Bộ Công Thương họp báo:

Petrolimex đáng lẽ còn lãi cao hơn?!

Thứ Tư, 04/09/2013, 09:05
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lý giải: Với 4,4 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, nếu tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít đúng theo Nghị định 84, Petrolimex phải lãi 1.200 tỷ đồng. Nếu mang số vốn 14.500 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, lợi nhuận cũng cao hơn số lãi 388 tỷ từ kinh doanh xăng dầu như công bố.
>> Petrolimex lãi 898 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay

Chiều 3/9, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm với những nội dung được đông đảo công chúng quan tâm liên quan đến tình hình điều hành xăng dầu.

Trả lời về việc trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 vừa qua, giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng 4 lần với lý do lỗ, nhưng sau đó Petrolimex lại công bố lãi 898 tỷ đồng, trong đó 388 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng đầu năm nay, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lý giải: Với 4,4 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, nếu tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít đúng theo Nghị định 84, Petrolimex phải lãi 1.200 tỷ đồng. Nếu mang số vốn 14.500 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, lợi nhuận cũng cao hơn số lãi 388 tỷ từ kinh doanh xăng dầu như công bố. Ông Quyền cũng viện dẫn lợi nhuận của DN ngành Sữa, Ngân hàng để thấy rằng lợi nhuận của Petrolimex là thấp.

Liên quan đến việc soạn thảo một nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đang bộc lộ nhiều bất cập theo yêu cầu của Chính phủ, ông Võ Văn Quyền cho biết, nghị định này sẽ vẫn kế thừa tinh thần của nghị định cũ, tức là nhất quán điều hành mặt hàng xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng bảo đảm phương thức tính giá do Nhà nước kiểm soát. Hiểu theo cách khác là Nhà nước định giá xăng dầu, nhưng theo nguyên tắc thị trường chứ không bù lỗ.

Được biết, hiện Ban soạn thảo đã trình dự thảo nghị định mới lên Bộ Tư pháp và Bộ cũng đã có kết quả thẩm định. Dự kiến trong tuần này, văn bản thẩm định sẽ đến Bộ Công thương để Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung trước khi trình Chính phủ thông qua

V.Hân
.
.
.