Những vụ lừa đảo của "trùm" buôn đồ cổ Trần Kim Hoa

Thứ Năm, 20/01/2005, 14:27

Sau khi Trần Kim Hoa, một trong những "trùm" mua bán đồ cổ và đồ giả cổ ở khu vực đường Lê Công Kiều, quận 1, Tp.HCM, bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an bắt tạm giam vì hành vi mua bán, xuất lậu cổ vật, thì những vụ lừa đảo của Hoa mới được phơi bày ra ánh sáng.

Trước khi nói đến chuyện Trần Kim Hoa lừa ông Vũ Anh Tuấn và bà Vũ Thúy Nga, đồng thời lừa hai ông Nguyễn Tiến Trường, Nguyễn Toàn Thắng trong vụ  mua bán đồ giả cổ, thì cũng cần phải nêu thêm những tình tiết xung quanh việc vợ chồng ông Nguyễn Xuân Quảng, Phạm Thị Sử gửi đơn tố cáo Hoa lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,2 tỉ đồng của ông bà bởi lẽ thông qua vụ việc đó, mới có thể hình dung thêm về con người “thật” của bà “chuyên gia” mua bán cổ vật này.

Vốn cùng là đồng hương tỉnh Nam Định, vợ chồng ông Quảng, bà Sử biết vợ chồng Nguyễn Văn Minh, Trần Kim Hoa khi còn ở ngoài Bắc. Năm 1994, lúc hai gia đình gặp nhau tại TP.HCM, thì mối quan hệ lại càng thêm gắn bó. Từ sự gắn bó ấy, vợ chồng ông Quảng, bà Sử đã cho Trần Kim Hoa vay tiền nhiều lần, tổng cộng hơn 1 tỉ đồng với lãi suất dao động từ 4 đến 6,6%. Nguồn gốc số tiền lớn này, ông Quảng, bà Sử mượn của chị Nguyễn Thị Phương Liên ở Nam Định 300 triệu, mượn của chị Ngọ, anh Phạm Ngọc Đức, chị Phạm Thị Lan cũng ở Nam Định, gộp lại là 650 triệu đồng, đồng thời mượn của ông Đào Thanh Liên ở quận 5, TP.HCM, 300 triệu đồng. Hình thức cho vay được Trần Kim Hoa và ông Nguyễn Xuân Quảng thỏa thuận, rằng nếu tháng nào Hoa không trả lãi thì phần lãi đó sẽ tính vào vốn gốc.

Đến ngày 15/1/1996, tổng số tiền Hoa còn nợ vợ chồng ông Quảng là 1 tỉ 288 triệu đồng. Tuy vay từ năm 1994, nhưng đến năm 1996 Trần Kim Hoa mới bắt đầu trả lãi. Lần đầu, Hoa trả 1.800 USD, lần thứ hai 30 triệu và lần thứ ba là 10 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm Trần Kim Hoa chỉ trả thêm 1 hoặc 2 triệu đồng rồi hẹn đến năm 2004, sẽ thanh toán cả vốn lẫn lãi. Nhưng, rất nhiều lần, vợ chồng ông Quảng đến nhà Trần Kim Hoa để đòi tiền. Chẳng những không trả, Hoa còn tỏ thái độ thách thức. Vì thế, vợ chồng ông Quảng phải làm đơn đề nghị đưa Trần Kim Hoa ra trước pháp luật.

Khi tiến hành vay mượn, Trần Kim Hoa giao cho vợ chồng ông Quảng giấy tờ căn nhà số 129B đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM. Đây là giấy tờ nhà của bà Lê Thị Nga nhưng Hoa giải thích rằng, bà Nga mượn tiền Hoa nên đã dùng nó để thế chấp. Bên cạnh đó, Hoa còn dẫn bà Phạm Thị Sử (vợ ông Quảng) đến gặp bà Nga, bàn về việc gán nợ, để bà Sử lấy nhà 129B Lê Thánh Tôn. Tuy nhiên, có một điều mà vợ chồng ông Quảng không hề hay biết, đó là khi vay tiền của Trần Kim Hoa, bà Lê Thị Nga đã đưa cho Hoa giấy chủ quyền nhà rồi khi thanh toán hết nợ, bà Nga không lấy lại giấy tờ vì thời điểm ấy, bà  đã được Nhà nước cho làm hợp đồng mới, và bộ giấy tờ bà đưa cho Trần Kim Hoa không còn giá trị. Trả lời Cơ quan Điều tra, bà Lê Thị Nga thừa nhận trong thời gian còn nợ Trần Kim Hoa, Hoa đưa hai người mà bà không biết là ai, chỉ biết đó là chủ nợ của Hoa, đến xem nhà và tính chuyện gán nợ nhưng bà không đồng ý.

