Những vị giám đốc doanh nghiệp bất đắc dĩ

Thứ Tư, 18/05/2011, 09:02
Thời gian qua, trên 2 tuyến đường TCH2 (phường Tân Chánh Hiệp) và đường TTN8 (phường Tân Thới Nhất) quận 12 "mọc" lên hàng chục doanh nghiệp tư nhân (DNTN) kinh doanh ba nhóm hàng nông sản thực phẩm.

Để bán được vài bó rau, mấy kilogram thịt, cá… các tiểu thương phải xin giấy phép kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Những tiểu thương vốn quen với việc buôn bán lặt vặt bó rau, thịt, cá thì nay phải tập tành làm quen với đủ thứ giấy tờ, thủ tục, con dấu… đóng các loại thuế: Thuế doanh nghiệp, thuế môn bài, lệ phí hành chính…

Bán bó rau, con cá cũng phải lập doanh nghiệp

Ông Huỳnh Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Bảy Ngọc, bắt đầu một ngày làm giám đốc từ lúc mờ sáng với chiếc xe máy cà tàng chạy lên chợ đầu mối Bình Điền lấy vài chục ký cá điêu hồng, cá lóc… để về dọn hàng bán cho công nhân, những người lao động nghèo đi chợ.

Nhìn từ ngoài vào, nếu như không có biển hiệu hoành tráng bên ngoài đề tên công ty thì trong nó cũng chẳng khác gì một sạp bán cá ngoài chợ. "Mang tiếng giám đốc nhưng vẫn phải làm việc từ mờ sáng, quần quật với cái cân, cái thớt và đứng bán từng bó rau, đập đầu cá bán cho khách hàng đến tối mịt", ông Ngọc nói.

Còn anh Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc DNTN Hùng Cẩm, bán lẻ rau quả tươi, thịt, các sản phẩm từ thịt gia súc gia cầm thì: "Quanh 2 tuyến đường này có đến khoảng 20 doanh nghiệp tương tự, những người buôn bán nông sản thực phẩm nhỏ lẻ tại khu vực này đều là giám đốc doanh nghiệp. Sở dĩ, con đường TCH2 trở nên khang trang, rộng rãi là một phần nhờ vào sự tự nguyện hiến đất của các hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường này, họ đa phần đều sống bằng nghề bán lẻ các mặt hàng nông sản, thực phẩm như: Thịt, cá, rau, củ…".

Năm 2010, UBND quận 12 có chủ trương dẹp nạn buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, tuyến đường TCH2 cũng bị cấm các hoạt động kinh doanh nông sản thực phẩm. Khi có chủ trương trên, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại đây cũng gặp khó khăn. Theo nhiều tiểu thương, khi có quyết định cấm buôn bán trên các tuyến đường này, họ đã lên UBND quận 12 xin giấy phép hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhưng không được.

Lúc đó, người dân đã tự ý "lách luật" lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM xin cấp phép thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh ba nhóm hàng nông sản, thực phẩm. Dẫn đến tình trạng gần 20 tiểu thương bị "nâng cấp" lên thành doanh nghiệp. Tài sản của họ cũng chỉ cái bàn, cái cân bày bán những bó rau, thịt, cá… bán cho những người đi chợ.

"Sở cho, quận cấm"

Từ những phản ánh của các tiểu thương đã đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh nhưng vẫn thường xuyên bị cản trở hoạt động kinh doanh, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12 được biết: Hiện quận 12 đang tiến hành dự thảo quy hoạch khu vực mua bán tiện lợi cho người dân, theo tiêu chí xây dựng khu đô thi văn minh và đảm bảo ATVSTP vì sức khỏe người tiêu dùng.

Quận đã chỉ đạo các phường lấy ý kiến người dân về khu quy hoạch này, chậm nhất là ngày 20/5 các thông tin sẽ được chuyển về Phòng Tư pháp để phê duyệt theo nguyện vọng của người dân một cách công khai. "Trong khi quận đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng khu vực quy hoạch, một số tiểu thương đã "lách" các quy định về kinh doanh ba nhóm hàng nông sản, thực phẩm khi xin giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp đã dẫn đến các thông tin về chủ trương của quận chưa được người dân hiểu thấu đáo", ông Thắng nói thêm.

Trong giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp có nêu rõ nội dung, doanh nghiệp phải theo quy hoạch của quận, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện theo chủ trương chung. Để giải quyết cho các trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh ba nhóm hàng nông sản, thực phẩm đã thực hiện theo Quyết định 64/2009/QĐ-UBND của UBND TP HCM và sau đó được điều chỉnh theo Quyết định 79/2009/QĐ-UBND, có giấy phép kinh doanh và đáp ứng các yêu cầu đảm bảo ATVSTP tiếp tục kinh doanh bình thường đến hết ngày 31/12/2011 và phải có phương án di dời địa điểm kinh doanh khi quận đã hoàn chỉnh quy hoạch.

Trường hợp, đường TCH2 đáp ứng các tiêu chí của khu quy hoạch như văn minh đô thị, sản phẩm hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu mua bán của dân thì sẽ được chọn quy hoạch. Trở lại với những phản ánh của các tiểu thương, khi những hộ buôn bán nhỏ lẻ bị "nâng cấp" công ty, DNTN sẽ phải đối mặt với những chi phí tăng thêm như: Phí làm hồ sơ, giấy phép, mua hóa đơn… giá cả hàng hóa sẽ tăng lên gây khó khăn cho đời sống người dân, đặc biệt công nhân, những người lao động nghèo. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán được thuận lợi phù hợp với chính sách bình ổn giá của Nhà nước

Văn Vĩnh
.
.
.