Phải ra tòa với những đơn vị nợ BHXH

Thứ Sáu, 10/12/2010, 15:13
Cuối năm 2010, vấn đề nợ đọng BHXH trở nên nóng bỏng khi liên tiếp nhiều doanh nghiệp bị khởi kiện ra toà do chây ỳ trả nợ. Hà Nội là một trong những địa phương có số doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng bảo hiểm lớn nhất nước, với tổng số tiền nợ lên đến 588 tỷ đồng. Mức lãi suất tiền nợ đọng bảo hiểm hiện thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng nên bị nhiều doanh nghiệp lạm dụng.

Những ngày cuối năm 2010, BHXH Hà Nội "căng như dây đàn" vì món nợ khổng lồ của 6.500 đơn vị đóng trên địa bàn thành phố còn nợ đọng tiền BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền tới 588 tỷ đồng.

Trong số 6.500 đơn vị này có tới 842 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền là 192 tỷ đồng và 2.388 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền là 197 tỷ đồng. Qua thống kê của BHXH Hà Nội thì có rất nhiều đơn vị nợ dây dưa, kéo dài, có những đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm lên tới vài năm hoặc có đơn vị năm nào cũng nợ tiền BHXH.

Theo ông Trương Trọng Thắng, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội thì hiện tại có 48 đơn vị nợ từ 1 tỷ đồng trở lên, trong đó có doanh nghiệp nợ tới 10 tỷ đồng. Hà Nội hiện có 25.775 đơn vị tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với trên 1 triệu lao động. Trong đó có 20.803 doanh nghiệp với gần 790 nghìn lao động.

Ông Thắng cho biết, tiền nợ đọng BHXH năm nay tăng hơn so với năm 2009. Lý do các doanh nghiệp chưa trả nợ vẫn muôn thuở là đang gặp khó khăn… Tuy nhiên, qua điều tra của BHXH thì hầu hết người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp này (trừ một số đang trên bờ vực phá sản) hằng tháng vẫn trích phần trách nhiệm đóng bảo hiểm của mình để chủ lao động đóng cho cơ quan bảo hiểm, nhưng chủ không đóng.

Người lao động thiệt hại lớn nếu doanh nghiệp chây ỳ không chịu nộp tiền BHXH.

Kiện ra toà là biện pháp cuối cùng khi BHXH Hà Nội đã rất nhiều lần đôn đốc, kiểm tra, xử phạt nhưng các doanh nghiệp, đơn vị này vẫn cố tình chây ỳ không nộp bảo hiểm cho người lao động. Đứng đầu bảng về nợ đọng BHXH, BHYT đóng cho người lao động rơi vào nhóm xây dựng cầu đường. Hàng nghìn lao động này đang phải làm việc trong môi trường vất vả, độc hại nhưng quyền lợi của họ lại bị chính công ty chiếm dụng.

Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân kéo dài nợ đọng là do lãi suất của nợ bảo hiểm hiện thấp (lãi suất của BHXH là 10,5%/năm; BHYT là 8%/năm) so với lãi suất ngân hàng, nên ngày càng nhiều doanh nghiệp lạm dụng.

Nợ đọng bảo hiểm giống như căn bệnh "kinh niên" mà các cơ quan bảo hiểm đang rất khó chữa. Ngành bảo hiểm không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính (do Thanh tra Sở LĐ-TB&XH ra quyết định xử phạt) nên hạn chế trong công tác kiểm tra, đôn đốc và thu hồi nợ. Hơn nữa, chế tài xử phạt hiện còn thấp (cao nhất là 20 triệu đồng) nên vẫn không đủ tính răn đe.

Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ngoài việc tăng chế tài xử phạt, các cơ quan BHXH cần tăng cường công tác thu hồi nợ bằng cách kiên quyết kiện những doanh nghiệp nào chây ỳ, nợ đọng lớn ra toà. Có thế, người lao động mới yên tâm và tin tưởng để làm việc, đóng góp cho xã hội.

9 doanh nghiệp chây ỳ trả nợ bị khởi kiện ra tòa

Theo ông Thắng, năm 2010 BHXH TP Hà Nội làm kiên quyết, hiện đã nộp hồ sơ khởi kiện 9 doanh nghiệp nợ đọng BHXH lên Toà Lao động, TAND TP Hà Nội. Các doanh nghiệp bị khởi kiện lần này gồm: Công ty Tư vấn xây dựng Đông Hải nợ 223 triệu đồng; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nghe nhìn Hà Nội nợ 585,9 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại và XKLĐ nợ 351,6 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu đầu tư nợ 5,328 triệu đồng; Công ty cổ phần tư vấn xây dựng thương mại Á Âu nợ 229 triệu đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ cơ điện lạnh TSC nợ 215 triệu đồng; Công ty cổ phần Kabico nợ 1 tỷ 846 triệu đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 879 nợ 1,5 tỷ đồng. Ông Thắng nhấn mạnh: "Hiện mới có TAND quận Cầu Giấy mời các bên lên hoà giải và 2 doanh nghiệp (đóng trên địa bàn Cầu Giấy) đã chấp nhận nộp số tiền nợ trước ngày 25/12/2010. Theo quan điểm của BHXH Hà Nội thì đây là những vi phạm pháp luật về BHXH và BHYT nên chúng tôi kiên quyết kiện ra toà để tạo tính răn đe".

Trần Hằng
.
.
.