Nông sản xuất khẩu vất vả vào Nam chiếu xạ

Thứ Hai, 13/07/2015, 10:50
Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật, châu Âu… nông sản tươi cần được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, ở miền Bắc vẫn chưa có cơ sở chiếu xạ có thể phục vụ cho nông sản. Vì thế, nông sản vẫn phải tìm đường vào Nam, khiến chi phí tăng cao, chất lượng sụt giảm.

Chiếu xạ nông sản là phương pháp dùng tia năng lượng cao như tia gamma để chiếu vào trái cây, thực phẩm. Các tia này sẽ tiêu diệt vi sinh vật gây hại, các loại sâu mối mọt có bên trong. Các tia này cũng làm chậm quá trình chín hoặc ức chế nảy mầm, nhờ đó có thể vận chuyển thời gian dài đến các thị trường xa.

Hiện nay, hầu hết các nước nhập khẩu đều yêu cầu chiếu xạ nông sản để bảo đảm không có dịch bệnh, sâu hại thoát ra môi trường, gây hại nông sản nước họ. Với các thị trường đặc biệt khó tính như Mỹ, chỉ những lô hàng nông sản có giấy chứng nhận đã qua chiếu xạ được cấp bởi Trung tâm chiếu xạ đạt tiêu chuẩn của Mỹ mới được phép làm thủ tục thông quan hải quan. Nông sản Việt đang trên con đường hướng ra biển lớn.

Thế nhưng, một thực tế là, nông sản Việt vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường rộng lớn, không đòi hỏi gì nhưng lại rất bấp bênh. Vì thế, năm nào cũng tái diễn cảnh các loại nông sản như dưa hấu, thanh long, vải thiều… ùn tắc tại các cửa khẩu do các thương lái Trung Quốc ép giá, hạn chế thu mua.

Trước thực tế này, để hỗ trợ người nông dân, Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học – Công nghệ) đang xây dựng, nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội với tổng nguồn vốn mua sắm trang thiết bị vào khoảng 30 tỉ đồng. Khi vận hành, dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường khó tính.

Theo ông Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, để được phía Mỹ chứng nhận và cấp giấy phép chiếu xạ, cùng với việc đảm bảo dây chuyền chiếu xạ, Trung tâm còn phải đảm bảo các điều kiện để hàng hóa chiếu xạ không bị tái nhiễm. Vì thế, Trung tâm cần có hai kho lạnh riêng biệt để cách ly hàng hóa đầu vào và đầu ra.

Hiện nay, kho lạnh đầu vào vẫn đang thiếu. Trung tâm dự kiến sẽ xây dựng kho mới trên diện tích 700-800m², trong đó có gần 200m² kho lạnh và 50m² dành để kiểm dịch. Với kho lạnh đầu ra (khoảng 200m²), Trung tâm sẽ cải tạo trên cơ sở kho cũ. Tuy nhiên, do chưa được Bộ Khoa học – Công nghệ bố trí kinh phí nên việc triển khai xây dựng, nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đang rất chậm.

Ông Thành cũng nói thêm, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội hiện vẫn đang sử dụng công nghệ của Nga. Công nghệ này đã có từ mấy chục năm trước, không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ phía Mỹ. “Sắp tới, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia Mỹ sang cố vấn, hi vọng từ sang năm, nông sản ở miền Bắc đã có thể chiếu xạ ngay tại Hà Nội” – ông Thành nói. Trong khi đó, ở miền Nam, ngoài trung tâm chiếu xạ ở Thủ Đức sử dụng công nghệ Hungary còn có 2 trung tâm chiếu xạ do tư nhân đầu tư.

Cả 2 trung tâm của tư nhân này đều được cấp giấy chứng nhận của Mỹ. “Chính phủ không cấm doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chiếu xạ nông sản. Bản thân Bộ Khoa học – Công nghệ cũng khuyến khích việc xã hội hoá đầu tư các trung tâm chiếu xạ.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hoạt động này thường rất lớn (từ 5-7 triệu USD), do đó doanh nghiệp phải cân nhắc kĩ lưỡng, có lợi nhuận mới làm. Ở miền Bắc, vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào xin đầu tư. Có lẽ là vì họ chưa nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận” – Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh trong một buổi họp báo gần đây.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang gặp khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản sụt giảm 6,4% so với cùng kỳ 2014, một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều có sự sụt giảm, riêng Trung Quốc tăng 3,7%. Việc đầu tư các trung tâm chiếu xạ là hướng đi tất yếu nhằm tạo thị trường ổn định cho nông sản Việt.

Khánh Vy
.
.
.