“Nóng” nợ xấu và sai phạm của ngân hàng thương mại

Thứ Tư, 22/08/2012, 09:25
Không nằm trong nội dung chính của phiên chất vấn, thế nhưng hai vụ án nóng bỏng: phòng khám Maria Trung Quốc với kiểu khám bệnh "thầy bói xem voi" làm bệnh nhân lăn đùng ra chết, đặc biệt vụ cơ quan điều tra (CQĐT) bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) liên quan phạm pháp về kinh tế, đã khiến phiên chất vấn tại UBTV Quốc hội hôm 21/8 trở nên gay cấn… 
>> Giải quyết nợ xấu mới cứu được nền kinh tế

Thống đốc nói gì về vụ án "bầu Kiên"?

Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã lên kế hoạch nhiều tuần nay, nội dung cũng đã được "kẻ bảng": nợ xấu và lãi suất. Tuy nhiên, "chuyện bên lề" xảy ra chỉ ít tiếng trước khi phiên chất vấn bắt đầu đã khiến Thống đốc đối diện những câu hỏi nóng bỏng và "khó lường": bầu Kiên bị CQĐT bắt giam do liên quan hành vi kinh doanh trái phép. 

Ngay đầu giờ chiều 21/8, đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn thẳng: "Tôi thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay, có biểu hiện thao túng thị trường tín dụng, vi phạm pháp luật với một số hành vi như cố ý làm trái pháp luật, kinh doanh trái phép". Đại biểu Đương viện dẫn: Ông Nguyễn Đức Kiên là một trong những cổ đông chính của nhiều ngân hàng thương mại lớn như ACB, Eximbank, DaiABank và Kiên Long, điều đó gây ra hệ quả rất xấu. "Việc thao túng thị trường tín dụng của một số ngân hàng cổ phần với hành vi cố ý làm trái như vậy, Thống đốc có nắm được không, nếu nắm được thì Thống đốc có biện pháp gì xử lý?" - ông Đương sốt sắng.

Có vẻ khá bất ngờ với câu hỏi nóng liên quan đến vụ án gây xôn xao dư luận mà báo chí thông tin trong sáng 21/8, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng kịp trấn tĩnh để trả lời không "lạc" vấn đề. Thống đốc Bình cho biết: NHNN chỉ nhận được công văn nói rằng việc bắt ông Kiên là do thành lập ra 3 công ty con và các công ty này đã có hành vi "kinh doanh trái phép".

Không nói rõ việc kinh doanh trái phép ra sao, Thống đốc chỉ nhận định: "Ông Nguyễn Đức Kiên là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên sáng lập ACB. Đây là hội đồng do ngân hàng tự thành lập, còn theo Luật các tổ chức tín dụng thì trong cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại cổ phần không có tổ chức này. Luật các tổ chức tín dụng cho phép các tổ chức tín dụng có hội đồng quản trị và ban điều hành. Đến giờ phút này, ông Kiên không tham gia vào hội đồng quản trị cũng như ban điều hành của ngân hàng này. Với địa vị công tác của ông Kiên thì không liên quan gì đến ACB", Thống đốc Bình quả quyết.

Ông cũng cho hay, cơ quan này đã chỉ đạo ngân hàng các cấp có biện pháp sẵn sàng hỗ trợ để đảm bảo thanh khoản của ACB và các tổ chức tín dụng khác, nếu như có hiện tượng rút tiền hàng loạt.

Dù Thống đốc không nhận trách nhiệm, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ngân hàng Nhà nước cũng có lỗi khi để hội đồng thành viên sáng lập tại ACB tồn tại lâu như vậy mà không có trong quy định của luật pháp. Thống đốc Bình cũng trả lời những câu hỏi liên quan đến nợ xấu và lãi suất, trong đó ông cho rằng, tình hình nợ xấu ở các ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát.

Nói về việc ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay "đi đêm" trong cho vay lãi suất thấp, Thống đốc nói đó là dư luận, chưa có căn cứ, nhưng "nếu có thì cũng không phổ biến vì hiện ngân hàng đang thiết tha cho vay". Theo ông, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, muốn bán được hàng tất phải cho vay nhiều, nếu doanh nghiệp muốn vay thì phải tạo điều kiện cho vay mới phát triển được. Dù vậy, chuyện "đi đêm" giữa ngân hàng và doanh nghiệp được các đại biểu giải thích là đang tồn tại, nguyên do nhà nước có cơ chế cho vay lãi suất ưu đãi và doanh nghiệp cần nguồn vay ưu đãi này thì phải bắt tay với ngân hàng.