Riêng Trần Kim Hoa thì chối bỏ tất cả những chuyện này. Hoa nhận là mình có vay tiền của vợ chồng ông Quảng theo như những biên nhận do chính tay Hoa viết. Nhưng năm 1998, Hoa đã trả hết. Đối với 2 tờ giấy ghi nợ do bà Sử cung cấp cho Cơ quan Điều tra, thì Trần Kim Hoa giải thích rằng, đó chỉ là... giấy nháp khi hai bên thống kê số tiền vay và tiền phải trả (?!). Về giấy tờ nhà của bà Lê Thị Nga, Hoa thừa nhận có giao cho vợ chồng ông Quảng, nhưng không phải để thế chấp mà khi đó, biết bà Nga có ý định bán căn nhà này nên Trần Kim Hoa đưa cho họ coi, để họ tính toán và quyết định. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, lúc vợ chồng ông Quảng không mua được, thì tại sao Hoa không yêu cầu họ hoàn trả những giấy tờ ấy? Phải chăng, vì đã dùng nó như vật thế chấp nên Hoa không thể đòi lại?

Trước Cơ quan Điều tra, Trần Kim Hoa giải thích: “Khi bà Nga trả nợ xong cho tôi, bà Nga không đề cập gì đến giấy tờ nên tôi cũng không yêu cầu vợ chồng ông Quảng đưa lại cho tôi”. Tuy nhiên, sở dĩ bà Nga không đòi là vì bà biết những giấy tờ ấy không còn giá trị, và bà cũng không hề có ý định gán nhà trừ nợ như Trần Kim Hoa đã nói. Việc vợ chồng ông Quảng không trả lại cho Hoa vì có thể Hoa đã dùng nó để thế chấp. Nếu Hoa không thế chấp, thì vợ chồng ông Quảng giữ cái của nợ ấy làm gì vì nó có phải là nhà của Trần Kim Hoa đâu?

Vụ lừa đảo ông Vũ Anh Tuấn, bà Vũ Thuý Nga

Khoảng cuối tháng 9/2000, ông Vũ Anh Tuấn và bà Vũ Thúy Nga, khi từ Hà Nội vào Tp.HCM, đã đến nhà Trần Kim Hoa mua 3 món đồ cổ trị giá 54.000 USD. Lúc giao hàng, Hoa viết biên nhận, xác định 3 món ấy là "đồ đồng thời... nhà Hán bên Tàu", rồi cam kết sẽ trả lại tiền nếu nó không phải là đồ cổ.

Về Hà Nội, chỉ mấy hôm sau, bà Nga, ông Tuấn mới biết đồ đồng thời nhà Hán chỉ là... đồ “khổ” nên ngày 3/10, bà Nga tất tả mang 3 thứ nói trên vào Tp.HCM gặp Trần Kim Hoa để trả lại, đồng thời tự nguyện chịu “phạt” 4.000 USD. Trần Kim Hoa nhận lại 2 món, còn món thứ 3 là cái chuông, Hoa yêu cầu bà Nga mang đi giám định, và nếu trong thời gian 2 tháng, kết quả giám định cái chuông là đồ giả cổ thì Trần Kim Hoa sẽ hoàn lại đủ tiền.

