Nước giải khát nhập lậu: Mù mờ chất lượng

Chủ Nhật, 30/07/2006, 13:39

Đặc biệt nguy hại là những chai lọ nước ngọt màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng ấy lại hấp dẫn trẻ nhỏ. Chúng được bán tràn lan trước cổng trường học, trên các mẹt hàng xén và chẳng có bất cứ sự quản lý nào.

Mặc dù đang trong kỳ nghỉ hè nhưng các quán bán quà vặt trước cổng Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn tấp nập các em nhỏ. Chúng mua những chai nước ngọt bé tý xíu bằng đầu ngón tay với giá 500 đồng, hào hứng chia cho nhau. Những chai nước chỉ ghi mỗi dòng chữ "nước vải" được dán vào bằng một mẩu giấy, không có địa chỉ sản xuất, không ghi hạn sử dụng. Uống thử, một vị ngọt là lạ, đọng lại trên đầu lưỡi cả vị đắng đắng.

Bà chủ quán cũng lắc đầu, không biết nguồn gốc của những chai nước này. Bà chỉ nói lấp lửng: ''Hàng được lấy từ chợ Bắc Qua". Trên chiếc mẹt hàng của bà có rất nhiều loại nước ngọt có màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Chúng được đựng trong những chiếc chai, lọ nhựa có hình dáng ngộ nghĩnh như quả hồ lô, đô-rê-mon, các con vật và được đựng cả trong những chiếc gậy nhựa mô phỏng chiếc gậy của nhân vật Tôn Ngộ Không. Những chai nước này đều ghi nhằng nhịt chữ Trung Quốc nhưng không có mã vạch, không có hướng dẫn sử dụng.

Tưởng tôi mua về cho con, bà bán hàng lôi từ dưới chiếc sạp lên cả bó những que nước thạch trong veo với đủ loại màu sắc. Bà cho biết, các em nhỏ rất thích ăn loại nước thạch này vì vừa được uống nước, vừa được nhai thạch. Bó que nước thạch ấy phủ một lớp bụi, hình và chữ trên bao bì đã mờ hết không còn nhìn rõ. Có que đã bị bục lớp túi nilon, chảy ra một thứ nước nhờn nhờn, dính bết tay.

Đi một vòng quanh các trường tiểu học như Kim Liên, Nguyễn Trường Tộ, Cầu Diễn… các mặt hàng nước uống cho trẻ nhỏ cũng "phong phú" như các loại tôi đã thấy ở trường Mạc Đĩnh Chi. Phần lớn những loại nước ngọt này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhập lậu về.

Chúng tôi đến chợ Bắc Qua, nơi tập trung bán buôn nhiều loại bánh, mứt, kẹo và nước giải khát. Một chị bán hàng cho biết, mặt hàng nước ngọt Trung Quốc hiện đang trong dịp học sinh nghỉ hè nên cũng bán chậm hơn. Nhưng để chuẩn bị cho mùa khai giảng, chị ta đã phải liên hệ với chủ hàng ở Lạng Sơn, chuẩn bị nhập hàng, sẵn sàng vận chuyển xuống khi có yêu cầu. Chính người bán hàng cũng thừa nhận không nên cho trẻ em uống loại nước này: "Em mua về bán nhưng đừng cho con uống. Toàn đường hóa học và phẩm màu đấy".

Chị ta cho biết thêm, gần đến ngày khai giảng, có ngày chị bán được hàng tạ loại nước này, khách hàng không những ở khu vực Hà Nội mà còn ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tây. Thấy tôi có nhu cầu mua ngay trong ngày, chị ta nói với giọng tiếc rẻ: "Sao không chờ đến mai chị đưa giá gốc cho. Nếu cần gấp thì em qua phố Hàng Giầy lấy tạm một ít, mai quay lại nhé".

Phố Hàng Giầy chủ yếu buôn bán các loại bánh kẹo và nước ngọt bình dân, rẻ tiền. Tôi mua một bịch nước thạch của Trung Quốc 120 que với giá chỉ 15.000 đồng. Theo một chuyên gia về công nghệ hóa thực phẩm, mỗi que nước có giá 100 đồng ấy không thể được sản xuất bằng công nghệ đảm bảo vệ sinh thực phẩm vì nếu áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe thì giá của mỗi que nước thạch này phải từ 300 đồng trở lên.

Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm có khoảng 10% dân số bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng các đợt kiểm tra của ngành Y tế mới chỉ chú trọng vào các loại thực phẩm chín, thực phẩm đường phố như giò, chả, bánh cuốn, bánh phở… chứ chưa có một nghiên cứu nào cụ thể về ngộ độc bánh kẹo, nước giải khát ở trẻ em. Trong khi nếu trẻ bị ngộ độc, nguy cơ tử vong cao hơn người lớn.

Trước tình trạng các loại nước giải khát nhập lậu bán tràn lan trên thị trường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Nhân, Trưởng phòng Tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội. Ông Nhân cho biết, chỉ trong hai tháng 5 và 6, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và xử lý 5 cơ sở sản xuất nước giải khát do sử dụng đường hóa học và vi phạm sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa phát hiện được các địa chỉ buôn bán nước giải khát nhập lậu. Các loại nước này vẫn được bán tràn lan và dường như đang nằm ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Sự tồn tại của các loại nước này đang là mối lo lắng của các bậc phụ huynh. Mong rằng hai ngành Y tế và QLTT cần sớm có sự phối hợp ngăn chặn tình trạng buôn bán tự do loại thực phẩm gây hại này

Ngọc Yến
.
.
.