Những sai phạm tại Sabeco liệu có “chìm xuồng”?

Thứ Hai, 18/04/2011, 10:51
Dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý vụ sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Sabeco, chuyển vụ việc này sớm cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau một thời gian dài, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có kết luận báo cáo Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng về vấn đề này.

Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 14 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, trong đó có vụ sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về vụ việc này và sớm có kết luận báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương. Các cơ quan chức năng phải xem xét chuyển vụ việc này sớm cho cơ quan điều tra. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm rõ ngoài các hành vi cố ý làm trái, cần điều tra dấu hiệu tham nhũng để xử lý theo pháp luật. "Riêng với những việc đã phát hiện thì phải khẩn trương xử lý, bởi thực tế rất nhiều vụ bị kéo dài, hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần, gây băn khoăn, nghi ngờ trong dư luận"…

Những sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần sớm làm rõ

Hiện nay, trên cả nước có 24 nhà máy sản xuất bia lấy thương hiệu bia Sài Gòn và phụ thuộc vào việc Tổng Công ty Sabeco cung ứng toàn bộ nguyên, vật liệu chính gồm Malt, Houblon (chiếm 90% giá trị nguyên liệu phải nhập khẩu), lon nhôm, thùng, nút và nhãn. Còn các nguyên liệu phụ khác mới được Tổng Công ty Sabeco giao cho các đơn vị tự thực hiện. Chính những quy định này đã gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho các đơn vị thành viên bởi: Nguyên liệu mà Tổng Công ty Sabeco mua rồi "ép" các đơn vị tiêu thụ thường cao hơn giá thị trường và chất lượng thì lại không tốt. Vì vậy, nhiều lần, các đơn vị thành viên đã có văn bản kiến nghị gửi lên Tổng Giám đốc Sabeco kiến nghị Tổng Giám đốc để cho các đơn vị thành viên được chủ động nhập, mua các nguyên liệu chính này vì giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn so với nguyên liệu Tổng Công ty Sabeco cung cấp. Rất tiếc những đề nghị chính đáng làm lợi cho các công ty thành viên đã không được Tổng Công ty chấp thuận.

Theo số liệu của Phòng Kế hoạch cung tiêu Sabeco, từ ngày 31/7/2007 đến ngày 23/2/2009, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh đã ký 4 hợp đồng mua Malt các loại với số lượng 69.500 tấn với thời hạn hết năm 2010 và dài hạn, với giá từ 482,03 euro/tấn - 609,3 euro/tấn (tùy loại); 10 hợp đồng mua Houblon với số lượng 74.914kga có thời hạn đến ngày 31/1/2010 với giá từ 120 euro/kga đến 310 euro/kga.

Theo chúng tôi được biết thì giá Malt do Tổng Giám đốc Sabeco mua cung cấp cho các nhà máy sản xuất bia trong năm 2009 là 12.090 đồng/kg, trong khi giá Malt cùng loại, cùng thời điểm được Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây báo cáo Sabeco được mua có 10.236 đồng/kg, chênh lệch giảm 1.854 đồng/kg, nên với tổng số lượng Malt trong năm Sabeco cung cấp là 114.500 tấn thì số tiền các Công ty Sản xuất bia Sài Gòn phải gánh tăng so với giá của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây là 212,283 tỉ đồng (114.500 x 1.854.000).

Như vậy chỉ riêng việc Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh ký hợp đồng mua Malt với các nhà cung cấp quy định giá mua không đổi kéo dài từ 3-4 năm (trong khi Nghị quyết HĐQT Sabeco quy định giá mua Malt chỉ ký hợp đồng cho 1 năm) đã dẫn đến việc Sabeco mất hàng trăm tỉ đồng khi giá Malt trên thị trường giảm.

Không dừng ở những sai phạm trên, ngày 3/2/2009, ông Nguyễn Quang Minh ký hợp đồng Sabeco/JC009 với Tập đoàn Joh-Bank-Joln GmbH mua của tập đoàn này 4.000kga Houblon cao, vụ mùa 2008 sản phẩm xuất xứ Hop Magnum - Đức với giá 120 euro/kga hiệu lực hợp đồng 30-9-2009. Chỉ 17 ngày sau (20/2/2009) ông Minh ký hợp đồng SABECO/NICoI mua của tập đoàn này 4.100kga, đúng mặt hàng, đúng mùa vụ sản xuất, đúng nơi xuất xứ Hop Magnum - Đức, nhưng với giá lên tới 265,61 euro/kga, cao hơn hợp đồng trước tới 145,61 euro/kga, nghĩa là tới hơn 220%.

Một điều khó hiểu là giá mua Houblon cao do Sabeco cung cấp cho các nhà máy trong năm 2009 là 6.046.296 đồng/kga, trong khi giá Houblon cao cùng loại, cùng thời điểm do Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây báo cáo Sabeco được mua có 3.230.350 đồng/kga; chênh lệch giảm 2.815.946 đồng/kga nên với tổng lượng Houblon cao Sabeco nhập trong năm 2009 là 36.500kga thì số tiền chênh lệch tăng so với Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây là 102,782 tỉ đồng (36.500kga x 2.815.946 đồng/kga). Việc mua Houblon viên được tính tương tự cũng có chênh lệch là 45,662 tỉ đồng (19.500kga x 2.341.683 đồng/kga).