Đến ngày 3/12, nghĩa là sau hai tháng, chuông cổ vẫn là chuông “khổ” nên Trần Kim Hoa phải trả cho bà Vũ Thúy Nga 20.000 USD. Số còn lại, Hoa hẹn sẽ thanh toán đủ vào ngày 30/2 âm lịch năm 2001. Thế nhưng đến ngày ấy, Hoa chỉ trả 5.000 USD, đồng thời trì hoãn rồi viết biên nhận, hẹn đến ngày 15/7 sẽ trả 10.000 USD, ngày 15/9 trả tiếp 15.000 USD còn lại. Tuy nhiên, hẹn trả là một chuyện, còn trả hay không lại là chuyện khác, vì thế bà Vũ Thúy Nga đã làm đơn gửi Công an Tp.HCM tố cáo Trần Kim Hoa lừa đảo, chiếm đoạt 25.000 USD của bà.--PageBreak--

Thế nhưng sau đó, trong quá trình thương thảo, bà Vũ Thúy Nga xin bãi nại, để hai bên tự giải quyết với nhau nên Công an Tp.HCM không khởi tố vụ án. Cho đến ngày bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an bắt tạm giam, Trần Kim Hoa vẫn chưa hoàn trả cho bà Vũ Thúy Nga số tiền này. Lý do mà Hoa đưa ra là, ông Vũ Anh Tuấn, chồng bà Nga còn nợ Hoa 10.000 USD tiền mua hàng và tờ biên nhận Hoa vẫn còn giữ. Bên cạnh đó, Trần Kim Hoa còn nói, cái chuông “cổ” bà Nga chưa đưa lại cho Hoa.

Kết quả xác minh của Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an cho thấy: Ngày 29/9/2000, khi mua hàng của Trần Kim Hoa, vì không đủ tiền nên ông Tuấn viết biên nhận, nội dung còn nợ Hoa 10.000 USD. Ngày 30/9/2000, vợ chồng ông Tuấn, bà Nga đã thanh toán hết số tiền này rồi nhận hàng đem về Hà Nội. Theo ông Tuấn, do sơ suất và cũng do tin tưởng lẫn nhau nên ông không thu hồi tờ biên nhận. Riêng về chuyện cái chuông, bà Vũ Thúy Nga trình bày rằng, lúc trả 3 món đồ “khổ” cho Trần Kim Hoa, thì bà viết biên nhận, nhận lại chuông đem đi giám định. Tại Hà Nội, khi biết Viện Bảo tàng Lịch sử không giám định đồ Trung Quốc nên ngày 3/12/2000, ông Vũ Anh Tuấn, bà Vũ Thúy Nga cùng em ruột bà Nga là bà Vũ Bích Hiền và người bạn tên là Nguyễn Thị Thanh Xuân vào Tp.HCM, trả lại chuông cho Trần Kim Hoa rồi nhận 20.000 USD mà không lấy lại tờ biên nhận.

Bà Vũ Bích Hiền cho biết, ngày 3/12/2000, bà đi cùng ông Tuấn, bà Nga, Xuân đến cửa hàng của Trần Kim Hoa. Tại đó, bà thấy Vũ Thúy Nga đưa cho Trần Kim Hoa một vật gì đó rồi nhận tiền. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng khẳng định rằng, bà nhìn thấy bà Nga đưa cho Trần Kim Hoa một món đồ, và Hoa đưa tiền lại cho bà Nga.

Các giấy tờ được lập bởi Trần Kim Hoa và bà Vũ Thúy Nga đã thể hiện rõ rằng ngày 3/12/2000, Trần Kim Hoa thanh toán cho bà Nga 20.000 USD cùng tờ biên nhận do Hoa viết, ký tên: “Ngày 3/12/2000, chị Hoa trả Nga 20.000 USD, còn lại hẹn 30/2 âm lịch”. Để sau này khỏi tranh cãi, bà Nga cũng viết một biên nhận: “Ngày 3/12/2000, Nga đã nhận của chị Hoa 20.000 USD, còn 30.000 USD nữa”.

Đến ngày 25/3/2001, Trần Kim Hoa trả tiếp cho bà Nga 5.000 USD, đồng thời ghi thêm vào tờ biên nhận Hoa làm lần trước: “Hẹn đến ngày 15/7 trả 10.000 USD, 15/9 trả 15.000 USD”. Như thế, xác định từ những bút tích này, thì tổng số tiền Hoa phải trả cho bà Vũ Thúy Nga là 50.000 USD, cộng với 4.000 USD mà bà Nga chịu “phạt”, là vừa bằng số tiền bà Nga đã bỏ ra để mua 3 món đồ “khổ”. Một điều đáng lưu ý nữa: Tất cả những biên nhận ấy, đều không đề cập đến chuyện ông Vũ Anh Tuấn còn nợ Hoa 10.000 USD. Nếu quả thật ông Tuấn vẫn còn nợ Nga 10.000 USD, thì một người “bản lĩnh” như Trần Kim Hoa, làm sao lại có thể dễ dàng quên đi khoản nợ này. Vì vậy, Cơ quan Điều tra có đủ cơ sở để kết luận Trần Kim Hoa đã chiếm đoạt 29.000 USD của vợ chồng bà Nga, ông Tuấn.

