Những vướng mắc trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở TP HCM

Thứ Hai, 27/11/2006, 09:00

Cổ phần hóa (CPH) các công ty Nhà nước (vẫn thường gọi tắt là DNNN) đang là vấn đề cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: phấn đấu đến cuối năm 2007, cả nước tiến hành CPH được 40% trên tổng các doanh nghiệp… Liệu chỉ tiêu này có thể thực hiện được không? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thiềng Đức, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM.

PV: Thưa ông, thời gian qua tại TP HCM, rất nhiều doanh nghiệp đã tiến hành CPH và CPH rất nhanh, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp lại rất ì ạch, và đã xuất hiện nhiều bất cập. Với tư cách là Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thiềng Đức: Theo tôi, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách cho các công ty Nhà nước, cụ thể ở đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động, để họ  hiểu rõ mục đích, yêu cầu cấp thiết của việc tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII. Đồng thời sớm rà soát lại tiêu chí sắp xếp, phân loại DNNN đã quy định trong Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước đây, theo hướng chỉ giữ lại công ty có 100% vốn Nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và một số lĩnh vực mang tính chất cần thiết phải duy trì phục vụ công ích…

PV: Một thực tế là thời gian qua, số doanh nghiệp có quỹ đất, nhà xưởng lớn đưa vào CPH nhưng dường như không được tính giá trị vào giá trị doanh nghiệp khi CPH. Đây có phải là chuyện được hưởng lợi và biến tài sản Nhà nước thành tài sản của những cá nhân?

Ông Nguyễn Thiềng Đức: Hầu như không có doanh nghiệp CPH nào có tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH. Có ý kiến cho rằng phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH, để khỏi thiệt cho Nhà nước. Thực tế cũng có nhiều khó khăn, vì trước đây, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 23/3/2003 - Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về "thí điểm đưa một phần giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, coi đó là vốn của Nhà nước góp vào công ty cổ phần (không được chuyển nhượng)" đã được nghiên cứu áp dụng, vì rõ ràng đấy là chủ trương đúng đắn và là điều kiện tạo lập sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bởi vì khi đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị của doanh nghiệp CPH, sẽ có tác động buộc doanh nghiệp phải cân nhắc và sử dụng hợp lý các mặt bằng; nếu chiếm quá nhiều đất đai so với nhu cầu sử dụng dẫn đến giá trị doanh nghiệp tăng lên quá mức, vừa khó CPH vừa ảnh hưởng đến khả năng tính toán cân đối khả năng sinh lợi qua cổ tức; Nhà nước cũng cần phải thu hồi phần diện tích đất dư thừa so với yêu cầu sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực ra, việc tính một phần giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp CPH chỉ có ý nghĩa và tác dụng hấp dẫn việc huy động nguồn vốn trong nước cho đầu tư phát triển kinh tế, khi nào có thể đảm bảo được cổ tức phải lớn hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ thời hạn 10 năm; trường hợp ngược lại, thậm chí nếu còn nhỏ hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì sẽ có thể phản tác dụng.

PV: Nên làm thế nào trong việc đưa quỹ đất vào CPH để đảm bảo sử dụng hiệu quả giá trị đất đai của Nhà nước?

Ông Nguyễn Thiềng Đức: Nếu thực hiện theo các quy định hiện hành thì việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị CPH phải sát với giá thị trường và phải thuê các trung tâm tư vấn thẩm định giá để xác định giá. Việc thẩm định giá sẽ mất nhiều thời gian và thường giá đất được xác định rất cao; mà với giá trị cao và trước áp lực cổ tức của cổ đông, các doanh nghiệp vẫn chọn hình thức thuê đất.

Như vậy, để bảo đảm sử dụng hiệu quả giá trị đất đai của Nhà nước, cần điều chỉnh giá thuê đất cho phù hợp.

PV: Thưa ông, sau khi CPH thì một bộ phận lao động sẽ dôi dư và số này sẽ có nguy cơ mất công ăn việc làm?

Ông Nguyễn Thiềng Đức: Đã gọi là dôi dư thì phải hiểu đúng ý nghĩa của từ dôi dư; một cách đơn giản và cụ thể là khi doanh nghiệp không thể sắp xếp người lao động vào vị trí công việc nào đó, mà dù có xếp vào vị trí nào thì người lao động đó cũng không làm được việc. Người lao động như vậy thì không phải do CPH, mà cả trong tình trạng bình thường cũng khó có thể tiếp tục được doanh nghiệp "duy trì, bao bọc" mãi được. Thế nên khi sắp xếp lại các DNNN, nếu có tình trạng người lao động dôi dư như vậy, Nhà nước đã giải quyết chế độ hỗ trợ lao động dôi dư, tạo điều kiện đào tạo lại để người lao động có khả năng tìm việc làm mới phù hợp.

PV: Thực tế một số doanh nghiệp sau khi CPH phát sinh tình trạng ép giá đối với người lao động hoặc người lao động không có tiền mua cổ phần, mặc dù được giảm giá và những cổ phần này lại bị " lãnh đạo" công ty mua lại. Vậy để bảo đảm quyền lợi của người lao động khi công ty CPH, theo ông nên phải làm gì?

Ông Nguyễn Thiềng Đức: Theo tôi, chúng ta phải ban hành các văn bản cụ thể để hướng dẫn xử lý những vấn đề phát sinh mới trong quá trình CPH, khi xảy ra những tình huống mà trước kia chưa lường hết, như việc thông thầu, thoái thầu và nhất là ép giá đối với người lao động (ngay khi bán cổ phần lần đầu của CPH, với những chế tài thật sự); kể cả những khái niệm cụ thể về nhà đầu tư chiến lược, hoặc về quyền lợi tham dự của các cổ đông sở hữu ít cổ phần, hay là những hướng dẫn cụ thể về chế độ lương thưởng, phụ cấp cho người đại diện vốn Nhà nước trong công ty cổ phần, quy chế mẫu quy chế tài chính của các tổng công ty và công ty Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con...

Thực tế do có nhiều người lao động không có tiền mua cổ phần (trước đây đã vậy, dù họ được mua giá giảm 30% trên mệnh giá; lại còn được mua trả chậm khi chứng minh là người lao động nghèo), thì lại có những người khác âm thầm mua, bằng chính danh sách của những người lao động không có tiền mua cổ phần ấy. Do vậy, để tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp có khả năng mua được cổ phần theo giá ưu đãi, đề nghị là thay vì giảm 40% trên bình quân đấu giá, thì xin cho họ được mua với mức giảm 40% trên giá đấu giá thành công thấp nhất (để tránh tình trạng bị đẩy giá quá cao, rồi bỏ không mua của những nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp (thoái thầu).

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thanh (thực hiện)
.
.
.