Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu tài nguyên ở Thái Nguyên

Thứ Hai, 23/09/2013, 14:48
Thái Nguyên là tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực Đông Bắc, có các dịch vụ thương mại phát triển. Dù không giáp biên, song lại có các tuyến giao thông thuận tiện, nên tình hình vận chuyển hàng hóa, thẩm lậu trong thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46), Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều thủ đoạn chở gỗ lậu tinh vi

Tờ mờ sáng 9/6, khi làn sương mỏng còn giăng giăng trên mọi nẻo đường, chiếc xe tải mang BKS 20L-6701 phủ bạt kín mít thùng xe lao vút đi trên QL3 hướng Bắc Kạn - Thái Nguyên. Được đồng bọn "do thám" đoạn đường phía trước sạch bóng lực lượng chức năng, lái xe Nguyễn Nam Sơn (41 tuổi), trú tại xã Đông Cao, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên tự tin lắm, dù 268 thanh gỗ trai xẻ (hơn 5m3 gỗ) đã khiến cho trọng tải xe vượt quá quy định và tiếng máy hơi khác. Nếu phi vụ vận chuyển trót lọt, hắn sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá.

Thế nhưng, tất cả mọi di biến động ấy đã không thể qua mắt tổ công tác Phòng PC46 Công an tỉnh Thái Nguyên. Khi xe chạy đến Km14, QL3, đoạn thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên thì được ra hiệu dừng lại để kiểm tra hành chính. Lái xe đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên, buộc phải đưa toàn bộ số gỗ về Công an tỉnh Thái Nguyên xử lý theo quy định. Chủ số gỗ trên là Hoàng Mạnh Điệp (26 tuổi), trú tại Cẩm Trà, Trung Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên. Điệp khai nhận mua gỗ tại Na Rì (Bắc Kạn) và vận chuyển về Thái Nguyên để tiêu thụ.

Theo Thượng tá Đào Duy Đạc, Phó trưởng Phòng PC46 Công an tỉnh Thái Nguyên, vụ việc trên chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh tổng thể tình hình tội phạm buôn lậu lâm sản trái phép mà phòng đã xử lý trong thời gian vừa qua. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2013, Phòng PC46 đã phát hiện, bắt giữ 16 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản, khoáng sản trái phép. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng như chạy vào ban đêm, dùng biển xanh (xe thanh lý nhưng không thay biển), khi đi có một xe dẫn đường làm công tác "chim mồi" và một xe hộ tống đằng sau cùng nhiều "vệ tinh", sử dụng bộ đàm liên lạc với nhau.

Các đối tượng tháo hết ghế sau để chứa gỗ.

Khi bị phát hiện thì các "vệ tinh" là xe máy lạng lách gây cản trở, thậm chí có trường hợp phi gỗ từ trên xe xuống chắn ngang đường. Hoặc các đối tượng chọn ngày nghỉ, ngày lễ, lợi dụng sự lơ là của lực lượng phòng chống buôn lậu. Nguồn gốc số gỗ chủ yếu từ dân sống ở các địa bàn có nhiều lâm sản như các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Bắc Sơn…

Nhiều đối tượng lợi dụng những hồ sơ thanh lý, tang vật là gỗ trong các vụ vi phạm hành chính để vận chuyển kèm theo nhiều gỗ lậu (ví dụ hóa đơn chỉ ghi 3m3 gỗ nhưng chở tận 10m3). Ngoài ra có hiện tượng vận chuyển gỗ bằng xe máy, lợi dụng đường vòng, đường tránh để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. "Đối với xe tải, chúng thay biển liên tục, chế tác thùng xe thành 2 ngăn, các kiểu để che giấu gỗ, đối với xe con thì tháo hết ghế để chứa gỗ…" - Thượng tá Đạc cung cấp thêm.

Khi bị kiểm tra tìm cách hợp thức hóa giấy tờ

Phòng PC46, Công an tỉnh Thái Nguyên có 24 cán bộ, chiến sỹ, nhưng đội Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại chỉ có 4 người, phụ trách địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên với 1 thành phố và 8 huyện, thị xã. Có thể nói, lực lượng này quá mỏng để quán xuyến hết địa bàn rộng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng mạng lưới bí mật và kinh nghiệm trong quá trình phá án nên ngoài lâm sản, các trinh sát của phòng cũng đã khám phá ra nhiều vụ vận chuyển khoáng sản với số lượng lớn.

Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 14/9, tại Km số 6, QL3, đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn, Phòng PC46, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và kiểm tra xe ôtô mang BKS 20M-0004 có dấu hiệu nghi vấn, do Tạ Ngọc Trinh (34 tuổi), trú tại Kinh Sơn, Sông Công, Thái Nguyên điều khiển. Trên xe có chứa 69 tấn quặng sắt nguyên khai nhưng lái xe không có thủ tục giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và hiện chưa xác định được chủ hàng.

Gần đây nhất, khoảng 7h ngày 17/9, tại cầu vượt Đán đường tránh TP Thái Nguyên, thuộc phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, Phòng PC46 Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện xe ôtô mang BKS 20C-005.89, do Nguyễn Thành Kiên (25 tuổi), trú tại tổ 9, Tân Lập, TP Thái Nguyên điều khiển, vận chuyển 56 tấn quặng sắt không rõ nguồn gốc.

Hiện hai vụ việc trên đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ, nhưng đã cho thấy thực trạng vận chuyển khoáng sản trái phép nóng bỏng trên địa bàn. Thủ đoạn của các đối tượng cũng tương tự như tội phạm vận chuyển lâm sản, thường đi vào ban đêm hay sáng sớm, có xe thám thính chạy trước, xe bảo vệ chạy sau, nhưng chúng chủ yếu dùng xe chuyên dụng, có tải trọng lớn.

Một trong những khó khăn đối với cơ quan chức năng trong việc xử lý loại tội phạm này là quy định về thời gian xử lý vụ việc trong Thông tư liên tịch số 60 ngày 12/5/2011 giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Công an: Các vụ vận chuyển lâm sản, khoáng sản vi phạm trong vòng 3 ngày nếu chứng minh được nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa thì không bị xử lý trước pháp luật. Quy định này vô hình chung đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lách luật, bởi thường sau khi bị tạm giữ thì các đối tượng mới tìm cách hợp thức hóa giấy tờ (bằng cách liên kết với các doanh nghiệp được phép khai thác lâm sản, khoáng sản).

Thậm chí có biểu hiện một số doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền cấp phép, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản câu kết với các đối tượng, cho sử dụng hóa đơn hợp pháp nhưng số lượng lâm sản vận chuyển vượt quá so với hóa đơn (ví dụ hóa đơn chỉ cho phép chở 25 tấn nhưng chở đến 70 tấn), vừa gây sự quá tải, vừa tiếp tay cho tình trạng thẩm lậu tài nguyên quốc gia

Quỳnh Vinh - Thanh Hà
.
.
.