Nỗ lực bình ổn giá cả thị trường TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 19/11/2012, 10:12
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả bình ổn giá thị trường. Đó là vấn đề được nhiều người quan tâm tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả bình ổn giá trên thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua tăng cường liên kết kinh tế với vùng ĐBSCL” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Từ nhiều năm qua, vào các dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu dùng các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân tăng cao và đây cũng là cơ hội của các đối tượng đầu cơ găm hàng trục lợi. Thực tế, đã có nhiều “cơn sốt” gạo, đường, dầu ăn… đã tác động tiêu cực đến thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) và ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Trước thực trạng đó, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu được đưa vào thực hiện từ năm 2002 với số vốn 45 tỷ đồng và chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) tham gia. Cách làm chủ yếu là TP tạm ứng vốn cho DN thu mua dự trữ những mặt hàng thuộc lĩnh vực đơn vị kinh doanh, cung ứng cho thị trường trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán và chương trình thực hiện chủ yếu mang tính đối phó với hoạt động đầu cơ, giúp ổn định tâm lý tiêu dùng. Phát triển qua từng năm, đến nay đã có 48 DN tham gia chương trình (tăng 12 DN  so năm 2011) và lượng hàng cũng tăng 20-50%. Đặc biệt, trong năm nay, có nhiều DN tham gia chương trình không nhận vốn hoặc chỉ nhận vốn một phần, qua đó giúp giảm lượng vốn vay chỉ còn 262,2 tỷ đồng (giảm 149,8 tỷ đồng so năm 2011).

Thịt tươi sống của Vissan bán tại siêu thị - một trong những mặt hàng bình ổn thị trường.

Tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN đến nay chương trình đã triển khai được 2.734 điểm bán hàng bình ổn thị trường (tăng 2.486 điểm so với năm 2008) gồm 107 siêu thị, 388 cửa hàng tiện ích, 831 điểm trong chợ truyền thống và 1.409 điểm bán trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phòng Thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ mục tiêu ổn định tâm lý NTD trong ngắn hạn của chương trình, đến nay hàng hóa bình ổn thị trường đã trực tiếp đưa đến tay NTD trên khắp địa bàn TP và đang tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các chương trình bán hàng lưu động, các phiên chợ, hội chợ công nhân… được tổ chức thường xuyên. Riêng 10 tháng đầu năm 2012 đã có 826 chuyến hàng lưu động được đưa về bán tại quận ven huyện ngoại thành, KCN-KCX… và chương trình cũng đã đưa vào 7 bếp ăn tập thể phục vụ 37.500 công nhân. Có thể nói, đến nay, chương trình đã giúp hạn chế hiệu quả tình trạng đầu cơ, găm hàng và hạn chế được việc nâng giá tùy tiện ở các loại hình phân phối khác tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp phẩm…”.

Cũng theo đại diện của Sở Công thương, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được thực hiện tốt trong nhiều năm qua là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền TP và chính quyền các tỉnh, thành Đông - Tây - Nam Bộ. Sự liên kết này đã tạo điều kiện cho DN TP và các địa phương hợp tác sản xuất, lưu thông hàng hóa, đảm bảo ổn định nguồn hàng cung ứng cho thị trường

K.Ngân
.
.
.