Bộ Công thương họp báo tình hình sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm:

“Nóng” chuyện buôn lậu xăng dầu

Thứ Ba, 05/03/2013, 07:35
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thừa nhận, thời điểm trước ngày 26/2, quỹ bình ổn còn rất mỏng, nhưng vì mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát, chúng ta buộc phải chấp nhận “phát sinh phụ” này và sẽ trích bù quỹ bình ổn sau. Một “phát sinh phụ” khác chúng ta đang phải đối phó chính là tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Ngày 4/3, Bộ Công thương đã tổ chức một trong những buổi họp báo kéo dài lâu nhất và “nóng” nhất từ trước tới nay, xung quanh các vấn đề được dư luận quan tâm như tình trạng cây xăng bán hàng nhỏ giọt, có dấu hiệu “găm” hàng kéo dài do thị trường xăng dầu liên tục căng thẳng; tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới và dư luận liên quan đến các dự án bauxite. Trong bức tranh thông tin tương đối ảm đạm đó, cũng có những điểm sáng liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu hết sức khả quan và việc lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, chúng ta xuất siêu 1,68 triệu USD trong vòng 2 tháng.

Cây xăng bán nhỏ giọt chưa dứt hẳn đã lại “nóng” chuyện buôn lậu

Trả lời câu hỏi về tình hình giá xăng dầu, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Từ năm 2010 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới thường tăng cao đột biến vào cuối quý I, trùng đúng vào dịp Tết Nguyên đán của chúng ta. Vì lý do nhạy cảm đó, trong 3 năm qua, có thời điểm chúng ta điều hành theo hướng cho tăng giá, nhưng gần đây cơ quan quản lý nhà nước thiên về việc dùng quỹ bình ổn và các công cụ tài chính khác để giữ giá xăng dầu ổn định.

Việc lựa chọn cách điều hành này dựa trên dự đoán vào tháng 3 và tháng 4 giá thế giới sẽ giảm. Cho đến thời điểm này, dự đoán có vẻ đang chính xác, khi vào ngày 26/2, giá thế giới ở mốc 132 USD/thùng thì đến ngày 3/3 đã xuống còn 123 USD/thùng.

Ông Quyền cũng thừa nhận, thời điểm trước ngày 26/2, quỹ bình ổn còn rất mỏng, nhưng vì mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát, chúng ta buộc phải chấp nhận “phát sinh phụ” này và sẽ trích bù quỹ bình ổn sau khi có điều kiện thích hợp.

Điều hành thị trường xăng dầu tiếp tục làm đau đầu các cơ quan quản lý. Ảnh Thiện hoàng.

Một “phát sinh phụ” khác chúng ta đang phải đối phó chính là tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới, do giá trong nước hiện thấp hơn giá tại Lào, Campuchia tới 4.000 - 5.000 đồng/lít; bên cạnh việc cây xăng bán hàng nhỏ giọt vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Một trong những dấu hiệu của tình trạng này là việc ngày 3/3, Cảnh sát biển vùng 2 (đóng tại Quảng Nam) đã phát hiện tàu PVT DRAGON của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí, do ông Hồ Hoàng Tuấn (55 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Hải Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng, có hành vi bán dầu cho tàu Quảng Hà 09 thuộc Công ty Kinh doanh xăng dầu Dung Quất, do ông Dương Xuân Mẫn (37 tuổi) làm thuyền trưởng. Khi phát hiện tàu Cảnh sát biển, hai tàu trên đã bỏ chạy.

Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 2 đã tiến hành truy đuổi, kiểm tra và kiểm soát 2 tàu. Qua khai thác ban đầu, một số đối tượng đã khai nhận mua bán trái phép 10.000 lít dầu diesel cho tàu Quảng Hà 09.

Trả lời về việc ngăn chặn tình trạng này, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, đó là trách nhiệm chung của các lực lượng Biên phòng, Hải quan (ở ngoài biên giới) và Quản lý thị trường, Công an (trong nội địa). Tuy nhiên, câu trả lời về tình hình phức tạp ra sao và khu vực nào là chủ yếu vẫn còn đang bỏ ngỏ...

Dự báo năm 2013 tiếp tục xuất siêu

Thông tin khả quan nhất về tình hình 2 tháng đầu năm nay là việc chúng ta đã xuất siêu 1,68 triệu USD, cao gấp đôi lượng xuất siêu của toàn năm 2012. Ông Trần Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Nguyên nhân của việc xuất siêu cao đột biến này chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến tăng nhanh, trong đó có đóng góp lớn của nhóm điện thoại di động, máy tính, máy ảnh... Tiêu biểu trong số đó là đóng góp của hãng Samsung khi họ đặt cơ sở sản xuất những sản phẩm tiên tiến nhất ở Việt Nam và xuất khẩu với sản lượng lớn. Thêm vào đó, một số nhóm khác cũng tăng trưởng tích cực như nhóm túi xách.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu lại giảm mạnh do sản xuất khó khăn. Trả lời câu hỏi việc xuất siêu liệu có bền vững, ông Trần Thanh Hải nhận định: Trong 2 tháng qua, DN có vốn đầu tư nước ngoài đang xuất siêu 2,96 tỷ USD trong khi nhóm DN trong nước nhập siêu 1,29 tỷ USD. Với tình hình kinh tế hiện nay, xu hướng sản xuất giảm của các DN trong nước vẫn đang rõ rệt, nên nhập khẩu chưa thể giảm, trong khi nhóm DN đầu tư nước ngoài vẫn đang xuất khẩu rất mạnh, bởi vậy năm 2013 nhiều khả năng tiếp tục xuất siêu. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không giữ lâu, khi kinh tế hồi phục trở lại, DN nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu sản xuất hơn và sản lượng của DN nước ngoài đạt mức ổn định, xu hướng nhập siêu sẽ trở lại

Vũ Hân

.
.
.