Phải mở tài khoản riêng quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu
Thông tư lần này có một thay đổi đáng chú ý về minh bạch Quỹ bình ổn giá, khi doanh nghiệp (DN) đầu mối sẽ phải mở tài khoản quỹ tại ngân hàng và báo cáo biến động quỹ hằng tháng.
Công thức hình thành giá cơ sở vẫn thừa hưởng tinh thần của các quy định cũ, trừ việc giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá, chứ không phải 30 ngày như trước. Định kỳ hằng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm rà soát biến động của các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam và tổng hợp báo cáo gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chậm nhất trước ngày 30/1 của năm tài chính kế tiếp.
Về chi phí kinh doanh định mức, Thông tư quy định chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng tối đa: 1.050 đồng/lít, tăng khá nhiều so với mức 860 đồng hiện nay, nhưng thấp hơn mức “mong đợi” 1.200 đồng mà Hiệp hội Xăng dầu từng đề xuất. Chi phí định mức đối với dầu hỏa, dầu điêzen tối đa là 950 đồng/lít; đối với dầu mazut tối đa là 600 đồng/kg. Các mức chi phí kinh doanh định mức tối đa trên sẽ được Bộ Tài chính Thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ. Hằng năm hoặc khi có biến động bất thường, thương nhân đầu mối có trách nhiệm rà soát, đồng thời, yêu cầu có kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh; tổng hợp báo cáo gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chậm nhất trước ngày 30/1 của năm kế tiếp. Lợi nhuận định mức trước thuế vẫn được giữ nguyên mức tối đa là 300 đồng/lít,kg và có thể được điều chỉnh.
Cơ quan quản lý đã đưa ra phương thức quản lý Quỹ bình ổn giá minh bạch hơn. |
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá và sự minh bạch trong quản lý quỹ này, vì đây hoàn toàn là tiền trích từ túi người tiêu dùng, Thông tư cho biết vẫn sẽ “được thực hiện thường xuyên, liên tục và được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít” đối với các loại xăng dầu. Mức trích lập có thể được điều chỉnh tùy theo thời điểm. Quỹ này sẽ chỉ được sử dụng để bình ổn giá, không sử dụng để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng khác mục đích.
Về cơ chế sử dụng quỹ, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 4%, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi 3% và được sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với phần tăng vượt. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 4% đến 7%, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi 3% cộng thêm 50% của mức chênh lệch giá còn lại; 50% kia sẽ được bù đắp từ Quỹ bình ổn. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 7%, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá mức 2, phần còn lại sẽ được Chính phủ cân nhắc các biện pháp bình ổn giá thông qua thuế, và các biện pháp kinh tế hành chính khác.
Đáng chú ý, Thông tư tiến một bước mới về minh bạch Quỹ bình ổn giá, khi yêu cầu đầu mối phải lập tài khoản riêng cho quỹ tại ngân hàng, báo cáo số dư hằng tháng và lãi sẽ được cộng vào quỹ. Khi hết quỹ mà cần sử dụng, đầu mối có thể vay ngân hàng và được bù lãi suất sau khi quỹ dư. Định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, thương nhân đầu mối phải công bố số dư đầu kỳ, số trích lập, số sử dụng, số dư Quỹ bình ổn giá của tháng liền kề trước đó. Đồng thời, kết chuyển toàn bộ số trích lập Quỹ bình ổn giá của tháng liền kề trước đó vào tài khoản của quỹ. Định kỳ ngày mùng một hằng tháng, ngân hàng thương mại nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản quỹ cũng phải gửi sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản về Bộ Công thương và Bộ Tài chính để tăng tính khách quan.
Kết thúc năm tài chính, các thương nhân đầu mối, ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở tài khoản cũng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá, bảng tính toán chi tiết số lãi tiền gửi đã hạch toán tăng Quỹ và số tiền lãi vay phát sinh hằng tháng do đã ứng vốn để bình ổn giá, gửi liên Bộ Tài chính - Công Thương để kiểm tra, giám sát