổn giá

Chủ Nhật, 20/03/2016, 09:54
Hàng nghìn tỷ đồng- đó là con số mà các doanh nghiệp nghiễm nhiên “bỏ túi” do cơ quan chức năng “quên” điều chỉnh giá xăng dầu cơ sở theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Người tiêu dùng thiệt hại, Nhà nước thiệt hại, nền kinh tế thiệt hại. Vậy, “lỗi” này thuộc về ai, và phải xử lý hậu quả như thế nào?

Chuyên mục trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) về vấn đề này.          

Người tiêu dùng, nền kinh tế “thiệt đơn thiệt kép”

PV: Thưa ông, “nhờ” cơ quan chức năng “quên”, nên các doanh nghiệp đã đút túi được hàng nghìn tỷ đồng. Ông có thể tính toán xem doanh nghiệp lợi khoảng bao nhiêu?

PGS-TS. Ngô Trí Long: Theo biểu thuế, từ tháng 5-2015, các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN, Hàn Quốc giảm mạnh. Cụ thể, thuế xăng giảm từ 20% xuống còn 10%, thuế dầu giảm từ 10% xuống còn 5%, thậm chí là 0% từ ngày 1-1-2016. Thế nhưng theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và mazut.

Nghĩa là việc này đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel, mazut, và 10% với xăng giữa đầu vào (khoản doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (khoản người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Khoản tiền này các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5-2015, sau khi Thông tư 78 ra đời đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Tính sơ sơ, 1 tháng tiêu thụ khoảng hơn 400 triệu lít dầu, thì với mức chênh lệch cơ sở này, mỗi tháng, những người tiêu dùng sử dụng dầu phải “xì” thêm hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra còn 1 lượng xăng nhập từ Hàn Quốc có thuế giảm 10% bắt đầu từ năm 2016. Đây chỉ là con số tương đối, hơn nữa, cũng còn phải tùy từng thời điểm, vì từ năm 2015 sang năm 2016, mức thuế cũng được giảm 2 lần, và từ thị trường Hàn Quốc sẽ khác với thị trường ASEAN…

PGS-TS. Ngô Trí Long:

Tất cả cộng lại, theo một số liệu tính toán lên đến hơn 400 tỷ mỗi tháng. Bởi vậy, để có con số chính xác bắt buộc phải trên cơ sở sổ sách quyết toán nhập - xuất của doanh nghiệp, cũng như số liệu nhập khẩu từ hải quan. Tuy nhiên, nếu áng chừng, thì với thời gian từ năm 2015 đến nay, số tiền mà các doanh nghiệp “vớ bẫm” cũng lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Vì thuế là 1 yếu tố tính giá tương đương. Ví dụ thuế 10% thì giá xăng, dầu sẽ là 15 nghìn đồng/lít, thuế 5% thì giá sẽ chỉ vào khoảng hơn 14,5 nghìn đồng/lít.

Giá cơ sở là căn cứ để tính giá bán lẻ, bởi vậy, thuế bị tính cao, thì giá tất nhiên cũng sẽ cao. Giá cao, dĩ nhiên người tiêu dùng là người đầu tiên và trực tiếp chịu khi phải chi phí cao cho việc đi lại. Ngoài ra, họ sẽ phải chịu gián tiếp vì xăng dầu là đầu vào của tất cả mọi ngành kinh tế. Giá xăng dầu cao, mặt bằng giá cả nói chung cũng sẽ cao.

PV: Không phải chỉ với người tiêu dùng, giá xăng dầu cao, nền kinh tế cũng sẽ thiệt hại, vì xăng dầu là đầu vào của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, thưa ông?

PGS-TS. Ngô Trí Long: Đúng vậy, việc thiệt hại này là do cách tính thuế trong giá. Trong khi người tiêu dùng chịu thiệt thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại hưởng lợi lớn. Số tiền hàng nghìn tỷ đó, sẽ chảy từ túi người tiêu dùng sang túi của doanh nghiệp. Mà không phải chỉ người tiêu dùng, cả ngân sách nhà nước cũng bị thiệt hai do chi phí xăng dầu cho xe công, cho những vận chuyển và các chi phí khác cho tất cả các mặt hàng hóa sử dụng bằng tiền ngân sách để mua.

Việc áp thuế nhập khẩu sai cũng sẽ kéo theo cách tính các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vận chuyển, vận tải sai. Nói cách khác, do áp thuế nhập khẩu sai làm tăng giá cơ sở, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí khác... khiến người tiêu dùng, và cả ngân sách, với tư cách tiêu dùng, chịu thiệt.

Ngoài những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp nói trên, nền kinh tế còn phải chịu nhiều thiệt thòi khi tính thuế không đúng khiến giá xăng dầu neo cao. Ví dụ với trực tiếp từng doanh nghiệp, rõ ràng giá xăng dầu cao, chi phí đầu vào sẽ cao hơn, giá thành sản phẩm cao hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, trong thời buổi hội nhập như hiện nay, doanh nghiệp Việt đã chịu rất nhiều sức ép. Hàng hóa về năng suất và chất lượng vốn đã kém, nay lại thêm giá cao, thì rõ ràng sức cạnh tranh sẽ giảm sút hẳn. Sức yếu mà bơi ra biển lớn, thì chắc chắn sẽ càng thêm đuối.

