Chuyện người quản lý:

Nỗ lực bảo tồn rùa biển núi Chúa

Thứ Hai, 05/03/2012, 10:18
Dưới chân núi Chúa là Bãi Thịt, bãi đẻ chính của loài rùa biển, nơi mà từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, rùa xanh - một trong 5 loài rùa biển có tên trong Sách đỏ Việt Nam vượt nghìn trùng dương tìm về… nằm ổ.

Để bảo vệ loài bò sát biết bơi này tránh nạn bị người ta săn bắt xẻ thịt, lấy mai làm hàng mỹ nghệ cao cấp, hơn 10 năm trước, Trạm bảo vệ rùa Bãi Thịt được ra đời. Qua hơn 1 thập kỷ hoạt động, nơi này đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác cứu hộ rùa biển cần được tháo gỡ! Được sự hỗ trợ về kỹ thuật cứu hộ và một phần kinh phí của Quỹ bảo vệ thiên nhiên (WWF), Trạm bảo vệ rùa Bãi Thịt trải dài trên địa bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Theo kĩ sư Nguyễn Văn Xiêm, phụ trách Phòng Bảo tồn Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa thì sau VQG Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bãi Thịt là nơi duy nhất trên đất liền được rùa biển tìm về đẻ trứng. “Trạm Bãi Thịt gồm 8 nhân viên cứu hộ, họ là ngư dân địa phương sau khi được tuyên truyền, vận động đã ý thức được tầm quan trọng sự tồn vong của rùa biển, đã tình nguyện tham gia Đội cứu hộ, bảo vệ, đỡ đẻ cho chúng” – kỹ sư Xiêm cho biết.  

Trước khi Trạm bảo vệ rùa Bãi Thịt được thành lập, nơi đây là “cửa tử” của nhiều loài rùa biển. Nhân mùa rùa lên bờ đẻ trứng, người dân địa phương mặc sức sát hại rùa theo kiểu tận diệt, bắt rùa mẹ và hốt sạch các ổ trứng. Qua quá trình nỗ lực tuyên truyền, các chuyên gia cứu hộ rùa biển ở VQG Núi Chúa đã thành công trong việc thay đổi cách nhìn, nếp nghĩ của những “sát thủ” rùa, đưa họ trở thành những mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ “cư dân” Bãi Thịt. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các thành viên Trạm cứu hộ rùa Bãi Thịt đã bảo vệ, đưa hơn 50.000 rùa con về với biển.

Cứu hộ rùa tại trạm Bãi Thịt.

Dẫu rất lạc quan với những thành quả ngoài mong đợi ấy, công tác cứu hộ rùa ở VQG Núi Chúa bộc lộ không ít trở ngại khiến những người làm công tác bảo tồn hết sức âu lo. Theo thống kê của WWF, trong số 7 loài rùa biển trên thế giới, vùng biển Bãi Thịt có 5 loài gồm vích, rùa xanh, đồi mồi, rùa da, rùa đầu to. Điều đáng quan ngại là trước năm 2003, cả thảy 5 loài rùa biển kể trên hằng năm đều về Bãi Thịt thực hiện thiên chức duy trì nòi giống nhưng sau đó và hiện tại, chỉ còn thấy loài rùa xanh về bãi. Các loài còn lại, đặc biệt là loài rùa da nằm trong nguy cơ tuyệt chủng cao.

“4 loại rùa còn lại không về Bãi Thịt không phải bởi bãi không an toàn mà nhiều khả năng cho thấy chúng bị người ta săn bắt, sát hại bừa bãi. Nhờ nằm trong vùng dự án được tuyên truyền thường xuyên nên người dân ở khu vực VQG Núi Chúa rất có ý thức trong việc bảo vệ, cứu hộ rùa biển. Nếu gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn là bà con báo ngay cho lực lượng cứu hộ. Nhưng với ngư dân ở các tỉnh thì lại khác. Thịt rùa ngon, mai rùa có giá trị mỹ nghệ, bắt rùa bán được nhiều tiền nên hễ gặp rùa là họ… bắt cho bằng được” – kỹ sư Xiêm phân tích.

Cũng theo kỹ sư Xiêm, cơ sở vật chất – trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo tồn, cứu hộ rùa biển tại Bãi Thịt thô sơ, nghèo nàn cũng gây nhiều hạn chế trong việc bảo vệ và phát triển số lượng rùa biển. “Các thành viên trong tổ bảo vệ rùa ở Trạm Bãi Thịt hoạt động về đêm, bởi khi ấy rùa mới lên bãi đẻ. Công việc đêm hôm gió mấy cực nhọc là vậy nhưng thù lao cho mỗi anh em mỗi tháng chỉ 300.000 đồng trích từ nguồn dự án của WWF. Hỗ trợ cho anh em quá ít, không những không được nâng lên mà mấy tháng gần đây chỉ còn phân nửa (150.000 đồng/người/tháng). Thế nên dù có tâm huyết nhưng trước thù lao không tương xứng với công sức như thế, một số anh em… nản”.

Rùa biển là loài sinh vật biển quý hiếm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nên công tác tuyên truyền bảo vệ, cứu nguy cho loài này cần được phổ biến trong phạm vi rộng chứ không khoanh vùng ở vùng dự án.

Mặt khác, tuy không đòi hỏi nhưng những nỗ lực của các nhân viên Trạm cứu hộ rùa Bãi Thịt cần được ghi nhận bằng thù lao xứng đáng, bởi chỉ cần đánh bắt một đêm trên biển, họ cũng dễ dàng kiếm được số tiền bằng hay có khi hơn nhiều lần thù lao được trả trong 1 tháng.

Khi những trở ngại trên được tháo gỡ, công tác cứu hộ, bảo vệ rùa tại Trạm Bãi Thịt sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn. Và những cán bộ làm công tác bảo tồn rùa biển như kỹ sư Nguyễn Văn Xiêm sẽ an tâm, không phải ngày đêm canh cánh, âu lo cho số phận của loài rùa biển!

Bích Kiều
.
.
.