Bác sĩ rởm gây chết người và chuyện ngân hàng, doanh nghiệp "đi đêm"

Trong phiên chất vấn buổi sáng, tình trạng lao động ngoại làm việc tại Việt Nam vi phạm pháp luật gây hậu quả, khiến nhiều đại biểu bức xúc. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, con số 77.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề. Qua giám sát,  nhiều địa phương không nắm được số lao động này trên địa bàn của mình.

Vấn đề này được Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích: Hiện có nhiều bất cập trong công tác quản lý nhóm lao động nước ngoài tại Việt Nam, quy định hiện cũng còn nhiều sơ hở khiến cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trước các chiêu lách luật. Bộ Công an đã báo cáo vấn đề và Thủ tướng đã có văn bản chỉ thị chấn chỉnh việc sử dụng lao động ở các gói thầu có nhà thầu nước ngoài này. Tỷ lệ lao động vào làm việc chui lớn nhất ở nhóm người vào Việt Nam qua con đường du lịch (44%), số này có nhiều vi phạm, kể cả về thời hạn thị thực, visa. Trong khi đó, xử lý số này rất khó. Đa phần nhóm lao động này là người châu Phi, vào theo diện du lịch, thử việc bóng đá, không được cũng không còn đường lui. Bộ Công an cơ bản quản lý được hoạt động của người lao động nước ngoài nói chung cũng như tội phạm liên quan, ngăn chặn kịp thời những hành vi gây mất an ninh, trật tự…

Điển hình của lao động ngoại vi phạm pháp luật gây hậu quả ở Việt Nam là phòng khám Maria Trung Quốc. Với các chiêu quảng cáo "ngút trời", phòng khám này thu lợi bất chính cao gấp hàng chục lần các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng trình độ y, bác sĩ lại yếu kém, làm người bệnh nhẹ cũng chết. Thứ trưởng Tô Lâm thừa nhận, phòng khám Maria với các dấu hiệu vi phạm như do người Trung Quốc đầu tư, thuê người đứng tên, không tuân thủ quy định ký kết hợp đồng lao động, có bác sỹ nước ngoài khám chui, gây chết người… Những vi phạm này do cơ quan Công an phát hiện, kiến nghị ngành y tế kiểm tra, xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa băn khoăn về tình hình vi phạm pháp luật khá phức tạp ở nhiều khu vực, địa bàn, trong đó có nhiều địa bàn trọng điểm của người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ông yêu cầu biện pháp giải quyết của cơ quan quản lý chuyên ngành và cần làm rõ, nếu không xử lý được tình trạng vi phạm này, trách nhiệm thuộc cơ quan nào?

Ngân hàng Nhà nước: Người gửi tiền tại ACB hoàn toàn yên tâm

Thị trường chứng khoán ngày 21/8 đã có một phiên giao dịch náo loạn trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu Kiên”) bị bắt, với hàng loạt cổ phiếu ngân hàng rớt giá, nhà đầu tư đua nhau bán tháo. Cổ phiếu đầu tiên giảm sàn là ACB - mã cổ phiếu của Ngân hàng Á Châu (ACB), do ông Nguyễn Đức Kiên là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập. Tiếp theo là đà giảm hàng loạt của các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE như EIB, STB, MBB, VCB, CTG, kéo theo các mã bluechip khác giảm mạnh.

Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, các ngân hàng đồng loạt khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên không nắm cổ phần hoặc không ảnh hướng tới hoạt động ngân hàng mình như thông tin thị trường đồn thổi. Riêng ở Ngân hàng ACB, do sợ thanh khoản căng thẳng đột biến sau tin về ông Kiên, nên trong đầu buổi sáng, ban quản trị ngân hàng này đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch tạm ngưng giải ngân cho vay và chờ thông báo mới của ban điều hành. Các đơn vị cũng được khuyến cáo theo dõi chặt chẽ thanh khoản, báo cáo lập tức các dấu hiệu bất thường về kinh doanh về cho ban lãnh đạo thường trực. Ngoài ra, lãnh đạo ACB cũng yêu cầu các Trưởng, Phó đơn vị không được rời khỏi nhiệm sở...

Chiều 21/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức có ý kiến về việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố và khẳng định người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Á Châu hoàn toàn yên tâm. NHNN đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ. Trường hợp cần thiết, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống. (Nhóm PV)

Đ.Trường
.
.
.