“Lỗi” của Bộ Công Thương?

PV: Hậu quả rõ ràng rất lớn, vậy “thủ phạm” là ai, liệu có phải do doanh nghiệp thiếu tự giác?

PGS-TS. Ngô Trí Long: Không. Trong vấn đề này, doanh nghiệp chỉ lợi dụng sơ hở để bỏ túi, chứ khôn “lách” gì ở đây. Lỗi hoàn toàn thuộc về cơ quan quản lý. Phải xác định trách nhiệm, không thể chung chung được. Theo tôi, “tội” trong vấn đề này là của Bộ Công Thương. Vì Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực ngày 1-11-2014 quy định Bộ Công Thương chủ trì, điều hành giá xăng dầu, phối hợp với Bộ Tài chính. Vì là người quyết định, nên Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm, còn Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm liên đới. Xác định rõ ràng như thế để khỏi bên nọ đổ lỗi cho bên kia, hòng hòa cả làng.

Từ đây rút ra vấn đề: mặc dù đã cải cách hành chính, nhưng vẫn có sự chồng chéo trong điều hành. Tôi nghĩ chức năng quản lý về giá nên để cho Bộ Công thương, vì Bộ Công Thương có chức năng quản lý thị trường. Thị trường có 4 yếu tố: cung, cầu, giá cả và cạnh tranh. Giá Bộ Tài chính chỉ căn cứ để tính toán chung, còn điều hành cụ thể nên để Bộ Công Thương trực tiếp, vì giá phải gắn liền với thị trường, không thể tách rời.

PV: Như vậy, hậu quả đã xảy ra, lỗi cũng được xác định, vậy phải khắc phục như thế nào? Ngành Thuế thông tin sẽ truy thu, vậy theo ông có nên truy thu số tiền chênh lệch nói trên, và truy thu rồi thì sẽ sung vào ngân sách hay trả lại cho bên trực tiếp thiệt hại là người tiêu dùng?

PGS-TS. Ngô Trí Long: Chắc chắn là phải truy thu và không thể sung vào ngân sách mà phải trả lại cho người tiêu dùng. Bộ Tài chính thu ngân sách khó khăn, nếu truy thu được món này cũng có hàng nghìn tỷ “đập” vào. Song, không thể sung quỹ theo kiểu đó được, mà phải trả lại cho người bị thiệt hại trực tiếp. Vì người tiêu dùng mua xăng không có hóa đơn, nên dĩ nhiên không thể để khách hàng truy lĩnh trực tiếp, mà nên đưa vào Quỹ bình ổn xăng dầu. Quỹ bình ổn giá có đặc thù là để “chống sốc” cho giá xăng dầu, nếu giá lên cao, xả quỹ để điều tiết, không bắt người tiêu dùng mua giá cao.

PV: Qua câu chuyện này, chúng ta đặt ra một vấn đề của hội nhập đó là những kẽ hở của chính sách, và cả những người đang thực hiện chính sách. Hiện tại và trong tương lai, Việt Nam còn tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa. Vậy, có cách gì để vấn đề này không xảy ra với những mặt hàng khác, thưa ông?

PGS-TS. Ngô Trí Long: Tôi không cho rằng nó cần phải lo lắng đối với các mặt hàng khác khi hội nhập, vì nó chỉ xảy ra trong bối cảnh khá đặc thù, giá xăng dầu là do Nhà nước quy định, thì Nhà nước phải tính toán. Khi Nhà nước “quên”, nếu được lợi, doanh nghiệp sẽ lợi dụng để hưởng, còn nếu doanh nghiệp thiệt, thì chắc chắn họ sẽ tính toán từng đồng và ngay lập tức phản hồi ngay để Nhà nước tính toán lại. Với các mặt hàng khác do doanh nghiệp tự quyết, nếu động đến quyền lợi của doanh nghiệp, thì sẽ không lo họ “quên” theo kiểu “con chung không ai khóc”.

PV: Nhưng chắc chắn, đây sẽ là bài học đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong thời buổi hội nhập?

PGS-TS. Ngô Trí Long: Chắc chắn rồi. Từ vụ việc này, phải xem lại vai trò của cơ quan quản lý. Bài học rút ra là cơ quan chức năng phải theo dõi diễn biến, đưa ra chính sách, tình huống dự báo để không bị “hớ”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, sớm đưa ra cách khắc phục cách tính thuế để cân bằng lợi ích của Nhà nước – người dân – doanh nghiệp. Cơ quan thuế đã lên kế hoạch truy thu phần lợi từ chênh lệch thuế nhập khẩu kể trên với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thông qua cơ quan quản lý thuế địa phương.

Lệ Thúy
.
.
.