Nông dân ‘ngóng’ được xuất khẩu vải thiều sang Mỹ

Thứ Hai, 11/05/2015, 23:01
Sáng 11/5, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp bàn phương án tiêu thụ vải tại tỉnh Bắc Giang. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Về thời gian thu hoạch vải thiều, vải sớm dự kiến từ ngày 15/5 đến 5/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 1/6 đến 20/7/2015.
>> Dự báo giá vải thiều năm nay sẽ tương đương 2014

Vải được mùa, nông dân lo “đầu ra”

Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi như trên, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).

Đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ đang tiếp tục xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong nước, trong đó đặt trọng tâm là thị trường phía Nam, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa. Về thị trường xuất khẩu, ngoài Trung Quốc, Bộ Công thương đang hướng xuất khẩu tới các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc nên vải thiều sẽ được khuyến khích xuất khẩu vào đây.

Theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, huyện hiện có 17.500ha vải thiều, trong đó đã có 9.500ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài ra Lục Ngạn còn trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)  tại xã Hồng Giang với diện tích 60,38ha để bảo đảm đủ điều kiện, nguồn hàng sẵn sàng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác trên toàn cầu.

Mặc dù lãnh đạo địa phương đang rất kỳ vọng, nông dân Lục Ngạn cũng rất hy vọng vào việc vải thiều nơi đây sẽ được xuất đi Mỹ, Nhật nhưng có một thực tế, theo ông Tấn, đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn mới chỉ đến tham quan, tìm hiểu chứ chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng hay hứa sẽ đặt mua để xuất khẩu. “Vì vậy nông dân vẫn đang thấp thỏm đợi chờ, và nếu không sớm có hợp đồng, vải lại có nguy cơ tồn ứ hoặc bị ép giá”, ông Tấn cho biết.

Vải thiều dự báo một vụ mùa bội thu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giáp Văn Thành, nhóm trưởng phụ trách chương trình sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ của thôn Kép 1, xã Hồng Giang cho biết, toàn thôn Kép 1 có khoảng hơn 60ha vải thiều đang sản xuất theo đúng tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu đi Mỹ.

Mặc dù tiêu chuẩn phía Mỹ đưa ra khá ngặt nghèo như cấm nông dân sử dụng 5 hoạt chất không được phun lên cây vải,  bà con cũng tuân theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, phía Mỹ có đề ra yêu cầu phải bọc vải trong túi nilon 21 ngày trước khi thu hoạch thì không ai dám làm vì theo ông Thành, quả vải khác với các loại quả khác, thời tiết nắng nóng như hiện nay chỉ cần trùm bạt lên cây vải là quả đã bị thâm và hỏng hết vì nóng thì bọc nilon như yêu cầu của phía Mỹ không thể đáp ứng được.

Người dân đang chờ đợi có hợp đồng tiêu thụ vải. Càng gần đến thời điểm thu hoạch, tâm lý chờ đợi càng căng thẳng vì vẫn chỉ là những lời hứa miệng từ phía các doanh nghiệp. Mới chỉ là chào hàng, nên người dân Lục Ngạn cũng có sẵn phương án chuẩn bị: “Nếu không đi Mỹ, Nhật được thì chúng tôi lại bán cho Trung Quốc và bán trong nước”, ông Thành chia sẻ.

Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống và tiêu thụ phần lớn số lượng vải ở Bắc Giang. Tuy nhiên, đây lại là thị trường không ổn định, “sáng cao chiều thấp” và ngược lại. Chính vì vậy, người nông dân trồng vải muốn tìm kiếm thêm nhiều thị trường để tránh bị phụ thuộc.

Nhiều thị trường sẽ không lo bị “ép” giá

Với những kết quả đáng mừng từ vụ vải năm 2014, vải thiều đã được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, giúp người nông dân không bị thương lái Trung Quốc ép giá, mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam 60.000 tấn, chiếm gần 43,5% lượng tiêu thụ nội địa. Nhờ mở kênh tiêu thụ trong nước, nhất là đưa vào khu vực phía Nam, công tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 đã diễn ra thuận lợi và thành công. Vải đã giữ được giá, tạo hiệu ứng tốt cho việc tiêu dùng sản phẩm trong nước nói chung và hoa quả Việt Nam nói riêng, góp phần hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp.

Năm nay, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp cùng Bộ NN&PTNT chủ động phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng Đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc và các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải đàm phán phát triển, mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại như theo dõi sát, nắm bắt diễn biến phát sinh các rào cản thương mại (bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá, chống trợ cấp...) tại các thị trường nhập khẩu, từ đó đề xuất các phương án đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản không phù hợp đối với hàng hóa của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, về thị trường xuất khẩu, ngoài Trung Quốc, chúng ta đang hướng xuất khẩu tới các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc nên vải thiều sẽ được khuyến khích xuất khẩu vào đây. Với các giải pháp “đi trước” như hiện nay, Bộ Công thương dự báo, giá vải thiều sẽ ổn định và có mức tương đương với năm 2014.

Ngọc Yến
.
.
.