Vụ lừa đảo ông Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Tiến Trường

Cũng trong khoảng thời gian Trần Kim Hoa lừa đảo, bán đồ giả cổ cho vợ chồng ông Tuấn, bà Nga, thì hai ông Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Tiến Trường mua của Trần Kim Hoa 10 món đồ, mà Hoa cam kết là đồ cổ với giá 233.500 USD. Đến giữa năm 2002, khi nghe loáng thoáng về chuyện bà Vũ Thúy Nga bị lừa, ông Thắng, ông Trường bèn mang toàn bộ số đồ này đi giám định thì tất cả đều là đồ “khổ”.

Theo đơn tố cáo của ông Thắng, ông Trường gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an, số đồ mà Trần Kim Hoa bán cho hai ông, Hoa mua từ một người tên Trần Công Kỷ, ở Quảng Ninh. Sau đó, Trần Kim Hoa đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt, khám xét khẩn cấp với tang vật gồm 10 món đồ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần đề nghị nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không phê chuẩn lệnh tạm giam, nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra phải thay đổi biện pháp ngăn  chặn, và điều này đã gây khó khăn cho công việc thu thập chứng cứ.

Theo lời khai của ông Trần Công Kỷ, thì tháng 7/2000, trong một dịp ra miền Bắc, Trần Kim Hoa đã liên lạc với ông, rồi gửi 15 triệu đồng, nhờ ông sang Trung Quốc mua giùm một số đồ giả cổ. Sau đó, Hoa gửi tiếp 20 triệu nữa, và ông Kỷ đã mua cho Hoa 3 cặp ngựa, 3 cặp hươu, 1 cặp lân, 1 cặp lạc đà, 1 chiếc lư, 2 con thằn lằn, 1 đôi công cùng 40 món hàng gồm dao, mũi tên,... tất cả đều bằng đồng. Đến lúc Nguyễn Văn Minh, chồng Hoa ra Bắc, lại cũng nhờ ông Kỷ dẫn sang Trung Quốc. Trong chuyến đi này, Minh mua 1 đôi ngựa, 1 đôi hươu, 1 tượng sư tử là đồ bằng đồng giả cổ.

Khi Trần Kim Hoa bị bắt, Cơ quan An ninh Điều tra đã tổ chức cho ông Trần Công Kỷ nhận dạng 10 món đồ “cổ” mà hai ông Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Tiến Trường mua của Trần Kim Hoa. Trong số này, ông Kỷ nhận ra 3 món giống như những món Hoa nhờ ông sang Trung Quốc mua giùm, đó là 1 chiếc lư và 2 con thằn lằn bằng đồng.

Cuối cùng, xin trở lại việc Trần Kim Hoa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an bắt ngày 31/10/2002, rồi được tha vào ngày 5/12/2002. Khi về đến nhà, Hoa tung tin rằng mình đã bỏ  ra 800 triệu đồng để “chạy”. Lúc ấy, một số hộ dân buôn bán quanh khu vực đường Lê Công Kiều đã tỏ ra hoang mang và suy giảm lòng tin vào luật pháp vì với những vụ việc rành rành như thế, mà Hoa vẫn “chạy” được, chứng tỏ Trần Kim Hoa có mối quan hệ rất rộng. Tuy nhiên, đây chỉ là đòn hỏa mù của Trần Kim Hoa vì thực tế,  Hoa tung tin này ra, một mặt để hù dọa những người đã và đang có ý định tố cáo Hoa buôn bán lừa đảo, mặt khác, vào thời điểm ấy, một số người đã “lỡ” mua đồ “khổ” của Hoa, đến gặp Hoa để đòi lại tiền. Vì không có tiền trả, hoặc không muốn trả nên Hoa cho họ biết: “Đã chi 800 triệu đồng để “chạy” rồi. Bây giờ nhà sạch tiền. Xin hẹn một ngày khác...”

P.V.
.
.
.