Nỗ lực cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam

Thứ Bảy, 02/08/2014, 09:12
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2014) do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố, mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam năm 2014 đứng ở mức 149/189 nền kinh tế trên thế giới, tụt 4 bậc so với năm 2013 và đứng cuối bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực.

Năm 2009-2010, tổng thời gian nộp thuế của Việt Nam là 1.050 giờ (bao gồm 650 giờ nộp thuế thông thường và 400 giờ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc). Năm 2013-2014 là 872 giờ, trong đó thời gian mà doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế chiếm tỷ trọng lớn với 537 giờ trong tổng số 872 giờ.

Vì vậy, vấn đề này là một trong những việc “nóng” nhất của Hội thảo Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (dự án USAID/GIG) tổ chức tại Hà Nội ngày 31/7.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết hiện Bộ Tài chính đang dự kiến, sửa 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai về thuế. Riêng việc này đã giảm 201 giờ. Việc sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ kê khai thuế theo quý, giảm tần suất kê khai cũng có thể giúp giảm 88 giờ nộp thuế. Theo ông Tuấn, từ nay đến cuối năm, ngành tài chính phải phấn đấu giảm 354 giờ làm thủ tục và để đến năm 2015, còn 171 giờ sẽ đi vào những vấn đề cực khó và phải có giải pháp. Nhóm hoàn thuế cho doanh nghiệp phải làm sao hồ sơ, phương thức hoàn thuế đạt tiêu chuẩn như Malaysia, Singapore…

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2014 là giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay và giảm số lượng giấy tờ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; công khai các chỉ số thông quan. Tuy nhiên, trong tổng số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, cơ quan Hải quan chỉ chiếm 28% còn lại là qua nhiều khâu như: Cảng vụ, cơ quan Biên phòng, Công an, lưu thông đường bộ từ cảng về nhà máy, năng lực bốc xếp…

Cũng tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, EVN đã đặt ra mục tiêu sẽ giảm thời gian tiếp cận điện năng đối với các dự án của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xuống còn tối đa là 70 ngày thay vì 115 ngày như công bố của Doing Business 2014; thực hiện nghiêm chế độ “một cửa” mọi giao dịch với khách hàng.

Bên cạnh đó, đại diện Bảo hiểm xã hội, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho hay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện rà soát 110 thủ tục, trong đó có 10 thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Theo đó, những thủ tục nào không giảm thì sẽ phải giảm; thủ tục nào đã giảm thì phải giảm tiếp. Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục hỗ trợ phần mềm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác bảo hiểm chuyên trách với doanh nghiệp; Thực hiện mở rộng khai báo điện tử ở các tỉnh, thành phố trên cả nước… Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, đây là dịp rà soát lại toàn bộ các thủ tục về thuế, hải quan và nếu dừng lại ở những tiêu chí hiện nay thì kinh tế còn khó khăn nữa. Nếu chúng ta quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ sẽ làm được

Phan Đức
.
.
.