Chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Nợ đọng xây dựng cơ bản, không để ngân sách phải gánh

Thứ Sáu, 06/12/2013, 08:58
Tại phiên chất vấn trực tiếp ngày 5/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã nêu nhiều lo lắng về vấn đề nợ xây dựng cơ bản (XDCB) liên tiếp tăng qua hàng năm, cùng với giải quyết vấn đề phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của Hà Nội còn nhiều bất cập chưa được giải quyết dứt điểm.

Báo động 3.200 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Ngô Văn Quý, tới tháng 6 năm nay, TP có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản vượt kế hoạch giao, chưa được thanh toán gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Trong đó, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với khối lượng cần phải thanh toán số vốn là 2.198 tỷ đồng, các dự án tiếp tục triển khai trong kỳ kế hoạch tiếp theo với số vốn gần 1.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, để nhà thầu thi công vượt kế hoạch đầu tư. Quy trách nhiệm, theo ông Quý, thuộc về các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có khối lượng vượt kế hoạch chưa có vốn thanh toán.

Với con số nợ hơn 3.200 tỷ đồng XDCB, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, tình trạng nợ XDCB hiện nay rất đáng báo động, tại sao TP đã chỉ đạo, đã cảnh báo nhưng số nợ vẫn tăng, vậy có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo điều hành, trong công tác kiểm tra xử lý nợ và giải pháp xử lý trong năm 2014 như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên nêu vấn đề: TP xử lý như thế nào đối với những tập thể, cá nhân triển khai các dự án khi chưa có kế hoạch bố trí vốn (theo báo cáo của UBND TP có 44 dự án đã triển khai nhưng TP chưa phê duyệt kế hoạch vốn). Bà Thanh cho biết, cuối năm 2008, khi Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Chính phủ mở rộng địa giới hành chính, thì con số gần 2.000 tỷ. Với quyết tâm cao độ của toàn TP, số nợ này đã xử lý xong cho đến hết năm 2010. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, báo cáo của UBND TP đưa ra con số nợ là hơn 3200 tỷ. Theo bà Thanh, TP phải thực hiện đúng quy định nợ cấp nào, cấp đó bố trí trả. Phần nợ của TP khoảng 1.400 tỷ sẽ phấn đấu trả nợ xong trong năm 2014 và phải tìm rõ đơn vị, cá nhân sai phạm để xử lý.

Đáp lại sự truy vấn của nhiều đại biểu, Giám đốc Ngô Văn Quý chỉ đưa ra câu trả lời chung chung như: TP cũng đã chỉ đạo nhưng tình hình chưa được cải thiện và TP sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, phải có kiểm điểm nghiêm túc. TP cũng đã có văn bản phê bình các huyện: Thạch Thất, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai để xảy ra nợ đọng cơ bản lớn. Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết, khi đoàn giám sát của HĐND TP đi giám sát về nợ đọng xây dựng cơ bản tại các quận, huyện thì lãnh đạo một số nơi cho rằng, các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra xây dựng, họ cam kết bao giờ có thì trả, tại sao cứ phải ngăn không cho triển khai dự án?

"Chúng tôi nói ngay trong hội nghị, nhận thức lãnh đạo còn mù mờ như vậy, không cấm nhà thầu ứng vốn thi công giờ để lại gánh nặng cho nợ ngân sách, sau đó là phát sinh kiện tụng kéo dài. Đến giờ chúng tôi vẫn nhận được đơn thư khiếu kiện nợ xây dựng từ các khóa HĐND trước nữa", ông Hoạt bức xúc.

“Tại sao cứ sau cháy nổ mới đi kiểm tra?”

Một trong những vấn đề các đại biểu rất quan tâm là an toàn cháy nổ tại các cây xăng. ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho biết, sau vụ cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, lực lượng liên ngành của Hà Nội đã đi kiểm tra hàng loạt cây xăng trên địa bàn. Tuy nhiên, nhân dân vẫn cảm thấy lo lắng việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cây xăng.

“Những sự cố cháy nổ xăng dầu rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản người dân. Tôi cảm thấy có gì đó trong sự phối hợp kiểm soát vấn đề này, đặc biệt là kiểm tra giấy chứng nhận ở những cây xăng nhạy cảm. Tại sao cứ sau cháy nổ mới đi kiểm tra?”, đại biểu Nam nêu ý kiến.

Nhiều cây xăng tại Hà Nội vẫn hoạt động dù không đảm bảo an toàn về PCCC.

Ông Nam chỉ rõ trường hợp cây xăng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) phải chờ GPMB, mở tuyến đường này mới di dời được. "Cây xăng nằm ở nút ngã ba đông dân cư chật chội và cạnh bãi đỗ xe ôtô rất lớn, mà không giải tỏa ngay, lại có phương châm chỉ đạo như vậy là hoàn toàn không yên tâm", ông Nam bày tỏ.

Ông Nam đề nghị UBND TP giải trình rõ việc phối hợp của các đơn vị PCCC và chính quyền quận, huyện như thế nào trong việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ an toàn PCCC tại các nơi kinh doanh xăng dầu. Trả lời đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, lo ngại của đại biểu và cử tri là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng của TP nên hiện nay, các xe PCCC không thể tiếp cận tất cả nhà ở trong ngõ nhỏ, nhà cao hàng chục tầng cũng chưa có kỹ thuật tiếp cận để chữa cháy. Hiện TP đang trong giai đoạn tập trung nguồn lực để đầu tư cho trang, thiết bị, kỹ thuật PCCC và HĐND TP đã quyết định dành 1.000 tỉ đồng ngân sách để đấu thầu, mua các thiết bị PCCC.

Liên quan tới các cơ sở kinh doanh xăng dầu, ông Khanh cho biết: "Cái nào chưa đảm bảo yêu cầu, chúng tôi yêu cầu phải hoàn thiện đảm bảo cao nhất về điều kiện PCCC. Tất cả vi phạm sẽ bị xử lý. Trách nhiệm quản lý để cho những cơ sở chưa được cấp giấy kinh doanh, giấy chứng nhận điều kiện về PCCC nhưng vẫn hoạt động thuộc về người đứng đầu là Chủ tịch UBND các địa phương và các sở chuyên ngành. Việc này lãnh đạo TP sẽ đôn đốc quyết liệt".

Trả lời chất vấn bằng văn bản về các vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại ngành y tế Thủ đô thời gian qua, như tại trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, thẩm mỹ viện Cát Tường, phòng khám Hương Sơn huyện Thường Tín…, UBND TP Hà Nội cho biết, trách nhiệm đầu tiên và chịu trách nhiệm chính là cá nhân người cán bộ y tế có hành vi sai phạm, sau đó là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở Y tế. Còn trách nhiệm của chính quyền quận, huyện là chưa thực sự quan tâm chỉ đạo các phòng y tế, chính quyền xã, phường, thị trấn trong việc thanh tra,  kiểm tra. Trách nhiệm của Sở Y tế thì ngắn gọn là “cho dù sai sót xảy ra ở đâu, cấp nào trên địa bàn TP Hà Nội, thì Sở Y tế cũng có một phần trách nhiệm”.

C.L.

Ngọc Yến
.
.
.