"Nín thở" chờ phản hồi vụ 8 doanh nghiệp sữa bị truy thu 1.000 tỷ đồng tiền thuế

Thứ Ba, 08/12/2015, 08:15
Báo CAND đã có bài “8 doanh nghiệp “kêu cứu” vì bị truy thu 1.000 tỷ đồng tiền thuế: Hải quan áp đặt hay doanh nghiệp nhầm mã số?”. Cho đến thời điểm này, theo phản ánh của doanh nghiệp (DN) thì Hải quan cũng như các cơ quan chức năng chưa có phản hồi chính thức nào đến DN.


Câu chuyện bắt đầu từ việc 8 DN sữa tại Việt Nam, bao gồm Công ty cổ phần (CTCP) Sữa Việt Nam (Vinamilk-VNM), CTCP Đại Tân Việt, Công ty FrieslandCampina Việt Nam, CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), CTCP Hóa chất Á Châu, CTCP Thế Hệ Mới, CTCP Sữa Hà Nội, CTCP Thương mại và Công nghệ thực phẩm Hoàng Lâm, đã cùng đứng tên ký văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phản đối việc áp dụng mã số không có căn cứ với mặt hàng nguyên liệu sữa, và truy thu thuế của 8 DN nói trên lên tới 1.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, các DN cho rằng hai dòng nguyên liệu Anhydrous Milkfat và Anhydrous Butterfat là 1, có thuế suất 5%, trong khi Hải quan cho rằng nó là hai dòng khác nhau, và thuế suất là 5% và 15%. 

Đại diện Cục Sau thông quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương. Tuy nhiên, khi nhập khẩu, một số DN nhập mặt hàng dầu bơ khan vẫn khai là chất béo khan của bơ. Trường hợp này không phải là một mặt hàng mà biểu thuế là 2 dòng hàng. Ý kiến của Bộ Công Thương và kinh nghiệm tại Thái Lan đều xác định đây là 2 mặt hàng khác nhau với thuế suất khác nhau. Vị này cho hay, việc kiểm tra sau thông quan là bình thường.

Các DN cho rằng, Hải quan tách hai mặt hàng “Anhydrous Milkfat” - dầu bơ khan và “Anhydrous Butterfat” - chất béo khan của bơ là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số hồ sơ và thuế suất khác nhau là không đúng. VNM vẫn giữ quan điểm hai mặt hàng này là đồng nhất về đặc tính sản phẩm và dẫn năm 2001, Bộ Tài chính đã có Công văn số 10290/TC/TCT gửi Tổng cục Hải quan về phân loại mặt hàng dầu bơ, đã xác định “Mặt hàng có thành phần mỡ sữa “Milkfat” chiếm ít nhất 99,8%” thì thuộc mã số 0405.90.10.

Tháng 8-2015, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến tham vấn gửi đến Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan và cả hai cơ quan này đều tiếp tục xác định Anhydrous Milkfat và Anhydrous Butterfat là đồng nhất về bản chất và có mã số phân loại 0405.90.10, và mặt hàng này theo quy định là có thuế suất 5%.

Việc truy thu thuế của 8 doanh nghiệp sữa phải chờ kết quả thanh, kiểm tra.

Như vậy, cho đến thời điểm này, cả DN và Hải quan đều giữ nguyên quan điểm của mình. Việc truy thu thuế của 8 DN sữa phải chờ kết quả thanh, kiểm tra mới xác định được đúng sai. Tuy nhiên, dù hậu kiểm là hoạt động bình thường của cơ quan Hải quan, nhưng rõ ràng nếu thực sự phía Hải quan đúng, tức là hai mặt hàng Anhydrous Milkfat và Anhydrous Butterfat là khác nhau, có thuế suất khác nhau, thì cũng cần xem xét tại sao 1 sản phẩm phân loại sai đến 5 năm, trách nhiệm của Hải quan đến đâu?

Đại diện Công ty Luật Inteco - ông Hà Huy Phong cho rằng, không loại trừ khả năng có thể có trách nhiệm của Hải quan trong quá trình xác định mã sản phẩm hàng hoá tại thời điểm kê khai do trình độ và đạo đức cán bộ, công chức Hải quan.

Nhìn một các toàn diện hơn, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng, nếu DN cố tình khai sai, khai gian dối, nhằm trốn, giảm nghĩa nộp thuế, thì phải truy thu và còn phải xử phạt vi phạm theo đúng luật định. Còn nếu DN đã khai đúng theo nhận thức, yêu cầu, thậm chí đôi khi đã tranh luận qua lại rồi mới đi đến thống nhất kê khai như vậy, thì không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm về một việc mà không do lỗi của họ. Nếu do quy định không rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, áp cả 2 mã hàng đều đúng, thì đó là lỗi của quy định, của các cơ quan quản lý.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, việc truy thu trở lại các năm trong khi DN đã quyết toán sổ sách, lời lãi chia cổ tức cho cổ đông cũng gây khó cho DN. Hơn nữa, yêu cầu nộp thuế trong thời gian ngắn là bắt bí DN. "Qua vụ việc này có thể thấy, số lượng và giá trị hàng hoá nộp thu rất lớn. Vậy nên, quy định cần rõ ràng, minh bạch. Đừng làm khó và bắt bí DN" - ông Đức nhấn mạnh.

Lệ Thúy
.
.
.