Nỗi lo thuốc giả trôi nổi trên thị trường

Thứ Bảy, 03/08/2013, 17:32
Dược phẩm - đó là thuốc bổ hoặc thuốc dùng để chữa trị bệnh. Sử dụng dược phẩm tuỳ tiện có thể dẫn đến chết người hoặc tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thị trường dược phẩm đang đầy rẫy các loại dược phẩm giả, dược phẩm lậu, trong khi cơ quan quản lý chưa kiểm soát hết…

Đang bán cá bỗng thành "dược sỹ"

Trước khi đến với nghề sản xuất dược phẩm giả, Trần Thị Diễm Phương (SN 1973, ngụ phường 3, quận 8, TP Hồ Chí Minh) làm nghề bán cá và sau đó chuyển sang giặt ủi quần áo. Cơ duyên đến với Phương khi một lần tình cờ Phương gặp Quý (không rõ nhân thân, lai lịch) và được Quý "đặt hàng" Phương gia công một số loại tân dược giả và sẽ trả công hậu hĩnh.

Trước mắt, Quý hướng dẫn cho Phương cách làm 2 loại tân dược giả hiệu K-Cort và hiệu Bar, đồng thời cung cấp toàn bộ máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để Phương thực hiện. Mặc dù không có bằng cấp chuyên môn trong lĩnh vực dược phẩm, nhưng hám lợi nên Phương đã nhận lời, trở thành "dược sỹ". Xưởng "sản xuất" của Phương là một căn nhà thuê tại phường 4, quận 8, trang bị đầy đủ các loại máy móc, nguyên liệu gồm: máy đóng hạn sử dụng, máy màng co, màng co, giấy hạn sử dụng, tem nhãn thuốc, hộp thuốc giấy, nhũ đen và giấy bạc (để đóng hạn sử dụng)... và công nhân đều là người nhà để tránh phát hiện của cơ quan chức năng. Để làm tân dược giả hiệu K-Cort, Phương sử dụng nguyên liệu là ống thuốc nước, sau đó cho thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng vào trong hộp giấy.

Còn tân dược hiệu Bar, Phương chỉ cần dán nhãn, tem, lên chai nhựa có đựng sẵn thuốc con nhộng rồi cho vào hộp. Sau đó, tất cả các loại thuốc này được đưa lên máy đóng hạn sử dụng, ép màng co, dán tem, nhãn niêm phong lên hộp… thành sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi tuần, xưởng "sản xuất" của Phương cho ra "lò" từ 900 - 1.500 hộp. Sau khi thành công với 2 loại tân dược giả trên, Quý tiếp tục giao cho Phương các loại máy móc khác và giấy sử dụng các loại tân dược: Di-Antalvic, Docecavit, Fugaca, Nimis… để Phương tiếp tục gia công hàng giả. Tuy nhiên, Phương chưa kịp thực hiện thì đã bị cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh (PC 46) phát hiện, bắt giữ.

Cần thận trọng để bảo vệ sức khỏe

Cũng với "công nghệ" sản xuất tân dược giả, Trịnh Thị Kim Ngân (SN 1980, HKTT phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) săn lùng tìm mua các loại tân dược có giá rẻ, sau đó đem về  tráo vỏ, tráo ruột để "lên đời" thành loại tân dược có giá trị cao để tiêu thụ. Điều rất nguy hiểm là có nhiều loại tân dược không cùng công dụng nhưng Ngân vẫn tráo nhãn, bán ra thị trường nhưng không hề bị phát hiện.

Những loại tân dược giả này sẽ gây hậu quả kinh hoàng với sức khỏe người dân.

Như tân dược giả hiệu Danizane (ghi có tác dụng chữa trị kháng viêm) thì được Ngân "biến" từ loại tân dược hiệu Multivitamin (thuốc bổ tổng hợp), Cedeamox (ghi thuốc kháng sinh) cũng được chế biến từ viên nang con nhộng Amoxcixilin (thuốc kháng sinh) và Vadol (thuốc giảm đau)… Riêng các loại chai, lọ đựng tân dược và gói hút ẩm thì Ngân mua ở... chợ Kim Biên (quận 5). Khi cơ quan CSĐT phát hiện hành vi gian dối của Ngân, thông báo cho các công ty sản xuất dược phẩm để "nhận diện" thì hàng loạt sản phẩm làm giả đã bị lật tẩy. Các nhãn tân dược Cetirizin, Danizane, Glucosamin, Prednison, Prednisolon... là giả, nhái sản phẩm của Công ty TNHH SX-TM DP N.I.C (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh); Công ty TNHH MTV Dược TW 3- Đà Nẵng (Đà Nẵng) cho rằng không sản xuất tân dược nhãn hiệu Diantacin; Công ty CP Dược phẩm Khánh Hòa (Khánh Hòa) cũng không sản xuất tân dược nhãn hiệu Cedeamox.

Ngoài các loại tân dược giả như trên, theo ghi nhận của chúng tôi hiện nay trên thị trường việc chào bán tân dược nhập lậu hoặc giả hiệu Viagra đang xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, một cán bộ cơ quan CSĐT (PC 46) cho biết "thuốc Viagra là mặt hàng được bảo hộ và quản lý chặt chẽ trên thị trường Việt Nam.

Theo Quyết định số 149/QĐ-QLD ngày 14/9/2006 của Cục Quản lý dược (Bộ Y Tế) thì loại thuốc này không được lưu hành rộng rãi trên thị trường, chỉ được sử dụng trong phạm vi các cơ sở điều trị (đơn vị nam học, tiết niệu, nội tiết, đái tháo đường) tuyến Trung ương và các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh. Thuốc phải được kê đơn và lưu đơn thuốc theo quy định của Bộ Y tế".

Đại diện Chi cục QLTT cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng tân dược phát hiện 3 vụ vận chuyển, buôn bán dược phẩm nhập lậu với tang vật tạm giữ là 6.553 hộp thuốc đông dược toàn chữ Trung Quốc và 91.618 viên tân dược, trong đó có 3.730 vỉ (4 viên/vỉ) Viagra giả, trị giá hàng vi phạm 2,9 tỷ đồng. Vụ việc hiện đang được chuyển sang Cơ quan CSĐT thụ lý, giải quyết.

Trước tình trạng dược phẩm giả, lậu, vẫn còn xuất hiện nhiều trên thị trường, nhưng việc hệ thống cảnh báo gần chưa được quan tâm nhiều. Trong thời gian qua, chỉ có Cục Quản lý dược thông báo đình chỉ lưu hành một số loại dược phẩm kém chất lượng, còn việc sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm giả, lậu ngoài thị trường của các cơ quan chức năng khác gần như chưa kiểm soát hết. Vì vậy, NTD rất cần sự quyết liệt của các lực lượng trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như xử lý thật nặng các đối tượng vi phạm để có tính răn đe, ngăn chặn tình trạng dược phẩm "dỏm" lưu thông trên thị trường

Thuý Hà
.
.
.