PVN đã cơ bản xử lý xong 9 điểm yêu cầu của Thanh tra CP

Thứ Ba, 10/04/2012, 15:22
Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng, kết luận thanh tra chỉ nói Tập đoàn Dầu khí còn một số khuyết điểm, chứ không nói sai phạm. "Hiện PVN đã cơ bản xử lý xong cả 9 điểm yêu cầu trong kết luận thanh tra".
>> PVN có nhiều vi phạm trong quản lý vốn và đầu tư xây dựng

Sáng 9/4, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý I. Tuy nhiên, chủ đề chính của cuộc họp báo hoàn toàn bị lấn át bởi một trong những vấn đề “nóng” nhất hiện nay - liên quan đến những kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về những “sai phạm” và “khuyết điểm” của PVN. Theo những thông tin ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV PVN cung cấp, trong vòng 20 ngày, tập đoàn này đã cơ bản khắc phục xong toàn bộ những vấn đề kết luận thanh tra yêu cầu.

PV: Xin ông cho biết về tiến độ khắc phục những sai phạm của tập đoàn như TTCP yêu cầu?

Ông Phùng Đình Thực: Hiện nay rất nhiều phương tiện thông tin bất lợi về tập đoàn, đặc biệt là trên các blog, nói rằng chúng tôi là Vinashin thứ 2, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của PVN. Thực ra kết luận của TTCP nói rằng chúng tôi hoạt động kinh doanh có lãi, bảo đảm vốn của PVN và vốn đầu tư vào các đơn vị khác; hằng năm đóng góp 1/3 ngân sách… và không hề có thất thoát, thua lỗ, kể cả với các hoạt động đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cho rằng chúng tôi còn một số khuyết điểm, chứ không nói sai phạm. Hiện PVN đã cơ bản xử lý xong cả 9 điểm yêu cầu trong kết luận thanh tra.

PV: Cụ thể đã khắc phục được những gì?

Ông Phùng Đình Thực: Việc một số đơn vị cổ phần hóa chưa nộp 1.922 tỷ đồng về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, thì 99,43% trong số đó (1.911 tỷ) là PV gas nợ. Việc này lại có nguyên nhân do Tổng Công ty Điện lực dầu khí (PV Power) nợ họ tiền mua khí do EVN nợ tiền mua điện của họ đến trên 10.000 tỷ đồng.

Ông Phùng Đình Thực.

Bởi vậy PV Gas có xin hoãn, bao giờ được trả tiền sẽ nộp. Tuy nhiên sau khi TTCP yêu cầu, PV Power đã vay tiền để trả cho PV Gas và nộp lại toàn bộ số nợ vào quỹ. Hiện PV Gas có xin nợ phần lãi phát sinh, nhưng chúng tôi cũng đang yêu cầu họ nộp nốt. Hiện EVN vẫn đang nợ PV Power hơn 12.000 tỷ đồng.

PV: Còn về việc PVN đã sử dụng sai 15.601 tỷ cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí?

Ông Phùng Đình Thực: Trong kết luận thanh tra, TTCP chỉ yêu cầu chúng tôi xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng số tiền này, chứ không phải kết luận sai phạm. Thực ra, khi PVN góp vốn vào liên doanh Rusvietpetro và cấp vốn điều lệ cho PVEP, thì chưa có bộ tiêu chí đơn vị thế nào thì được phép.

Nhận thấy PVEP và Rusvietpetro đều là đơn vị 100% chỉ làm về khai thác và thăm dò khai thác dầu khí, nên chúng tôi cho rằng họ xứng đáng sử dụng. Tuy nhiên, khi thanh tra hỏi “tiêu chí đâu” thì chưa có căn cứ nào để chiếu theo, nên đã yêu cầu PVN xin ý kiến Thủ tướng. Sau đó, Bộ Công thương đã đề nghị và Thủ tướng đã ban hành bộ tiêu chí vào ngày 14/10/2011, chiếu theo đó các dự án này đều hợp lệ.

Do kết luận thanh tra có vào ngày 31/8/2011, trước khi bộ tiêu chí ban hành, nên còn vi phạm này. Đến giờ vấn đề đã không tồn tại nữa. Về chi phí 11 tỷ đồng xây dựng Trường PTTH Đất Mũi, chúng tôi cũng đã điều chỉnh lại từ nguồn kinh phí an sinh xã hội của tập đoàn cho phù hợp.