Như vậy riêng việc Tổng Công ty Sabeco mua 2 loại nguyên liệu này đã làm thiệt hại (tăng so với giá mua do Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây đề xuất) số tiền là 360,727 tỉ đồng. 

Vụ việc có dấu hiệu tiêu cực chưa phải đã hết, việc ký hợp đồng mua vỏ lon bia mới là tảng băng nổi trong biển băng chìm tại Sabeco. Cũng theo hồ sơ mà chúng tôi có được thì trong các năm 2006, 2007, Sabeco ký kết hợp đồng mua vỏ lon bia với các đối tác cũng như với Crown Saigon và Crown Hà Nội (cùng một nhà cung cấp) thì tất cả trong các hợp đồng đều tồn tại "Điều 6. Quy định giá cạnh tranh". Chính nội dung trong điều khoản quan trọng này sẽ buộc các đối tác bán hàng phải điều chỉnh giá bán khi giá thị trường xuống để tránh gây thiệt hại cho Tổng Công ty.

Nhưng điều khuất tất là cùng một nhà cung cấp, cùng một ngày 19/8/2008, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh đã ký 2 hợp đồng, một với CrownSaigon/Sabeco No:098 và một hợp đồng với CrownHànội/Sabeco No:02 với giá và điều kiện hoàn toàn khác nhau. Hợp đồng No:02 ký với CrownHànội mua 20 triệu bộ lon với giá trị hợp đồng là 2.232.000 USD (106 USD/1.000 bộ lon) thì có tồn tại Điều 6 trong hợp đồng. Vì thế khi giá thị trường giảm, hợp đồng này đã được điều chỉnh giảm giá trị còn 1.628.000 USD; giá mua thực tế giảm từ 106 USD xuống còn 74 USD/1.000 bộ lon (giảm 32 USD/1.000 bộ lon). Còn trong hợp đồng CrownSaigon/Sabeco No:098 thì được Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Minh bỏ qua Điều 6 nên khi giá thị trường giảm, Sabeco không được điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng. Vì thế nên Sabeco chịu thiệt hại tới 9,6 triệu đô la trong riêng hợp đồng này.

Với cương vị và trách nhiệm của Tổng Giám đốc, khi đặt bút ký kết hợp đồng trị giá trên 40 triệu USD như nêu trên thì buộc ông Minh phải biết hợp đồng này không thể thiếu "Điều 6", một điều khoản quan trọng. Ngoài ra trong bản hợp đồng này, ông Minh đã làm sai nguyên tắc khi không tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh. Rõ ràng đây là việc làm cố ý, còn việc có trục lợi từ những lắt léo trong hợp đồng này hay không thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng.

Những phân tích trên cho thấy, đã rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" của Tổng Giám đốc Sabeco. Vấn đề mà dư luận đặt ra là: Tại sao các cơ quan chức năng chưa làm rõ những sai phạm nghiêm trọng này?

Thanh tra Chính phủ chưa có báo cáo với BCĐ TW về phòng chống tham nhũng

Trước những sai phạm nghiêm trọng trên và nhiều sai phạm khác tại Sabeco, ngày 9-9-2009, Bộ Công Thương đã ra quyết định  thành lập đoàn thanh tra Tổng Công ty Sabeco. Ngày 6/11/2009, Bộ Công Thương đã có kết luận thanh tra số 11153. Kết luận này tuy chưa đầy đủ nhưng đã chỉ ra được những sai phạm nêu trên tại Sabeco.

Trong lúc dư luận đang chờ đợi sự xử lý nghiêm minh của lãnh đạo Bộ Công Thương thì ngày 4/6/2010, Bộ Công Thương lại ký Quyết định số 2963/QĐ-BCT thành lập đoàn thanh tra, thanh tra Sabeco lần thứ 2 để làm rõ những sai phạm của Sabeco. Ngày 23/8/2010, Thanh tra Bộ Công Thương đã có kết luận thanh tra số 207 về những vụ việc nêu trên. Điều khiến dư luận bất bình là nội dung bản kết luận này phủ nhận tất cả những gì gọi là sai phạm của Sabeco mà kết luận trước đã chỉ ra. Một điều khác là bản kết luận này được dư luận cho là vi phạm luật thanh tra khi trên bản kết luận được đóng dấu mật. Sau đó, hàng chục tờ báo đã đồng loạt phản ứng về nội dung bản kết luận này.

Một góc Nhà máy bia Sài Gòn.

Trước những sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Tổng Công ty Sabeco và trước đòi hỏi của công luận, ngày 7/11/2010, Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra và báo cáo Ban chỉ đạo TW về PCTN về vụ việc này tại Thông báo số 19/TB-VPBCĐ ngày 7/11/2010 yêu cầu "Thời hạn thanh tra 1 tháng kể từ ngày 15/11/2010". 

Tiếp theo đó, ngày 6/4, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ 14, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, trong đó có vụ sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn. Thủ tướng còn chỉ đạo các cơ quan chức năng phải xem xét chuyển vụ việc này sớm cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau một thời gian dài, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có kết luận báo cáo BCĐ TW về PCTN về vấn đề này.

Không biết đến bao giờ vụ việc sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sabeco mới có kết luận thỏa đáng?

Nhóm phóng viên PL
.
.
.