Nông sản Việt từng bước chinh phục thị trường khó tính

Chủ Nhật, 26/06/2016, 06:12
Tại thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu thành công được 2 loại trái cây sang thị trường này là xoài và thanh long. Tại Australia, DN Việt Nam xuất khẩu được 3 loại quả là thanh long, vải, xoài và tại thị trường Mỹ là 4 loại quả...

Nhìn chung, trái cây tươi Việt Nam đã dần chinh phục được một số thị trường khó tính và đều là những nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, về số lượng mặt hàng, nông sản xuất khẩu của Việt Nam được thị trường thế giới chấp nhận còn quá ít ỏi, trong khi sản phẩm này của Việt Nam rất đa dạng.

Để đưa trái xoài vào thị trường Australia, các DN Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các quy định nghiêm ngặt của nước này như: phải có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Bộ Nông nghiệp Australia cấp. Xoài phải được chiếu xạ bắt buộc tại một cơ sở được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.

Vải thiều Bắc Giang từng bước chinh phục được các thị trường xuất khẩu khó tính.

DN phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc đi kèm với mỗi lô hàng. Lô hàng không được có côn trùng, bệnh dịch, không được lẫn các chất ô nhiễm, lá, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn... và phải được đóng gói an toàn tại gốc trước khi chiếu xạ. Nếu bất kỳ vật liệu được phát hiện có nguy cơ rủi ro an toàn sinh học mà không thể xử lý bằng chiếu xạ, lô hàng sẽ bị giữ lại để trả hàng hoặc tiêu huỷ.          

Trước trái xoài, vải thiều là mặt hàng trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Australia cũng tuân theo những quy định hết sức nghiêm ngặt. Trong vụ mùa năm 2015, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Pháp, Malaysia và năm nay tiếp cận thêm một số thị trường mới như Ba Lan, Trung Đông.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, các rào cản kỹ thuật thương mại ở các nước XK để kịp thời thông tin cho DN trong nước chủ động thực hiện.

Vì vậy, hiện vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng do chủ động được thị trường nên vải thiều Bắc Giang đã tránh được tình trạng “được mùa mất giá” - “điệp khúc” mà nhiều mặt hàng nông sản Việt gặp phải trong thời gian qua. Người dân trồng vải bán được sản phẩm giá cao, sản lượng ổn định. Tính đến ngày 22-6, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu trên 32.215 tấn vải thiều, chiếm gần 25% tổng sản lượng vải thiều vụ năm nay của toàn tỉnh.

Để các loại nông sản của Việt Nam được thị trường nước ngoài chấp nhận, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì yếu tố quan trọng nhất là DN phải tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Đào Trần Nhân, tham tán công sứ thương mại tại Mỹ lưu ý DN: Trong lĩnh vực thực phẩm, DN cần xem lại các luật, giữ lại hồ sơ các lô hàng, cần sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ của Mỹ.

Nếu DN từ chối việc kiểm tra thì chắc chắn sẽ không xuất khẩu được vào nước này. Mặt khác, hồ sơ phải luôn đảm bảo là sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng. Về trái cây, hiện Việt Nam mới chỉ có 4 loại xuất khẩu vào Mỹ là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Hiện, Việt Nam đang tiến hành các bước cần thiết để tăng thêm 2 loại nữa là xoài và vú sữa.

“Mỗi mặt hàng phải làm thủ tục từ 5 - 7 năm mới có thể vào được thị trường này”, ông Nhân cho biết. Với thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, mất 5-7 năm trái thanh long mới vào được thị trường Nhật Bản và trái xoài thì mất thời gian khoảng 4 năm.

Xuất khẩu vào thị trường Nhật không chỉ có ý nghĩa là tăng thêm mặt hàng ở thị trường này mà còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là điểm xuất phát để đưa hàng Việt Nam vào những thị trường khác. Nhật Bản là thị trường khó tính, nếu thị trường này chấp nhận nhập hàng của Việt Nam thì các nước khác cũng sẽ cho nhập. Điển hình như trái thanh long khi được vào Nhật Bản, thì ngay sau đó sản phẩm này đã vào được thị trường Mỹ.

Nhìn lại hiện trạng của ngành Nông nghiệp Việt Nam, tại hội thảo “Xu hướng và một số giải pháp cho DN sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn” tổ chức ngày 24-6 tại TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cho rằng: Sản xuất của ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Trình độ sản xuất thấp còn khá phổ biến. Trong sản xuất rau quả vẫn còn tình trạng số mẫu có dư lượng thuốc BVTV, nitrate, kim loại nặng...

Vì vậy,  giải pháp để sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn đó là cần quy hoạch các vùng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn Viet Gap. Tăng diện tích sản xuất nông sản trong nhà có mái che, nhà màng, nhà lưới để hạn chế sâu bệnh. Đầu tư các giống ít nhiễm bệnh và sâu rầy. Áp dụng các biện pháp tiên tiến như: luân canh cây trồng, cày sâu bừa kỹ, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, các chế phẩm sinh học, giảm dần mức sử dụng hóa chất.

Coi trọng việc áp dụng công nghệ cao. Đầu tư hạ tầng và xử lý chất thải nguy hại để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trước, trong và sau khi thu hoạch. Đặc biệt, phải hình thành các liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, XK với các HTX, nông dân sản xuất nông sản an toàn.

Thúy Hà
.
.
.