PV: Còn việc ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang với số tiền 622,2 tỷ đồng mà chưa báo cáo Thủ tướng thì sao?

Ông Phùng Đình Thực: Về điểm này, chúng tôi công nhận là có vi phạm, ở chỗ đáng lẽ xây dựng các công trình bên ngoài hàng rào, đường sá và kể cả chi tiền giải phóng mặt bằng là thuộc địa phương.

Hiện chúng tôi đã làm việc với các địa phương để thu hồi số tiền này, Quảng Ngãi đã trả được một số thông qua tiền thuế. PVN sẽ ký biên bản thoả thuận với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình về việc hoàn trả tạm ứng. Số tiền ứng trước cho tỉnh Sóc Trăng sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất của dự án trung tâm điện lực Long Phú.

Chúng tôi cũng đang làm việc với tỉnh Hậu Giang để hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng và quyết toán chi phí của Dự án TTĐL Sông Hậu 1. Dù vậy, cũng phải nói rằng việc này tuy vi phạm nhưng có rất nhiều điểm lợi. Khi làm dự án ở địa phương, người dân phải di dời khỏi mảnh đất sinh sống hàng trăm năm để phục vụ dự án thì phải cho họ thấy rằng họ có cái lợi gì ở đây.

Việc ứng vốn xây dựng đường sá còn phục vụ cho vận chuyển hàng hóa. Ứng tiền giải phóng mặt bằng nhanh giúp dự án đảm bảo tiến độ và đỡ được rất nhiều chi phí. Mà số tiền ứng ra này cũng không phải mất đi mà được khấu trừ vào tiền thuê đất, hoặc khi địa phương thu được thuế từ dự án sẽ hoàn trả. Hiện rất nhiều địa phương vẫn tiếp tục đề nghị chúng tôi ứng vốn. PVN cũng đang xin phép Thủ tướng chấp nhận việc để doanh nghiệp ứng vốn nếu có điều kiện.

PV: Việc đầu tư ra ngoài ngành của Tập đoàn cũng được TTCP đánh giá là không có lợi nhuận, hoặc chỉ có rất ít. PVN đã thực hiện việc thoái vốn đến đâu?

Ông Phùng Đình Thực: Đúng là một số doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành hiệu quả hoạt động chưa cao. Ngay từ năm 2009 trở đi, tình hình thị trường rất xấu, thấy đầu tư ra ngoài lợi nhuận thấp (nhưng cũng không phải thất thoát, thua lỗ), PVN đã có điều chỉnh.

Ngày 28/3 vừa qua, chúng tôi cũng đã trình Thủ tướng, Bộ Công Thương đề án tái cấu trúc tập đoàn, xác định chỉ có 5 lĩnh vực chính là: tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Còn các lĩnh vực khác chúng tôi đang xây dựng lộ trình thoái vốn từ nay đến 2015.

PV: Về việc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể và cá nhân liên quan ra sao?

Ông Phùng Đình Thực: Chúng tôi đang thực hiện với thái độ cầu thị, trung thực, khách quan, nghiêm túc theo chỉ đạo.

Về việc PVN chỉ định thầu sai quy định với một số dự án, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra và thấy nguyên nhân chỉ định thầu là do phần lớn đều là các công việc chuyên ngành (như cắm mốc ranh giới, tư vấn hỗ trợ đền bù, cấp chứng chỉ công trình) hoặc các công việc đòi hỏi chuyên môn cao (tư vấn quản lý dự án đường ống dẫn khí, khảo sát biển…), nên tại thời điểm đó chưa có đơn vị thành viên nào của tập đoàn làm được. Việc chỉ định thầu đều do yêu cầu cấp bách về tiến độ của dự án. Các gói thầu này đều đảm bảo tiến độ, chi phí, chất lượng. Tuy vậy, ngày 24/2 vừa qua, chúng tôi cũng đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong hoạt động đấu thầu tại các đơn vị thành viên, đồng thời chấm dứt việc chỉ định thầu không thuộc đối tượng được phép theo quy định".

Vũ Hân
.
.
.