Nông sản Việt: Xây dựng thương hiệu, bắt đầu từ đâu?

Thứ Tư, 16/05/2018, 07:17
Cùng với sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, sức ép cạnh tranh với các ngành hàng xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước ngày càng gắt gao.


Kỳ cuối : Xây dựng thương hiệu, bắt đầu từ đâu?

Hiện, nhiều loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu với số lượng lớn nhưng do chưa có thương hiệu nên giá trị thặng dư không cao. Đây là một bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường thế giới. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng hiện đã trở nên cấp bách...

Theo đánh giá của các chuyên gia, muốn giữ vững và phát triển vị thế của nông sản thương hiệu  “Made in Vietnam” đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nông dân – doanh nghiệp (DN) – Nhà nước, trong việc nâng cao sản lượng cũng như giá trị sản phẩm. 

Thế nhưng, nhìn lại “chuỗi” liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thấy rằng, việc gắn kết “chuỗi” này vẫn còn khá lỏng lẻo. Bắt đầu từ người nông dân, do không được các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường, không được phổ biến kiến thức đầy đủ về sản xuất, nuôi trồng, dịch bệnh, chăm sóc và giám sát, theo dõi trong quá trình sản xuất nên hầu như nông dân sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm. 

Mặt hàng xoài được chọn để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.

Hậu quả là trong thời gian qua, có rất nhiều loại nông sản được nông dân sản xuất hàng loạt nhưng bí đầu ra, buộc phải kêu gọi “giải cứu” như: Hành tím, chuối, củ cải trắng, cà rốt, hành tây... Và mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 5, giá dưa hấu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam “rớt” thê thảm, chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg, trong khi vào tháng 4 giá dưa hấu thương lái thu mua từ 6.900-7.500 đồng/kg. Ước tính sơ bộ, hiện ở Quảng Ngãi còn khoảng 1.000 tấn dưa hấu cần phải “giải cứu”.

Chính vì thói quen sản xuất tự phát, không theo một quy hoạch nào của người nông dân nên ngoài tình trạng “được mùa mất giá” xảy ra liên miên, chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn thực phẩm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Trong buổi “kết nối cung cầu” để đưa sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp vào các hệ thống phân phối lớn ở TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nhận xét: Trong những lần “kết nối” với các địa phương cả nước để đưa hàng nông sản vào trong các hệ thống phân phối hiện đại tiêu thụ. 

Có nhiều bản ghi nhớ giữa DN, người sản xuất và đơn vị thu mua, được thực hiện nhưng đến khi ký hợp đồng chính thức thì lại bị “bể”. Lý do đó là siêu thị cần được cung cấp số lượng hàng lớn, nguồn hàng ổn định, chất lượng sản phẩm đồng đều. 

Thế nhưng, DN, nhà sản xuất... không dám nhận vì sợ không đáp ứng được những yêu cầu trên. “Nếu đưa sản phẩm nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, thì người sản xuất phải chú ý sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, lượng hàng sản xuất phải ổn định, phải đáp ứng được đơn hàng lớn. 

Để đạt những tiêu chuẩn này, người sản xuất cần xây dựng vùng nguyên liệu lớn về chuyên canh, đặc biệt làm tốt thương hiệu sản phẩm”, bà Trang khẳng định. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt, TP Hồ Chí Minh đã thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, nhằm tuyển chọn các mặt hàng nông sản của người nông dân đáp ứng được các tiêu chuẩn khắc khe để đưa vào các hệ thống phân phối lớn, hiện đại để cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay tại “sân nhà”, hoặc từ hệ thống phân phối hiện đại, nông sản Việt được đưa ra thị trường thế giới. Mô hình này đạt được hiệu quả rất thiết thực và được rất nhiều địa phương ủng hộ.

Còn tại thị trường xuất khẩu, lâu nay các DN nhỏ Việt Nam về nông sản thực phẩm, thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính, nên chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, theo đánh giá của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) thì yếu tố nền tảng mà Việt Nam cần xây dựng để thâm nhập thị trường và phát triển bền vững, đó là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu, cộng với tác động của công nghệ.

Trong đó, tiêu chuẩn chất lượng cộng giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm Việt Nam đi ra thế giới. Với mục tiêu giúp DN cạnh tranh được tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, Hội DNHVNCLC đã được Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) trao giấy chứng nhận về quyền chủ sở hữu của danh hiệu “HVNCLC - Chuẩn hội nhập”. 

Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng xây dựng Bộ tiêu chí HVNCLC - Chuẩn hội nhập, khẳng định: “Bộ tiêu chí này chắc chắn sẽ giúp cho các DN Việt Nam khẳng định được chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề an toàn VSTP của mình đối với thế giới”. 

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DNHVNCLC cho biết, đến nay có 66 DN trong lĩnh vực thực phẩm đạt danh hiệu “HVNCLC – Chuẩn hội nhập”. 

Đây là danh hiệu được cấp khi DN thực hành đúng theo Bộ tiêu chí. “Bộ tiêu chí sẽ là lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết vững chắc về chất lượng tạo điều kiện cho hàng Việt cạnh tranh với hàng ASEAN đang tràn ngập và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản thì ngoài việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN, cần phải quan tâm đến việc xây dựng ở cấp độ cao hơn là thương hiệu cho ngành, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia. 

Trước mắt, cần chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu như: đáp ứng được sản lượng lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh... 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện, Bộ NN-PTNT cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản Việt, bắt đầu từ hạt gạo theo “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng và thương hiệu của DN.

Song song đó, Bộ NN&PTNT cũng đang tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, gồm: Xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra.

Thúy Hà
.
.
.